2018 là năm tương đối sôi động trên thị trường smartphone. Các nhà sản xuất liên tục đưa ra hàng loạt giải pháp nhằm cắt giảm phần viền màn hình như sử dụng thiết kế "tai thỏ", giọt nước hay camera thò thụt. Thậm chí, một số hãng còn "hồi sinh" cả thiết kế của những chiếc điện thoại nắp trượt thời xưa.
Hàng loạt mẫu smartphone với thiết kế trượt màn hình độc đáo như Xiaomi Mi Mix 3, Lenovo Z5 Pro hay Honor Magic 2 đã được các nhà sản xuất giới thiệu ra thị trường. Tuy nhiên, trào lưu này cũng nhanh chóng rơi vào quên lãng và đến nay đã hoàn toàn biến mất.
Một số ý kiến cho rằng những chiếc smartphone trượt toàn màn hình có trọng lượng nặng, gây khó khăn cho người dùng trong quá trình sử dụng. Vì vậy, thiết kế này không tối ưu và không còn được các hãng lựa chọn.
Tuy nhiên, trên thực tế nhiều mẫu smartphone hiện tại đã có trọng lượng trên 200 gram, tương tự những mẫu di động màn hình trượt. Do đó, đây không phải là nguyên nhân các nhà sản xuất từ bỏ thiết kế này.
Theo GizChina, vấn đề lớn nhất trên những chiếc smartphone màn hình trượt nằm ở chi phí sản xuất và chi phí bảo hành. Với đặc thù của thiết kế trượt, smartphone sẽ cần được cấu thành từ rất nhiều các linh kiện nhỏ khác nhau. Điều đó kéo theo chi phí sản xuất, gia công cao hơn đáng kể. Chưa dừng lại ở đó, quy trình lắp ráp phức tạp cũng khiến chi phí sản xuất những chiếc điện thoại dạng này tăng cao.
Chi phí bảo hành cũng là một trở ngại lớn. Một điều hiển nhiên rằng những chiếc smartphone màn hình trượt có nguy cơ hỏng cao hơn tương đối so với một chiếc điện thoại thông thường.
Tuy nhiên, thiết kế này khiến cho chi phí sản xuất và chi phí bảo hành tăng cao, kéo theo giá bán smartphone cũng bị đẩy lên.
Nếu người dùng vô tình làm rơi một chiếc điện thoại trượt, máy rất dễ gặp phải sự cố về phần cáp nối. Thậm chí, ngay cả khi người dùng không làm rơi máy, đây cũng là thành phần linh kiện dễ hỏng nhất.
Có thể thấy, thiết kế này giúp các hãng tối ưu toàn bộ màn hình hiển thị, cắt giảm tối đa các phần viền xung quanh. Tuy nhiên, nó sẽ làm tăng chi phí sản xuất và chi phí bảo hành, khiến giá bán sản phẩm cũng từ đó mà tăng cao. Vì vậy, các hãng smartphone sẽ không lựa chọn giải pháp này.
Gửi phản hồi
In bài viết