Xe tăng của nhóm phiến quân Hayat Tahrir al-Sham di chuyển ở al-Rashideen, tỉnh Aleppo (Syria) ngày 29/11/2024. (Ảnh: Reuters/TTXVN) |
Dù không có sự chấm dứt hoàn toàn, cuộc xung đột tại Syria nổ ra từ năm 2011, khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người phải di dời, đã yên tĩnh trong nhiều năm qua sau khi Iran và Nga giúp chính quyền của Tổng thống al-Assad giành quyền kiểm soát hầu hết đất đai và tất cả các thành phố lớn. Tuy nhiên, lực lượng phiến quân Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS), trước đây được gọi là Mặt trận Nusra, đã phát động cuộc tấn công quy mô lớn vào hơn 50 thị trấn và làng mạc trên đường tiến về tỉnh Aleppo phía Bắc Syria kể từ ngày 27/11 vừa qua, đánh dấu việc lần đầu tiên Aleppo bị tấn công kể từ năm 2016, thời điểm quân chính phủ giành lại quyền kiểm soát từ tay phiến quân.
Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR), có trụ sở tại London (Anh), cho biết, phiến quân đã kiểm soát sân bay Aleppo và hàng chục thị trấn lân cận sau khi chiếm được hầu hết thành phố Aleppo. Ngoài ra, phiến quân cũng chiếm được thành phố Maraat al Numan ở tỉnh Idlib. Các tay súng đã sử dụng thiết bị bay không người lái (UAV) trong các đợt tấn công. Chỉ trong vài ngày, các cuộc giao tranh giữa quân đội Syria và lực lượng nổi dậy đã khiến hơn 1.000 người thiệt mạng.
Trước tình hình nêu trên, lần đầu tiên kể từ năm 2016, Nga đã tiến hành các cuộc không kích ở một số khu vực. Trung tâm Hòa giải các bên thù địch của Nga tại Syria cho biết, các cuộc tấn công bằng tên lửa và bom đã nhắm vào các điểm tập trung phiến quân, sở chỉ huy, kho vũ khí và vị trí pháo binh ở các tỉnh Aleppo và Idlib.
Trong khi đó, tại miền Bắc Syria, giáp giới Thổ Nhĩ Kỳ, theo hãng thông tấn nhà nước Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Yasar Cekik - một trong những chỉ huy địa phương quan trọng của Đơn vị Bảo vệ nhân dân người Kurd ở Syria (YPG) - mà chính quyền Ankara coi là một nhánh của đảng Công nhân người Kurd (PKK), đã thiệt mạng trong cuộc tấn công do Tổ chức Tình báo quốc gia (MIT) Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành ở Syria.
Theo SOHR, ngày 1/12, nhóm nổi dậy được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã chiếm giữ thị trấn Tal Rifaat - vốn do các lực lượng người Kurd kiểm soát. Kể từ năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành các chiến dịch ở miền Bắc Syria nhằm truy quét các lực lượng người Kurd và đã chiếm giữ nhiều khu vực rộng lớn tại đây. SOHR cảnh báo, khoảng 2.000 người Kurd ở Syria hiện đang bị các nhóm được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn bao vây ở tỉnh Aleppo.
Lo ngại tình trạng bạo lực leo thang ở Syria, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi chấm dứt giao tranh ngay lập tức và bảo vệ dân thường, đồng thời hối thúc các bên liên quan tiến hành đối thoại. Nga và Trung Quốc bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad nhằm duy trì an ninh và ổn định quốc gia.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm, Bắc Kinh sẵn sàng nỗ lực nhằm ngăn chặn tình hình xấu đi tại Syria. Nga thông báo nước này đang hỗ trợ quân đội Syria đẩy lùi lực lượng phiến quân ở ba tỉnh phía Bắc, khi Moskva tìm cách hỗ trợ Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Trong một tuyên bố chung, Mỹ cùng các đồng minh là Pháp, Đức và Anh đã kêu gọi giảm căng thẳng tại Syria, bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng quốc gia Trung Đông. Tuyên bố chung nêu rõ, căng thẳng leo thang hiện tại nhấn mạnh đến vấn đề cấp bách cần có một giải pháp chính trị tại Syria phù hợp Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về hòa bình tại nước này.
Cũng trong nỗ lực tìm giải pháp ngăn chặn căng thẳng leo thang tại Syria, Tổng thống Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã gặp Thái tử Saudi Arabia để thảo luận về các chiến lược nhằm ngăn chặn những cuộc khủng hoảng tiếp theo ở Trung Đông, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Syria. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác giữa các nước Arab nhằm đối phó những thách thức phức tạp mà khu vực đang phải đối diện.
Trong khi đó, phát biểu với báo giới sau cuộc gặp người đồng cấp Iran Abbas Araqchi tại Ankara, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được ổn định ở Syria, theo đó cần mở ra kênh đối thoại giữa Chính phủ Syria và lực lượng đối lập. Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng đóng vai trò đối với cuộc đối thoại như vậy nếu cần.
Tình trạng bạo lực tại Syria đã gây nhiều thương vong cho dân thường, gây thiệt hại nghiêm trọng cho cơ sở hạ tầng dân sự và làm gián đoạn các dịch vụ thiết yếu. Hơn 10 năm trước, Syria đã phải trải qua thảm kịch tồi tệ bởi cuộc chiến “huynh đệ tương tàn”, trở thành vùng đất màu mỡ cho tổ chức khủng bố IS hoành hành. Tình hình Syria hiện nay nếu không thể kiểm soát sẽ tạo “lỗ hổng an ninh” cho IS thừa cơ trỗi dậy, nhất là trong bối cảnh khu vực Trung Đông đang bị tàn phá bởi nhiều cuộc xung đột và bất ổn an ninh nghiêm trọng.
Gửi phản hồi
In bài viết