Ảnh: WHO. |
Cách đây tròn ba năm, vào tháng 12/2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, cướp đi sinh mạng của nhiều người, khiến các hệ thống y tế bị tê liệt, chuỗi cung ứng quốc tế bị đứt gãy và nền kinh tế thế giới chao đảo, các quốc gia đã xúc tiến soạn thảo một thỏa thuận về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó đại dịch trong tương lai.
Tuy nhiên, những cách biệt chưa thể san lấp đã khiến các cuộc thương lượng về hiệp ước này đến nay vẫn chưa cán đích. Tại vòng đàm phán gần nhất vào tháng 11 vừa qua, các nước thành viên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) buộc phải quyết định kéo dài hoạt động đàm phán sang năm 2025 do còn quá nhiều bất đồng.
Tuy vậy, ngay cả khi thời hạn chót đã được lùi lại, các nước vẫn cần “chạy đua với thời gian” để không tiếp tục bỏ lỡ cơ hội. Giới chuyên gia từng cảnh báo về việc mất đi động lực đối với hiệp ước ứng phó đại dịch, dẫn tới tình trạng trì hoãn kéo dài, nhất là trong năm bầu cử ở nhiều quốc gia.
Khép lại cuộc đàm phán hồi tháng 11/2024 với kết quả không mấy khả quan, các quốc gia tham gia đàm phán thừa nhận, việc không thể hoàn tất thỏa thuận trong năm 2024 là do còn tồn đọng quá nhiều vấn đề, nổi bật là lợi ích của các quốc gia phương Tây - nơi có ngành dược phẩm phát triển mạnh, trong khi các quốc gia nghèo có thể bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống đại dịch.
Các nước hiện chưa thể thống nhất về việc chia sẻ công bằng nguồn lực liên quan đại dịch như cách tiếp cận các yếu tố gây bệnh, vaccine, hoạt động xét nghiệm, phương pháp điều trị. Ngoài ra, còn nhiều thách thức liên quan đến việc giám sát, các biện pháp phòng ngừa và chuyển giao công nghệ cho các quốc gia kém phát triển hơn.
Ông Wiku Adisasmito, đại diện đoàn đàm phán Indonesia khẳng định, giữa các quốc gia có sự chênh lệch về năng lực, và các nước đang phát triển cần được hỗ trợ tài chính để tăng cường giám sát những mầm bệnh nguy hiểm mới nổi ở động vật và môi trường.
Dù các cuộc thương lượng vẫn chưa cán đích, các nước đều thể hiện sự nhất trí, quyết tâm thu hẹp bất đồng, sớm xây dựng thành công thỏa thuận về ứng phó đại dịch trong tương lai. Ðại diện đoàn đàm phán Tanzania tin tưởng rằng, cuộc họp vào tháng 12/2024 sẽ giúp giải quyết các vấn đề tồn đọng để sớm đạt được một thỏa thuận mà các nước châu Phi đã mong đợi từ lâu.
Giám đốc phụ trách xử lý các trường hợp khẩn cấp của WHO Michael Ryan cho biết đã có sự gia tăng ý chí chung hướng đến thỏa thuận, mặc dù sự cấp bách về thời gian đang không ủng hộ các nước.
Sự xuất hiện của chủng virus mới gây bệnh đậu mùa khỉ (mpox), đợt bùng phát dịch do virus Marburg gây ra ở Rwanda và tình trạng cúm gia cầm H5N1 lây lan trong những tháng gần đây đã cho thấy, dịch bệnh luôn là mối đe dọa thường trực trên toàn cầu. Trong báo cáo thường niên được công bố vào tháng 10/2024, Hội đồng giám sát chuẩn bị toàn cầu (GPMB) nhấn mạnh, các đợt bùng phát dịch bệnh như vậy là “những cảnh báo rõ ràng”.
Một khi đại dịch xuất hiện thì không quốc gia nào, dù giàu hay nghèo, có thể an toàn nếu trên thế giới vẫn còn quốc gia phải chống dịch. Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của WHO Hans Kluge cho biết, trong 5 năm qua, có đến 25 trong số 53 quốc gia thành viên WHO tại châu Âu xảy ra ít nhất một tình huống y tế khẩn cấp.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus từng thừa nhận, tiến trình đàm phán hiệp ước đối phó đại dịch gặp nhiều khó khăn do tính chất phức tạp về mặt kỹ thuật, pháp lý và chính trị, bên cạnh khung thời gian vô cùng gấp rút. Với tình trạng biến đổi khí hậu và xung đột diễn biến nghiêm trọng như hiện nay, một đại dịch tương tự dịch Covid-19 hoàn toàn có thể xuất hiện vào bất cứ thời điểm nào. Ðiều này cho thấy các nước cần nhanh chóng đạt được thỏa thuận chung để ứng phó hiệu quả hơn những cuộc khủng hoảng y tế.
Gửi phản hồi
In bài viết