Hệ thống y tế tại Ấn Độ đã quá tải vì các ca mắc mới Covid-19 tăng kỷ lục.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm ngoái, Ấn Độ là một trong những quốc gia đầu tiên áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc vào tháng 3-2020. Động thái này của chính phủ cùng với sự cảnh giác cao của cộng đồng đã giúp Ấn Độ thành công trong việc kiểm soát số ca mắc bệnh.
Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2020, các cơ quan, doanh nghiệp và người dân tại Ấn Độ đã trở lại nhịp sống thường ngày. Nhiều người không tuân thủ hướng dẫn phòng dịch Covid-19, không đeo khẩu trang hay thực hiện giãn cách xã hội. Từ đó, một làn sóng lây nhiễm mới bùng phát với số ca mắc Covid-19 và số ca tử vong do dịch bệnh tăng nhanh.
Trên thực tế, việc Ấn Độ nhanh chóng rơi vào cuộc khủng hoảng chưa từng có trong tiền lệ là do tâm lý chủ quan của người dân. Điển hình là việc các tín đồ Hindu giáo hành hương về những lễ hội tôn giáo lớn như Kumbh Mela ở Haridwar, bang Uttarakhand. Nơi đây, hàng triệu người tập trung để trầm mình dưới sông Hằng với niềm tin bất diệt rằng, dòng nước thiêng sẽ giúp họ gột rửa mọi tội lỗi. Sự kiện tôn giáo lớn nhất thế giới này bỗng trở thành cơn họa "siêu lây nhiễm".
Các nhà dịch tễ học cảnh báo, Ấn Độ đã xuất hiện nhiều biến chủng của Covid-19, trong đó biến chủng mang tên B1.6.1.7 có tốc độ lây lan cực nhanh. Và, trong cơn đại dịch mang tên Covid-19 tại Ấn Độ, đất nước này đang rất cần sự chung tay, sẻ chia của cộng đồng quốc tế.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở Ấn Độ, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã chi viện thêm 2.600 nhân viên y tế cũng như thiết bị và ôxy hỗ trợ cho quốc gia này. Cùng thời điểm, Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã kích hoạt Cơ chế bảo hộ dân sự và đang tìm cách gửi ô xy và thuốc men cho Ấn Độ sau khi nhận được yêu cầu từ New Delhi. Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ Bipin Rawat cho biết, lượng khí ôxy từ nguồn dự trữ của lực lượng vũ trang cũng sẽ được chuyển đến các bệnh viện để kịp thời cứu chữa cho người dân.
Trong khi đó, năm 2020, Thái Lan đã khống chế và duy trì thành công số ca nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch mới đã khiến hơn 24.000 người mắc bệnh và 46 người tử vong chỉ trong 25 ngày qua. Chỉ riêng ngày 27-4 Thái Lan có 2.179 ca mắc mới, 15 ca tử vong. Số ca nhiễm Covid-19 gia tăng đột biến được xác định là do nhiều người dân Thái Lan thực hiện chưa tốt quy định về giãn cách xã hội, đặc biệt là trong các hoạt động tập trung đông người.
Trước thực trạng dịch tái bùng phát, chính quyền Bangkok đã ra quy định bắt buộc người dân đeo khẩu trang ở mọi nơi, mọi lúc, đồng thời yêu cầu đóng cửa 31 loại hình kinh doanh trong hai tuần kể từ ngày 26-4.
Diễn biến đáng lo ngại từ làn sóng dịch Covid-19 mới tại Ấn Độ và Thái Lan đang gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh với nhiều quốc gia về nguy cơ tái bùng phát dịch. Theo các chuyên gia y tế, sự nóng vội, chủ quan của người dân đã khiến công tác phòng dịch tại nhiều quốc gia bị đổ vỡ hoàn toàn. Chỉ cần một sự kiện tập trung đông người không tuân thủ tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cũng có thể khiến cả nghìn người bị lây nhiễm, gây tổn thất rất lớn cho xã hội. Do vậy, phòng, chống dịch có hiệu quả phải dựa vào ý thức của mỗi người dân. Nếu lơ là, chủ quan, bất cứ quốc gia nào cũng có thể bị nhấn chìm trong dịch bệnh.
Gửi phản hồi
In bài viết