Trong thời kỳ khai thác thuộc địa ở Việt Nam, người Pháp quy hoạch xây dựng nhiều đô thị cùng hàng ngàn công trình kiến trúc, song chỉ có 3 thành phố được xây dựng nhà hát, đó là Hà Nội, Sài Gòn và Hải Phòng.
Đầu thế kỷ XX, dân số Hải Phòng có 16.000 người, trong đó, riêng lực lượng quân đội Pháp, kiều dân Pháp cũng đã tới hàng ngàn người. Chính vì vậy, chính quyền thực dân Pháp đã quyết định xây một nhà hát làm trung tâm văn hóa - giải trí cho người Pháp trên cơ sở quy hoạch đô thị mới của phương Tây. Địa điểm xây dựng “Nhà hát Tây” (cách gọi của dân gian thời ấy) là khu vực làng cổ An Biên. Vì dự án này, ngôi chợ cổ ở làng An Biên đã bị giải tỏa vào năm 1900. Nhà hát được khởi công xây dựng vào năm 1904 và hoàn thành năm 1912, do kiến trúc sư người Pháp thiết kế theo mẫu nhà hát Paris (Pháp), nguyên vật liệu xây dựng được mang từ Pháp sang. Việc xây dựng do thợ và nhân công Việt Nam thực hiện dưới sự chỉ đạo của kiến trúc sư Pháp.
Nhà hát lớn Hải Phòng có quy mô hơn 400 chỗ ngồi, được thiết kế theo phong cách Baroque, thể hiện ở những chi tiết cầu kỳ và nghệ thuật trang trí hoành tráng, gây ấn tượng mạnh. Mặt đứng chính của công trình đối xứng, có cấu trúc chặt chẽ với 3 nhịp cùng 4 cột corinthian đỡ mái; các cửa sổ, lan can đều được trang trí tinh xảo. Khán phòng hai tầng ghế ngồi có hình vòng cung với các ô cửa vòm. Trần cũng có cấu trúc vòm. Trên tường và trần trang trí nhiều phù điêu, tranh, tượng. Ghế khán giả được làm bằng gỗ bọc nỉ màu đỏ, sang trọng, quý phái. Xung quanh sân khấu và khán phòng còn có các phòng phụ trợ như phòng trang điểm, phòng nghỉ của diễn viên, phòng tiếp khách, phòng họp...
Thời Pháp thuộc, Nhà hát là nơi sinh hoạt chính trị, văn hóa của người Pháp và những người bản xứ giàu có. Chỉ những gánh hát từ Pháp sang hoặc những gánh hát nổi tiếng trong nước mới được biểu diễn tại đây và chỉ người giàu có mới đủ tiền mua vé vào xem.
Nhà hát lớn Hải Phòng là địa danh lịch sử gắn liền với thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Vào ngày 20-11-1946, tại đây đã diễn ra trận đánh đẫm máu để bảo vệ thành phố. 13 chiến sĩ Vệ quốc đoàn và chiến sĩ tuyên truyền văn hóa Việt Nam đã cầm chân lực lượng quân đội Pháp suốt một ngày đêm và tiêu diệt 50 lính Pháp trước khi hy sinh.
Sau khi người Pháp rút quân vào năm 1955, Nhà hát lớn Hải Phòng vẫn giữ chức năng ban đầu. Ngày nay, công trình là một điểm nhấn kiến trúc đô thị. Năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng Nhà hát lớn Hải Phòng là Di tích quốc gia.
Gửi phản hồi
In bài viết