Nhà máy điện ảo không hề có máy phát điện hay tua bin gió, mà chính là một trung tâm xử lý các dữ liệu, được quyền truy cập vào đơn vị vận hành lưới điện, đo đếm lượng điện tái tạo, phân tích dữ liệu, dự báo công suất, lập lịch huy động/cắt giảm điện, điều khiển từ xa các hệ thống bên ngoài. Nhờ đó, việc huy động các nguồn năng lượng vào thị trường điện trở nên dễ dàng hơn, giúp điều chỉnh sản lượng hoặc công suất tiêu thụ điện phù hợp với biến động thị trường và tình trạng của lưới điện.
Nhà máy điện ảo sẽ điều phối từng khối hệ thống, nhà máy riêng lẻ, trong khi những hệ thống/nhà máy này vẫn duy trì tính độc lập về mặt sở hữu và vận hành. Nhờ có các nhà máy điện ảo này, chủ các cơ sở sản xuất điện nhỏ sẽ trở thành người tham gia chủ động trong thị trường năng lượng bằng việc bán cho hệ thống điện lưới quốc gia nguồn năng lượng dư thừa, như: Năng lượng gió, năng lượng mặt trời hay khí biogas và mua lại điện với giá thấp khi cần.
Trên thế giới, các hệ thống điện có thể vận hành tốt khi công suất lắp đặt của năng lượng tái tạo ở dưới 20% tổng công suất của toàn hệ thống. Tuy nhiên, khi con số năng lượng tái tạo vượt trên 30% như ở Việt Nam hiện nay, thì bắt đầu tạo ra những khó khăn nhất định về kỹ thuật và an toàn lưới. Còn ở Việt Nam, các nguồn năng lượng tái tạo đang thách thức hệ thống điện, nên ngành điện phải phát triển lưới điện thông minh để tích hợp với các hệ thống năng lượng tái tạo.
Dự kiến nhà máy điện ảo của Việt Nam sẽ được triển khai thử nghiệm vào giữa năm 2022.
Gửi phản hồi
In bài viết