Năm 1967 đến năm 1976 ông tham gia quân ngũ ở chiến trường miền Trung - Tây Nguyên, từng tham gia chiến đấu 81 ngày đêm đỏ lửa tại Thành cổ Quảng Trị. Sau gần 10 năm binh lửa, năm 1976 ông về nhận công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tuyên, rồi Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Hà Tuyên. Năm 1991, tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang tái lập, nhà thơ Cao Xuân Thái lên công tác tại Hà Giang, là Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh kiêm Tổng Biên tập Tạp chí văn nghệ Hà Giang 2 nhiệm kỳ. Năm 2008, nghỉ hưu, ông trở về sinh sống tại Tuyên Quang.
Nhà thơ Cao Xuân Thái.
Cuộc đời nhà thơ Cao Xuân Thái từng trải qua những khúc ngoặt, những biến cố dữ dội đến khó tin. Năm 2011, ông phát hiện mình bị ung thư bàng quang. Năm 2014, ung thư chạy vào dạ dày. Hai cuộc phẫu thuật cắt 1/2 bàng quang, cắt 4/5 dạ dày gần như đã hút kiệt sức khỏe của ông, nhưng chính hồn thơ, tinh thần lạc quan và tình yêu cuộc sống mãnh liệt đã vực ông dậy. Ông dày công tìm đọc nhiều tài liệu để “sống chung” với bệnh tật, tập dưỡng sinh thường xuyên, điều tiết chế độ ăn uống khoa học, tuân thủ mọi phác đồ điều trị của y học hiện đại... Và ông đã hồi sinh. Ở vào cái tuổi ngoài thất thập, có lẽ ông là một trong những trường hợp đã chiến đấu và chiến thắng bệnh tật một cách kỳ diệu, ngoạn mục đến hy hữu. Ông là hiện thân của tinh thần lạc quan, ham sống mãnh liệt. Cơ thể ông hiện đã hết tế bào ung thư.
Sau khi nghỉ hưu, ông dành nhiều cảm xúc sáng tác về đất và người xứ Tuyên. 15 năm công tác tại ngành văn hóa thông tin Hà Tuyên, từng đạp xe đạp, lội suối đi xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở đã giúp ông có một ký ức phong phú, sống động về xứ Tuyên, mảnh đất tươi đẹp, nghĩa tình mà ông từng sống và gắn bó.
“Xứ sở của câu Then, người đẹp mặn mà
Ta đã sống cả đời mơ mộng thế
Đêm trở rét, xòe tay bên bếp lửa
Nhận vào lòng tình nghĩa xứ Tuyên ơi…”
(Xứ Tuyên)
Với 10 tập thơ, 3 tập bút ký đã xuất bản cùng nhiều giải thưởng về văn học nghệ thuật do Trung ương, các bộ, ban, ngành; các báo, tạp chí trao tặng là niềm khích lệ rất lớn trong cuộc đời sáng tác của ông. Năm 2012, ông vinh dự là 1 trong 3 đại biểu được tham dự Liên hoan Thơ Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất của 48 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đặc biệt, năm 2015, giải thưởng văn học sông Mê Kông được trao trong thời điểm bệnh ông trở nặng, dẫu không thể đến nhận giải thưởng, nhưng tin vui đó như luồng sinh khí tiếp thêm cho ông sức mạnh trước khi ông lên bàn mổ để cắt đi 4/5 dạ dày...
Đi qua mọi thăng trầm, dâu bể và những thử thách của số phận, những năm tháng còn lại của cuộc đời, ông hướng trọn lòng mình tìm về với vẻ đẹp bình dị của đời sống. Nhà thơ để trái tim mình ngân rung những nhịp đập trữ tình trước mỗi đổi thay của xứ Tuyên yêu dấu:
“Ghềnh Giềng bóng chiều dần khép
Để tôi lạc đến làng Tằm
Tình Húc cầu vừa liền nhịp
Vời vợi giữa trời vầng trăng…”
(Đất Canh Nông)
Kỹ lưỡng nâng niu, trân trọng từng con chữ, thơ của nhà thơ Cao Xuân Thái là sự chắt chiu những cảm xúc nhẹ nhàng, là sự giãi bày, trải lòng và tri ân cuộc sống... Các chủ đề lịch sử cách mạng, lịch sử văn hóa của vùng đất “miền gái đẹp”; những “bờ xôi, ruộng mật” của dòng Lô nên thơ, hiền hòa, rừng đại ngàn... là những cảm hứng chủ đạo trong những sáng tác của ông viết về Tuyên:
“Xứ sở của người đẹp
Của những câu Then không tuổi
Dào dạt dòng sông, đổ tràn bóng núi
Tôn lên tầm vóc xứ Tuyên mình...”
(Xứ Tuyên)
Với tình cảm thiết tha, sâu nặng với miền “đất lành” xứ Tuyên, bằng lao động sáng tạo miệt mài, bền bỉ hướng đến con người, tôn vinh nét đẹp muôn màu của cuộc sống... nhà thơ Cao Xuân Thái đã và đang góp thêm vào vườn hoa văn học nghệ thuật xứ Tuyên những bông hoa đầy hương sắc.
Gửi phản hồi
In bài viết