Cán bộ Trạm Y tế xã Bình An (Lâm Bình) tuyên truyền người dân cách vệ sinh môi trường sau lũ.
Ông La Đăng Tái, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, để khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống các loại dịch bệnh phát sinh sau mưa lũ, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn phối hợp với các lực lượng chức năng khẩn trương xử lý môi trường đảm bảo không để dịch bệnh phát sinh và lây lan, đảm bảo đủ nước sạch đối với dân cư những khu vực bị thiên tai. Các đơn vị y tế chủ động trang thiết bị, vật tư y tế với phương châm “4 tại chỗ” để triển khai nhanh chóng các biện pháp phòng dịch. Ngoài ra, yêu cầu các đơn vị chủ động giám sát chặt chẽ, kịp thời xử lý các ổ dịch phát sinh (nếu có) để đảm bảo tốt nhất cho sức khỏe của nhân dân.
Theo đó, các đơn vị y tế đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch, xử lý vệ sinh môi trường như: phun khử khuẩn, xử lý vệ sinh các nguồn nước giếng khơi, giếng đào; tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân dân khu vực bị ngập thực hiện các biện pháp vệ sinh như: Vệ sinh bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước sinh hoạt.
Bác sỹ Ngô Cao Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Dương cho biết, ngay sau khi mưa lũ gây ngập úng ở một số địa phương trên địa bàn huyện, đơn vị đã chỉ đạo các trạm y tế hướng dẫn nhân dân thu dọn vệ sinh môi trường, tiến hành làm công tác tiêu độc khử trùng, khử khuẩn nguồn nước bằng CloraminB và phèn. Đồng thời, cử cán bộ xuống các địa bàn bị ngập lụt trực tiếp chỉ đạo trạm y tế hướng dẫn nhân dân thu dọn vệ sinh, tiến hành khử khuẩn nguồn nước bằng CloraminB và phèn cho nhân dân lấy nước sinh hoạt; vận động nhân dân thu gom rác thải, xác chết động vật xử lý đúng quy định; chỉ đạo các trạm y tế tổ chức tuyên truyền cách phòng chống các bệnh thường gặp trong và sau lũ …Tính đến hết ngày 25-5, các đơn vị y tế đã tổ chức phun khử khuẩn cho trên 20 hộ gia đình, thau rửa và khử trùng trên 30 giếng nước cho các hộ dân trên địa bàn. Đồng thời, các tổ tuyên truyền là nhân viên y tế thôn, bản tại các xã đã tổ chức tuyên truyền cho người về cách xử lý vệ sinh môi trường sau khi bị ngập để hạn chế các dịch bệnh có thể phát sinh.
Người dân xã Lương Thiện (Sơn Dương) giúp đỡ hộ dân bị ngập trên địa bàn vệ sinh môi trường.
Xã Tân An (Chiêm Hóa) đợt lũ vừa qua đã có 20 nhà bị sạt lở, ngập; 26 giếng đào bị ảnh hưởng; 1 công trình cấp nước sạch tại thôn Tân Cường bị hỏng, nhiều đoạn ống dẫn nước bị gãy, bị cuốn trôi... Ông Ma Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân An cho nói, sau khi đi kiểm tra và rà soát số giếng khơi, giếng đào bị ảnh hưởng, xã đã giao nhiệm vụ cho nhân viên y tế thôn, bản trực tiếp xuống địa bàn cấp phát CloraminB để vệ sinh nhà cửa và khử trùng nguồn nước cho tất cả các hộ dân bị ảnh hưởng. Đồng thời, các nhân viên y tế thôn, bản chủ động hướng dẫn cách sử dụng và tuyên truyền cách sinh hoạt, ăn uống đảm bảo hợp vệ sinh, phòng chống dịch cho từng hộ dân. Qua đó, mỗi người dân có ý thức và chủ động trong việc phòng, chống dịch bệnh. Đến thời điểm này, nguồn nước sinh hoạt của các hộ dân đã được đảm bảo. Cùng với đó xã cũng đang huy động lực lượng đoàn thanh niên, dân quân hỗ trợ sửa chữa nhà ở, các công trình phụ trợ… để người dân sớm ổn định cuộc sống.
Theo thống kê, toàn tỉnh có 101 nhà bị sạt lở đất taluy gây thiệt hại đến nhà ở và các công trình phụ trợ của người dân. Bên cạnh việc lau dọn nhà cửa, xử lý môi trường, việc đảm bảo cho nhân dân có nước sạch để sử dụng đã được các lực lượng và đơn vị y tế cơ sở quan tâm.
Để đảm bảo kiểm soát không để dịch bệnh có thể phát sinh, ngành Y tế tiếp tục chỉ đạo đội ngũ y tế cơ sở tăng cường công tác giám sát, kiểm tra các khu vực bị ngập úng để sẵn sàng xử lý các tình huống dịch bệnh phát sinh kịp thời, hiệu quả. Qua đó, không để dịch bệnh bùng phát và lây lan, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân.
Gửi phản hồi
In bài viết