Cuộc khám xét lần này là diễn biến mới nhất liên quan tới bê bối của Daihatsu.
Trước đó, sau khi những sai phạm liên quan tới thử nghiệm các bộ phận cửa và thử nghiệm va chạm bên bị phát hiện vào tháng 4-2023, một ủy ban điều tra độc lập đã được thành lập. Ủy ban này sau đó đã tìm thấy những dấu hiệu bất thường mới. Đầu tuần này, Daihatsu đã đệ trình một báo cáo lên Bộ Giao thông Vận tải Nhật Bản liên quan tới kết quả điều tra.
"Chúng tôi đã bắt đầu kiểm tra tại chỗ để xem báo cáo do Daihatsu đệ trình có đúng sự thật hay không và liệu có hành vi sai trái nào khác hay không" - ông Nobuhito Kiuchi, một quan chức Bộ Giao thông Vận tải Nhật Bản cho biết. Kết quả cuộc điều tra cũng sẽ quyết định biện pháp xử lý đối với Daihatsu.
Daihatsu là công ty con được Toyota tiếp quản từ năm 1967, và sở hữu hoàn toàn từ năm 2016, hiện chiếm khoảng 4% doanh số bán xe toàn cầu của tập đoàn mẹ.
Daihatsu cũng cung cấp xe, phụ tùng... cho một số thương hiệu lớn, bao gồm Toyota, Mazda và Subaru, điều này có thể gây ra vụ bê bối lan rộng khắp phần còn lại của ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản.
Nhà sản xuất này đã sản xuất hơn 1,7 triệu xe trên toàn thế giới trong năm tài chính 2022, khoảng một nửa trong số đó được sản xuất tại Nhật Bản. Nó chiếm khoảng 30% thị phần cho xe "kei" - những chiếc xe cỡ siêu nhỏ, là công ty hàng đầu về loại sản phẩm này bên cạnh Suzuki.
Ngoài những chiếc xe "kei", Daihatsu, có trụ sở tại Osaka, được biết đến với dòng xe hạng nhẹ và sedan phổ biến trên khắp Nhật Bản và Đông Nam Á, bao gồm xe bán tải và xe tải Gran Max và xe chở khách Terios và Xenia.
Đại bản doanh của Daihatsu tại Osaka (Nhật Bản).
Daihatsu đã ngừng giao hàng tất cả các loại xe, sau khi các điều tra chỉ ra các 174 điểm bất thường trong 25 khâu đánh giá an toàn sản phẩm, liên quan đến 64 mẫu xe, trong đó có gần 20 loại đang bán dưới thương hiệu Toyota, cùng nhiều mẫu mang thương hiệu Mazda, Subaru.
Trong bối cảnh đó, các nhà phân tích tại Citi Research nhận định rằng, nếu việc sản xuất bị đình chỉ trong một thời gian dài, Toyota có thể bị ảnh hưởng lợi nhuận hoạt động hàng trăm tỷ yên.
Các chuyên gia cũng đánh giá, đối với Toyota, việc xây dựng lại niềm tin vào sự giám sát của mình sẽ là một thách thức. Cổ phiếu của Toyota Motor đã sụt giảm mạnh ngay sau khi bê bối mới của Daihatsu bùng nổ.
Trong phiên giao dịch đầu ngày 21-12, cổ phiếu nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới đã giảm tới 5,6%, là mức giảm trong ngày lớn nhất kể từ tháng 3-2022.
Gửi phản hồi
In bài viết