Thượng viện Nhật Bản đã thông qua gói ngân sách bổ sung.
Như vậy, tổng ngân sách tài khóa 2021 lên tới 495,1 tỷ USD, trong đó 280,9 tỷ USD dành cho kế hoạch kích thích mới của chính phủ vừa được công bố vào giữa tháng 11 vừa qua. Để phòng ngừa làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới do sự xuất hiện của biến chủng Omicron, gói ngân sách bổ sung trích 165,3 tỷ USD nhằm tăng cường biện pháp kiểm soát dịch bệnh và hỗ trợ các cơ sở y tế, bảo đảm tăng thêm giường bệnh. 11,6 tỷ USD sẽ được sử dụng để hỗ trợ thúc đẩy chương trình tiêm chủng Covid-19 và mua sắm thuốc điều trị. Với các gia đình thu nhập thấp (dưới 84.608 USD/năm) và đang nuôi con nhỏ, chính phủ sẽ triển khai chương trình trợ cấp với tổng gói hỗ trợ khoảng 10,7 tỷ USD. Để huy động cho ngân sách trên, chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ phát hành đợt trái phiếu mới trị giá 192 tỷ USD.
Việc bổ sung gói ngân sách được đưa ra trong bối cảnh tăng trưởng nền kinh tế đất nước Mặt trời mọc quý III giảm mạnh so với ước tính ban đầu. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế giảm 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái, thay vì 2,9% như dự báo của các chuyên gia kinh tế. Bên cạnh đó, chi tiêu dùng cá nhân, vốn chiếm hơn 50% GDP của nước này cũng giảm tới 1,3%, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với ước tính ban đầu. Nguyên nhân là trong quý III, chính phủ Nhật Bản đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và 20 tỉnh, thành khác, dẫn tới việc người dân hạn chế ra ngoài đường và các cơ sở kinh doanh ăn uống phải đóng cửa sớm.
Theo phân tích của một số chuyên gia kinh tế, sau khi chứng kiến sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế trong quý III năm 2021, Nhật Bản đã sẵn sàng cho đà phục hồi vững chắc hơn trong quý IV và năm 2022. Việc chính quyền dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở hầu hết các tỉnh vào tháng 9 đã khơi thông các hoạt động giao thương hàng hóa, thúc đẩy chi tiêu. Hiện Thủ tướng Fumio Kishida chủ trương dừng lại chính sách kinh tế “Abenomics” của người tiền nhiệm Shinzo Abe, vốn ưu tiên cân bằng chi tiêu tài khóa thông qua quyết định nâng thuế tiêu dùng. Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, Thủ tướng Fumio Kishida cam kết sẽ không đánh thuế tiêu dùng trong 10 năm tới, thay vào đó là đề xuất tăng thuế thu nhập đầu tư với người có thu nhập cao. Nhằm thu hẹp khoảng cách trong thu nhập người lao động, nhà lãnh đạo 64 tuổi dự định tăng gấp đôi lương cho những người có thu nhập trung bình. Theo ông, nếu không có mức lương cao hơn, chi tiêu của người dân sẽ không được mở rộng, tăng trưởng kinh tế quốc gia cũng sẽ không thể tăng tốc.
Chính phủ Nhật Bản kỳ vọng, hiệu quả của gói ngân sách bổ sung cũng sẽ cộng hưởng với tác động từ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), có hiệu lực từ ngày 1-1-2022, tạo thành "đòn bẩy" kinh tế quan trọng cho xứ sở Hoa anh đào. Theo các chuyên gia kinh tế Nhật Bản, RCEP đi vào hoạt động sẽ giúp GDP của nước này tăng khoảng 132 tỷ USD, gấp đôi so với mức tăng GDP nhờ việc tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác Phát triển kinh tế (OECD), với những chính sách trong thời gian vừa qua, nền kinh tế Nhật Bản có thể sẽ đạt mức tăng trưởng 1,8% trong năm 2021 và 3,4% vào năm 2022. Đây là dấu hiệu cho thấy đà phục hồi đang dần ổn định và có triển vọng khả quan.
Gửi phản hồi
In bài viết