Nhiều kênh đưa pháp luật đến với vùng sâu, vùng xa

- Những năm qua, việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh đã được cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở quan tâm và có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện. Qua đó, đã góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, tạo chuyển biến trong hành động để cuộc sống của đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa ngày càng văn minh, hạnh phúc.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, tỉnh ta đã ban hành nhiều văn bản, chương trình, kế hoạch về công tác PBGDPL để chỉ đạo triển khai thực hiện. Trong đó, giai đoạn 2017-2021 đã triển khai Đề án “Đẩy mạnh công tác PBGDPL và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh”.

Hàng năm, Ban Dân tộc tỉnh đều ban hành kế hoạch tổ chức tuyên truyền PBGDPL cho đồng bào DTTS và miền núi. Đồng thời, phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai các hội nghị tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tập huấn kỹ năng tuyên truyền pháp luật cho đội ngũ cán bộ theo dõi công tác dân tộc cấp huyện, xã, trưởng thôn, bản và người có uy tín trong đồng bào DTTS.

Cán bộ Hội Luật gia tỉnh tuyên truyền pháp luật lưu động về xử lý vi phạm hành chính cho người dân tại xã Phúc Ninh (Yên Sơn).

Các đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS”;  Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025” được triển khai tại các địa phương. Đồng thời cấp, phát miễn phí 18 loại báo, tạp chí cho vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; phối hợp với các sở, ban, ngành kịp thời triển khai, phổ biến, quán triệt việc thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS...

Sở Tư pháp cũng  biên soạn các tài liệu tuyên truyền để cung cấp cho các cơ quan, đơn vị, cá nhân; ban hành theo thẩm quyền các văn bản, báo cáo, hướng dẫn triển khai thực hiện công tác PBGDPL. Đến nay, 73/138 xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu, xã thuộc huyện nghèo xây dựng Tủ sách pháp luật truyền thống. Sở đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Công an tỉnh tổ chức tập huấn pháp luật về quyền trẻ em; phòng, chống bạo hành và xâm hại trẻ em, trong đó có phụ nữ và trẻ em DTTS ở vùng sâu, vùng xa...

Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật được các địa phương tập trung vào một số nội dung như: các Luật mới ban hành; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Đất đai, Luật Phòng chống mua bán người, Luật Giao thông đường bộ; các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo; các quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống của đồng bào DTTS...  Ông Nguyễn Quốc Ái, Trưởng phòng Tư pháp (Lâm Bình) cho biết, bên cạnh việc tuyên truyền qua các hội nghị, hệ thống truyền hình, truyền thanh của huyện, phát rờ rơi, tổ chức các cuộc thi, Lâm Bình đẩy mạnh tuyên truyền PBGDPL qua các trang mạng xã hội, zalo, Cổng thông tin điện tử huyện, trợ giúp pháp lý lưu động. Đặc biệt, chú trọng xây dựng các mô hình Tự quản về an ninh trật tự, PBGDPL phù hợp với các nhóm đối tượng: Mô hình Đội Tự quản trật tự ATGT tại 13/13 trường THCS, THPT trên địa bàn; mô hình “Nông dân với Pháp luật”; mô hình “Gia đình phụ nữ không có chồng, con vi phạm pháp luật”... Thông qua đó, đã góp phần tích cực trong bảo vệ quyền, lợi ích của bà con. Các hành vi vi phạm pháp luật giảm dần, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự ATXH trên địa bàn.

Cuối tháng 6-2022, Hội LHPN huyện phối hợp với Chương trình Vùng Na Hang tổ chức Hội thi “Phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em hướng đến xây dựng gia đình bình an - xã hội hạnh phúc”. Chị Nông Thị Sướng, xã Sơn Phú (Na Hang) chia sẻ, được tham gia Hội thi, chị thấy đây là sân chơi thú vị và ý nghĩa, là cách tuyên truyền lôi cuốn để bà con nhân dân hiểu hơn về Luật Bình đẳng giới, cách phòng, chống bạo lực gia đình. Qua đây, vợ chồng chị được học tập những phương pháp, kỹ năng và kinh nghiệm để xây dựng gia đình toàn mỹ và hạnh phúc.

Những điều kiện thuận lợi

Theo báo cáo của Sở Tư pháp, đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 3.686 báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, trong đó có 91 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 241 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 3.354 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Riêng 6 tháng đầu năm nay, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 4.300 buổi tuyên truyền pháp luật cho 534.374 lượt người; tổ chức 25 cuộc thi tìm hiểu pháp luật, thu hút 45.283 người tham gia; biên soạn, cung cấp 186.805 tài liệu tuyên truyền pháp luật cho nhân dân (trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa) trên địa bàn tỉnh.

Hội đồng phối hợp PBGDPL từ tỉnh đến các huyện, thành phố được kiện toàn, với 239 thành viên, có quy chế hoạt động, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho thành viên Hội đồng trong việc theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện công tác PBGDPL. Các cán bộ, công chức Phòng Tư pháp các huyện, thành phố đều có trình độ Đại học chuyên ngành Luật trở lên. Toàn tỉnh hiện có 247 công chức Tư pháp - Hộ tịch, trong đó có 229 công chức có trình độ chuyên môn luật trở lên. Hàng năm, đội ngũ này được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ tại tỉnh. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, Sở Tư pháp đã tổ chức 2 Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho 1.200 đại biểu tham gia.

Chị Lý Thị Hạnh, công chức Tư pháp - Hộ tịch xã Hồng Quang (Lâm Bình) chia sẻ, trên địa bàn xã bà con chủ yếu còn có các vi phạm liên quan đến đất đai, bảo vệ rừng và tảo hôn. Khi xã tổ chức các Hội nghị PBGDPL tại các thôn, bản, tỷ lệ bà con tham gia rất ít. Qua các lớp tập huấn nghiệp vụ được tỉnh tổ chức, chị học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm, kỹ năng PBGDPL hơn. Để khắc phục những khó khăn tại cơ sở, chị và các cán bộ làm công tác PBGDPL của xã đã thực hiện tuyên truyền bằng “nội ngữ”, lưu động đến từng hộ. Nhờ đó, giúp bà con nắm bắt rõ hơn các quy định của pháp luật.

Tỉnh cũng quan tâm, bố trí kinh phí để thực hiện công tác PBGDPL toàn tỉnh. Chỉ tính riêng năm 2021, tỉnh đã cấp 6,1 tỷ đồng để thực hiện công tác này. Trong đó, kinh phí cấp tỉnh là hơn 5,2 tỷ đồng, cấp huyện là hơn 442 triệu đồng, cấp xã là hơn 451 triệu đồng. Ban Dân tộc tỉnh đã được bố trí khoảng 120 triệu đồng để thực hiện công tác PBGDPL trong vùng đồng bào DTTS.

Mặc dù vậy, việc tuyên truyền, PBGDPL cho bà con DTTS ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là việc di chuyển vào mùa mưa lũ và trong điều kiện các chi phí đều tăng cao như hiện nay, trình độ nhận thức một bộ phận người dân và khả năng truyền đạt thông tin của một số tuyên truyền viên còn hạn chế...

Để công tác PBGDPL được hiệu quả hơn, nhất là PBGDPL ở vùng sâu, vùng xa, theo ông Nguyễn Kim Tường, Trưởng phòng Chính sách Dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh, chính quyền địa phương và Trung ương cần tăng cường bố trí kinh phí để công tác này được thực hiện hiệu quả hơn; tổ chức được nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn để cán bộ làm công tác này được nâng cao trình độ, kỹ năng, phương pháp tuyên truyền PBGDPL cho đồng bào DTTS. Đồng thời, tiếp tục đa dạng hóa nội dung, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hình thức, biện pháp PBGDPL... để việc tiếp cận thông tin của đồng bào thuận lợi, dễ dàng hơn. 

Bài, ảnh: Thu Hương

Tin cùng chuyên mục