Ảnh minh họa.
Châu Âu
Italia quyết định chỉ tiêm vắc xin AstraZeneca cho những người trên 60 tuổi, do những lo ngại liên quan tới hiện tượng nghẽn mạch máu ở người trẻ tuổi. Bỉ cũng đưa ra quyết định tương tự nhưng áp dụng với độ tuổi trẻ hơn - 55 tuổi. Trong khi đó, Anh đang cân nhắc việc sử dụng một loại vắc xin khác thay thế sản phẩm của AstraZeneca đối với người dưới 30 tuổi.
Ukraine ghi nhận 481 ca tử vong và 5.587 ca nhập viện trong 24 giờ qua, đều ở mức cao nhất kể từ đầu dịch đến nay. Hệ thống y tế lạc hậu của nước này đang phải vật lộn với sức ép do dịch bệnh lây lan. Tại thủ đô Kiev, thị trưởng Vitali Kilitschko cảnh báo, hệ thống y tế sẽ khó trụ vững nếu không ngăn được đà lây lan của dịch, các bệnh viện sẽ nhanh chóng không còn giường điều trị.
Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel đã lên tiếng kêu gọi tiến hành một đợt phong tỏa toàn quốc trong thời gian ngắn, trong bối cảnh hệ thống y tế của nền kinh tế hàng đầu châu Âu chịu nhiều áp lực. Bộ Y tế liên bang Đức cũng đã kêu gọi triển khai các biện pháp chống đại dịch Covid-19 một cách đồng bộ để ngăn chặn sự bùng phát mạnh của làn sóng lây nhiễm thứ ba hiện nay. Theo bộ này, cần có "sự đồng bộ và thống nhất" giữa liên bang và tất cả 16 bang, không để chỉ số lây nhiễm 7 ngày vượt 100 ca/100.000 dân.
Châu Á
Hàn Quốc thông báo đã tiêm chủng xong hơn 1,03 triệu người (tương đương 2% dân số), trong đó tổng số người đã tiêm xong mũi vắc xin thứ hai là 33.414 người. Quốc gia này cũng vừa phê chuẩn lưu hành vắc xin của Johnson & Johnson, đồng thời thông báo tạm thời không tiêm vắc xin ngừa Covid-19 của AstraZeneca cho nhóm người dưới 60 tuổi, cũng do lo ngại liên quan tới chứng đông máu. Dự kiến, Hàn Quốc đưa ra quyết định mới sau khi Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) công bố đánh giá về các hiện tượng đông máu ghi nhận ở những người được tiêm loại vắc xin này.
Tại Nhật Bản, thành phố Osaka ghi nhận số ca mắc mới trong ngày lần đầu tiên vượt 800 người. Số ca mắc Covid-19 tại thành phố này bắt đầu tăng nhanh kể từ cuối tháng 3 - thời điểm Chính phủ Nhật Bản dỡ bỏ tình trạng ban bố khẩn cấp.
Tại Đông Nam Á, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương bày tỏ lo ngại về số ca nhiễm đang tăng tại Philippines và cảnh báo xu hướng gia tăng này “đang hướng đến ranh giới đỏ”. Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương Takeshi Kasai cho rằng, số ca mắc Covid-19 tại Philippines vượt quá năng lực chăm sóc y tế và có nhiều yếu tố làm gia tăng tình trạng lây nhiễm tại Philippines và các nước khác, trong đó có sự xuất hiện của các chủng vi rút dễ lây lan hơn và việc người dân thiếu tuân thủ các biện pháp phòng bệnh như mang khẩu trang và rửa tay.
Thái Lan ghi nhận thêm 334 ca nhiễm mới, tăng 33% so với ngày hôm trước, trong đó, riêng Bangkok có tới 216 ca, chiếm 66% tổng số ca xác nhận trong ngày. Nước này cũng đã ghi nhận ít nhất 24 ca đầu tiên nhiễm biến thể B.1.1.7 của SARS-CoV-2 phát hiện tại Anh. Do đặc tính lây nhiễm nhanh của biến thể này cùng với việc số ca nhiễm mới tăng cao trong tuần qua, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã chỉ thị các cơ quan chức năng chuẩn bị thành lập các bệnh viện dã chiến ngay tại khu vực Thủ đô Bangkok để ứng phó tình hình.
Campuchia kêu gọi công dân nước này, đặc biệt là công chức và lực lượng vũ trang, đi tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Tiêm vắc xin ngừa Covid-19 tại Campuchia sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc, thay vì dựa trên tinh thần tự nguyện, trừ những người có vấn đề về sức khỏe với sự xác nhận của bác sĩ.
Lào sẽ mở rộng diện đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 sau khi nhận được nhiều vắc xin hơn từ các nước bạn và các tổ chức quốc tế. Bên cạnh các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch, chương trình tiêm chủng mở rộng cho các cán bộ, viên chức nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ, các sở ban ngành ở địa phương, nhân viên các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế và gia đình của họ, cũng như một số doanh nghiệp trong diện có nguy cơ.
Tại Trung Đông, Iran thông báo ghi nhận số ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua cao chưa từng thấy, với 17.430 ca mắc mới, vượt mức đỉnh 14.051 ca ghi nhận hồi cuối tháng 11-2020. Số ca mắc mới có chiều hướng gia tăng do người dân nước này di chuyển nhiều trong dịp năm mới (ngày 20-3 vừa qua).
Châu Mỹ
Mỹ vẫn là điểm nóng về dịch Covid-19 của khu vực và toàn cầu, với 31.631.587 ca nhiễm, trong đó có 69.527 ca nhiễm mới. Số trường hợp tử vong vì dịch hiện đã lên tới 571.070 người (810 trường hợp mới). Dự kiến, bang California sẽ mở cửa trở lại hoàn toàn các lĩnh vực kinh tế vào ngày 15-6 nếu duy trì được tốc độ tiêm chủng hiện tại. Theo đó, tất cả doanh nghiệp sẽ được tự do mở cửa trở lại, trong khi cư dân được khuyến khích tuân thủ "các biện pháp giảm thiểu rủi ro thông thường". Các sự kiện trong nhà quy mô lớn, chẳng hạn hội nghị, sẽ được phép tổ chức song đi kèm với các yêu cầu xét nghiệm hoặc xác nhận tiêm chủng.
Nam Mỹ trở thành khu vực đáng lo ngại về tình hình lây nhiễm Covid-19, trong bối cảnh số ca nhiễm mới gia tăng ở mọi khu vực. Tại Brazil, Tổng thống Jair Bolsonaro khẳng định sẽ không tiến hành phong tỏa toàn quốc, dù quốc gia này đang đối mặt số ca nhiễm mới mỗi ngày cao chưa từng có. Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận thêm 87.147 ca nhiễm, đưa tổng số ca nhiễm lên mức 13.193.205 người.
Gửi phản hồi
In bài viết