Châu Âu
Ngày 14-9, chính phủ Hà Lan thông báo về việc nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm phòng, chống Covid-19 và cho biết sẽ áp dụng "thẻ corona" như chứng nhận về việc đã tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết, hầu hết yêu cầu về giãn cách xã hội sẽ được gỡ bỏ từ ngày 25-9 tới. Các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng và ở trường học vẫn sẽ được áp dụng, đồng thời, người dân được khuyến khích làm việc tại nhà. Trong khi đó, người từ 13 tuổi trở lên sẽ phải xuất trình "thẻ corona" để được vào các địa điểm như nhà hàng, rạp chiếu phim, buổi hòa nhạc, bảo tàng, quán bar, lễ hội trong nhà và ngoài trời... Hiện hơn 70% dân số Hà Lan đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin ngừa Covid-19 và 65% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ.
Ngày 14-9, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận 27.802 ca mắc mới Covid-19, mức theo ngày cao nhất kể từ đầu tháng 5. Nước này cũng ghi nhận số ca tử vong hằng ngày gần mức kỷ lục, với 276 trường hợp. Số ca tử vong đang có xu hướng tăng trở lại kể từ giữa tháng 7. Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca đã kêu gọi người dân đi tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Theo hãng tin Anadolu Agency, nước này đã tiêm ít nhất 1 liều vắc xin cho 83% dân số.
Châu Á - châu Đại Dương
Ngày 14-9, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết, nước này sẽ mở cửa biên giới trở lại khi đạt được mục tiêu tiêm chủng ít nhất 1 liều vắc xin ngừa Covid-19 cho 70% dân số. Indonesia kỳ vọng đạt được mục tiêu này vào tháng 11 tới. Các hạn chế về biên giới sẽ được nới lỏng hơn nữa khi 70% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên, chưa có mốc thời gian cụ thể nào được đưa ra cho việc mở cửa trở lại các địa điểm du lịch nổi tiếng như Bali.
Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Philippines Carlos Dominguez thông báo nước này đã có đủ vắc xin ngừa Covid-19 để tiêm cho 100 triệu dân từ nay tới cuối năm. Tới nay, Philippines đã tiêm hơn 39 triệu liều vắc xin, trong đó có hơn 17 triệu người đã được tiêm chủng đầy đủ.
Ngày 14-9, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết chính phủ nước này đã quyết định mở cửa trở lại một số lĩnh vực nhất định của nền kinh tế, sau khi Bộ Y tế đã đánh giá rủi ro và cân nhắc về tỷ lệ tiêm chủng. Cụ thể, trong giai đoạn 1 của kế hoạch phục hồi quốc gia gồm 4 giai đoạn, sẽ có 11 lĩnh vực kinh doanh được mở cửa trở lại. Thủ tướng I.Yaakob nhấn mạnh, việc mở cửa một số lĩnh vực không chỉ giúp phục hồi nền kinh tế mà còn cung cấp cơ hội để người dân cải thiện cuộc sống. Hiện 74,7% dân số trưởng thành của Malaysia đã được tiêm chủng đầy đủ vắc xin ngừa Covid-19 và 91,6% được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cảnh báo, Australia đã vượt qua suy thoái kinh tế do Covid-19 tốt hơn hầu hết các nước đang phát triển, song có thể đối mặt với sự phục hồi chậm hơn khi mức độ lây lan trong cộng đồng cao. Báo cáo về Australia của OECD cũng chỉ ra rằng, quốc gia Nam Bán cầu này vẫn dễ bị tổn thương trước các tác động như căng thẳng thương mại với Trung Quốc, nhu cầu nhiên liệu hóa thạch giảm, thuế quan áp đặt bởi các đối tác thương mại...
Châu Mỹ
Ngày 14-9, Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang vận động để lãnh đạo các bang và các địa phương ban hành quy định về yêu cầu tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Tuần trước, Tổng thống J.Biden đã đưa ra quy định về vắc xin liên bang, nhằm vào nhân viên của các công ty lớn, tất cả công nhân và nhà thầu liên bang. Các quy định về vắc xin trước đó hầu hết được đưa ra bởi chính quyền tiểu bang và địa phương, và liên quan đến không gian công cộng hay trường học.
Châu Phi
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, chỉ có hai quốc gia châu Phi đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 40% dân số mà tổ chức này mong muốn các quốc gia đạt được. Ông cho rằng điều này không phải do thiếu năng lực hay chuyên môn, mà là do "họ đã bị phần còn lại của thế giới bỏ lại".
Hiện, cơ chế tiếp cận toàn cầu vắc xin ngừa Covid-19 (COVAX) đã cung cấp được 260 triệu liều vắc xin, song tiến độ bị chậm lại do các nước giàu có hơn đang giữ chặt nguồn cung. Quan chức WHO cho biết chỉ có 2% trong số 5 tỷ liều vắc xin được sử dụng trên toàn thế giới là ở châu Phi và cảnh báo, khi tình trạng bất ổn về vắc xin chưa được giải quyết, mối đe dọa từ Covid-19 và các biến chủng của vi rút SARS-CoV-2 vẫn sẽ còn đó.
Ngày 14-9, Togo đã gia hạn tình trạng khẩn cấp về y tế trong 12 tháng để "đưa ra quyết định thích hợp" trong bối cảnh các trường hợp mắc mới và tử vong do Covid-19 gia tăng trong những tuần gần đây. Quốc gia Tây Phi với 8 triệu dân lần đầu ban bố tình trạng khẩn cấp vào tháng 4-2020 và đã gia hạn nhiều lần nhằm giúp chính phủ có nhiều quyền hạn hơn trong việc giải quyết các đợt bùng phát dịch. Chính phủ Togo đã xin gia hạn 6 tháng đối với tình trạng khẩn cấp, song Quốc hội nước này đã nhất trí về việc gia hạn 12 tháng. Nước này hiện đã nhận được 1,6 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19.
Gửi phản hồi
In bài viết