Giáo sư Jonathan Van-Tam (giữa) trong cuộc họp báo chung với các quan chức y tế và JCVI ngày 14-9. Ảnh: REUTERS
Theo hướng dẫn được Liên ủy ban vắc xin và tiêm chủng Vương quốc Anh (JCVI) đưa ra ngày 14-9, mũi 3 nên dùng vắc xin COVID-19 do Pfizer/BioNTech sản xuất, bất kể trước đó người dân đã được tiêm vắc xin gì.
Hướng dẫn trên trang web của Chính phủ Anh cho biết nếu không có sẵn vắc xin Pfizer/BioNTech, có thể thay thế bằng nửa liều vắc xin Moderna.
Trong trường hợp cá nhân nào đó không thể tiêm vắc xin công nghệ mRNA, chẳng hạn vì dị ứng, có thể sử dụng vắc xin công nghệ vector virus như AstraZeneca.
Theo JCVI, điều kiện trước tiên để được tiêm tăng cường là đã tiêm đủ 2 liều từ 6 tháng trước đó trở lên. Ngoài nhóm người trên 50 tuổi, những người từ 16-49 tuổi có nguy cơ tử vong hoặc trở nặng cao nếu mắc COVID-19 cũng được tiêm tăng cường.
Danh sách đối tượng này còn bao gồm nhân viên y tế và nhân viên chăm sóc xã hội, người trưởng thành sống chung với người bị ức chế miễn dịch, người làm việc trong các cơ sở chăm sóc người già.
Giáo sư Jonathan Van-Tam, phó giám đốc y tế xứ England, ước tính chương trình tiêm chủng đã ngăn được 24 triệu ca mắc COVID-19 và hơn 112.000 ca tử vong tính trên toàn Vương quốc Anh.
Theo ông Jonathan Van-Tam, chương trình tiêm tăng cường mũi 3 sẽ giúp người dân sớm trở lại cuộc sống bình thường, trước mắt là an toàn trong mùa đông năm nay.
Ngày 14-9, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid thông báo cơ quan này đã chấp nhận hướng dẫn của JCVI và sẽ bắt đầu triển khai tiêm tăng cường từ tuần tới.
Ông Javid cũng kêu gọi người dân nên tiêm cùng lúc vắc xin COVID-19 và vắc xin cúm để tăng mức độ bảo vệ trong mùa đông tới.
Theo JCVI, vắc xin cúm và vắc xin COVID-19 có thể được tiêm đồng thời và dung nạp tốt, không làm giảm hiệu quả bảo vệ.
"Đây có lẽ sẽ là mảnh ghép cuối cùng cho phép nước Anh chuyển sang giai đoạn đặc hữu (sống chung với virus)", ông Nadhim Zahawi - quan chức phụ trách chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 - nói với Đài BBC về việc tiêm tăng cường.
"Tôi hy vọng vào năm tới và các năm sau đó, chúng ta có thể đối phó với virus SARS-CoV-2 bằng chương trình tiêm chủng định kỳ như đang làm với bệnh cúm", ông Zahawi nêu quan điểm ngày 14-9.
Việc triển khai tiêm tăng cường mũi 3 đã trở thành vấn đề gây tranh cãi trong bối cảnh nhiều quốc gia khác vẫn chưa có đủ vắc xin COVID-19 tiêm cho những người dễ tổn thương nhất.
Tuy nhiên, chính quyền các nước triển khai tiêm tăng cường cho rằng họ cần bảo vệ công dân của mình, đặc biệt là các nhóm dễ tử vong vì COVID-19.
"Với tư cách là những người hoạt động trong lĩnh vực y tế công cộng, chúng tôi hiểu điều quan trọng là cả thế giới cần được tiếp cận vắc xin. Không ai trong chúng ta được an toàn hoàn toàn cho đến khi tất cả mọi người đều được tiếp cận với vắc xin. Tuy nhiên, công việc chúng tôi được giao phó là xác định điều gì tốt nhất cho Vương quốc Anh", ông Jonathan Van-Tam giãi bày trong họp báo ngày 14-9.
Gửi phản hồi
In bài viết