Người dân được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 của hãng Johnson & Johnson
tại thành phố Thornton (Mỹ). Ảnh: Getty.
Châu Mỹ
CNN dẫn số liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) và Cục Điều tra dân số Mỹ cho biết, khoảng 60% người từ 65 tuổi trở lên ở nước này đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin ngừa Covid-19. Khoảng 30% dân số từ 65 tuổi trở lên đã được tiêm chủng đầy đủ, tức là đã được tiêm 2 mũi vắc xin của hãng Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) hoặc 2 mũi vắc xin của Moderna (Mỹ) hoặc 1 mũi vắc xin Johnson & Johnson (Mỹ).
Tỷ lệ người trên 65 tuổi đã được tiêm chủng gấp khoảng 3 lần người dân được tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 nói chung. Theo CDC, điều này rất quan trọng bởi nguy cơ tử vong do triệu chứng bệnh nặng tăng lên đáng kể đối với nhóm người cao tuổi. Những người trong độ tuổi 65-74 có nguy cơ nhập viện cao hơn 35 lần và nguy cơ tử vong do Covid-19 cao hơn 1.100 lần so với người từ 5-17 tuổi.
Ngày 9-3, Thống đốc bang New York (Mỹ), ông Andrew Cuomo thông báo, người dân từ 60 tuổi trở lên có thể tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 kể từ ngày 10-3. Trước đó, vắc xin được ưu tiên tiêm cho người từ 65 tuổi trở lên, cũng như người lao động trong các lĩnh vực thiết yếu và một số người có bệnh nền.
Theo Viện Nhi khoa Mỹ (AAP), số trường hợp mắc Covid-19 ở trẻ em đã giảm tuần thứ bảy liên tiếp, với ít nhất 63.562 trường hợp được ghi nhận vào tuần trước. Trẻ em chiếm khoảng 13,2% số trường hợp mắc Covid-19, và ít nhất 3.231.836 trẻ đã có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2 kể từ khi đại dịch bùng phát.
Châu Âu
Ngày 9-3, Cơ quan Y tế công cộng Na Uy khuyến cáo vắc xin ngừa Covid-19 do hãng AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) và Đại học Oxford (Anh) phát triển có thể được sử dụng cho người trên 65 tuổi. Cơ quan này hy vọng tiến độ tiêm phòng cho người cao tuổi sẽ được đẩy nhanh. Thủ tướng Na Uy Erna Solberg bày tỏ hy vọng tất cả người trưởng thành ở nước này sẽ được tiêm vắc xin trước hoặc trong mùa hè này.
Cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia Ireland cho biết, nước này có thể nhận được những liều vắc xin đầu tiên của hãng Johnson & Johnson từ giữa tháng 4 tới, muộn hơn so với kế hoạch ban đầu. Đến nay, nước này đã tiêm gần 525.000 liều vắc xin cho người dân, chủ yếu sử dụng vắc xin 2 liều của Pfizer/BioNTech.
Châu Á
Ngày 9-3, Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản thông báo, gần 400 người tại nước này đã nhiễm một biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2, khác với các biến chủng được phát hiện ở Anh, Nam Phi hay Brazil.
Mặc dù khác với các biến chủng được phát hiện ở 3 nước trên, song biến chủng mới ở Nhật Bản cũng có một số điểm tương đồng với biến chủng ở Nam Phi và Brazil, như có nguy cơ tái nhiễm cao hơn và những loại vắc xin phòng ngừa hiện tại có thể ít đạt hiệu quả hơn.
Châu Phi
Ngày 9-3, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi cho biết, châu lục này đã ghi nhận 3.975.045 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 106.095 ca tử vong và 3.552.813 bệnh nhân đã hồi phục.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi John Nkengasong cho biết, nhiều thách thức đang đặt ra trong bối cảnh châu lục này gặp khó khăn về tiếp cận vắc xin ngừa Covid-19. Bên cạnh đó, các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh kéo dài trong suốt 1 năm cũng khiến người dân chật vật xoay sở với cuộc sống.
Số liệu mới nhất về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2020 của Nam Phi cho thấy, nền kinh tế nước này đã giảm 7% so với mức tăng trưởng 0,2% vào năm 2019 do tác động của đại dịch Covid-19 và các biện pháp hạn chế. Đây là đợt suy thoái kinh tế tồi tệ nhất tại Nam Phi trong vòng 75 năm, nhưng cũng không nằm ngoài dự đoán sau nhiều tháng suy thoái liên tiếp do các lệnh phong tỏa.
Gửi phản hồi
In bài viết