Tình hình Myanmar phức tạp: EU tính mở rộng trừng phạt

Thế giới vẫn đang hết sức quan ngại về tình hình ở Myanmar trong khi Liên minh châu Âu tính mở rộng thêm các lệnh trừng phạt nhằm vào quân đội quốc gia Đông Nam Á này.

Tình hình Myanmar tiếp tục diễn biến phức tạp, khi nhiều lời kêu gọi biểu tình, tổng đình công vẫn được đưa ra, bất chấp các lời cảnh báo của chính quyền hiện tại cũng như các biện pháp an ninh được thắt chặt.

Người biểu tình nấp sau các thùng rác ở Yangon, Myanmar. Ảnh: AFP

Theo hãng tin Reuters, hôm qua (8/3), nhiều công ty, cửa hàng, trung tâm mua sắm tại Myanmar đã đóng cửa để hưởng ứng lời kêu gọi tổng đình công, để phản đối việc quân đội nắm quyền. Nhiều người dân trên khắp Myanmar vẫn tiếp tục xuống đường tuần hành, song với quy mô nhỏ hơn và khi việc đảm bảo an ninh đã được tăng cường. Chính quyền Myanmar cũng cảnh báo, mọi công chức “sẽ bị sa thải” ngay lập tức nếu họ tham gia cuộc tổng đình công.

Một điểm đáng chú ý nữa tại Myanmar là lực lượng an ninh nước này hôm qua đã tiến hành bao vây, cô lập hàng trăm người biểu tình tại thị trấn Sanchaung, thành phố Yangon. Các cuộc khám xét an ninh gắt gao tại các tòa nhà đã được tiến hành. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã kêu gọi lực lượng an ninh dừng việc cô lập người biểu tình, đồng thời không sử dụng bạo lực hay tiến hành bắt giữ. Sau đó, lực lượng an ninh đã được rút khỏi hiện trường, hàng trăm thanh niên Myanmar được thả sau đó.

Lý giải về vụ việc này, quân đội Myanmar cho biết, hàng nghìn người đã chống lệnh giới nghiêm vào ban đêm. Chính phủ sắp hết kiên nhẫn với các hành vi vi phạm song vẫn cố gắng hạn chế tối đa thương vong cho người dân khi lực lượng chức năng thực thi pháp luật.

Với những diễn biến phức tạp bên trong nước, chính quyền Myanmar hiện tại cũng đang hứng chịu nhiều áp lực từ bên ngoài. Đại sứ Myanmar tại Anh – ông Kyaw Zwar Minn hôm qua đã lên tiếng kêu gọi chính quyền hiện tại thả tự do cho Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và các quan chức chính phủ bị bắt giữ. Ông khẳng định, ông muốn chọn con đường ngoại giao, đối thoại để giải quyết tình hình hiện nay và câu trả lời cho cuộc khủng hoảng Myanmar chỉ có thể nằm trên bàn đàm phán.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab ngay lập tức đã dành lời khen tuyên bố này của Đại sứ Myanmar. Hiện Liên minh châu Âu đang tính mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với các lực lượng vũ trang của Myanmar, có thể sẽ bao gồm các tập đoàn doanh nghiệp thuộc quân đội nước này. Theo các nguồn tin ngoại ngoại giao, ngày 22/3 tới, các lệnh trừng phạt sẽ được Ngoại trưởng các nước EU đưa ra thảo luận.

Cũng liên quan đến tình hình Myanmar, mới đây Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã lên tiếng bác bỏ các cáo buộc nước này ủng hộ các bước đi của quân đội Myanmar. Ông Vương Nghị khẳng định, nước này không đứng về bất kỳ bên nào trong cuộc khủng hoảng hiện nay tại Myanmar, tuy nhiên, luôn sẵn sàng “cùng với tất cả các bên” để giải quyết tình hình.

“Trung Quốc sẵn sàng liên lạc với tất cả các bên Myanmar dựa trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và nguyện vọng của người dân quốc gia này, để đóng vai trò xây dựng trong việc xoa dịu căng thẳng”.

Theo ông Vương Nghị, dù tình hình Myanmar thay đổi như thế nào thì mối quan hệ giữa  Trung Quốc và quốc gia Đông Nam Á này vẫn sẽ không thay đổi

Theo VOV.vn

Tin cùng chuyên mục