Người dân mua sắm sau Tết tại Trung tâm thương mại Vincom Plaza.
Nếu như trước đây, tâm lý của người xưa coi ngày Tết là một cơ hội để có thể thỏa mãn mọi nhu cầu chưa được đáp ứng sau một năm lao động vất vả. Người ta có thể coi đây là dịp để được bù đắp lại điều đó, một phần vì kinh tế khó khăn, một phần vì thời gian lao động cả năm tất bật, ít có cơ hội ngơi nghỉ. Nhưng xã hội càng hiện đại, phát triển, chuyện mua sắm, chi tiêu dịp Tết sao cho tiết kiệm, hài hòa ngày càng được quan tâm.
Khác với mọi năm, năm nay, từ ngày 15 tháng Chạp, gia đình chị Nguyễn Thị Hồng, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) đã quyết định thuê một cây đào Tết để trưng trong nhà. Không khí Tết đến sớm, lũ trẻ trong nhà cũng háo hức hơn. Chị Hồng bảo, những năm trước, hai vợ chồng mua đủ cả quất, cả đào.
Hết Tết, nhiệm vụ “thanh lý” các loại cây cảnh trong gia đình cũng tốn kém và mất nhiều thời gian. Bỏ cây vừa tiếc công vừa tiếc của, nên năm nay vợ chồng bàn nhau thuê cây, vừa được tận hưởng không khí Tết sớm, vừa không lo chuyện “giải quyết hậu quả” sau Tết, trong khi chi phí lại rẻ hơn rất nhiều.
Gia đình chị Đàm Thị Hường (thị trấn Na Hang) năm nay cũng tiết kiệm một khoản kha khá cho chuyện mua bánh kẹo, mứt Tết và thức ăn. Chị Hường cho biết, những năm trước, tâm lý Tết là phải chuẩn bị đầy đủ khiến tủ thức ăn của gia đình chị 3 ngày Tết luôn trong tình trạng chật cứng, từ thịt lợn, thịt gà đến nem, giò, rau củ… Mặc dù ngày mùng 2 Tết, một số tiểu thương ở chợ thị trấn đã bắt đầu mở hàng, nhưng tâm lý sợ khách đến nhà không có gì ăn, chị lại chậc lưỡi sắm cho đủ. Năm nay thì khác, bánh kẹo vừa đủ, đồ ăn thức uống vừa đủ, vừa không lo hỏng, vừa được ăn đồ tươi ngon ngay sau Tết.
Tâm lý “cả năm có mấy ngày Tết”, giờ đã không còn quá nặng nề với các gia đình, nhất là gia đình trẻ. Việc chi tiêu Tết được lên kế hoạch từ trước đó cả tháng, sao cho những ngày Tết đủ đầy, đầm ấm nhưng không quá thu nhập của gia đình và phải đảm bảo sau Tết mọi thứ vẫn hài hòa và ổn định.
Chị Quan Thị Dung, trường Đại học Tân Trào cho rằng, tiết kiệm không phải là dè xẻn. Tiết kiệm, không lãng phí, nghĩa là mỗi người cần khai thác giá trị ngày Tết một cách kinh tế nhất, có hiệu quả nhất, đúng với giá trị của một ngày chỉ có duy nhất một lần trong một năm.
Chuyện chi tiêu ngày Tết ngày càng đơn giản. Các siêu thị, chợ truyền thống đều mở cửa phục vụ khách hàng từ rất sớm, cộng với việc giá cả được bình ổn, khiến việc chi tiêu, mua sắm tiết kiệm, hợp lý những ngày Tết ngày càng được nhiều gia đình áp dụng triệt để. Tâm lý “ăn Tết chứ không để Tết ăn mình” cũng khiến không khí những ngày Tết thực sự thoải mái, ý nghĩa và không còn trở thành gánh nặng với nhiều gia đình.
Gửi phản hồi
In bài viết