Theo thống kê của Ban Chỉ đạo kiểm tra liên ngành về VSATTP tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có trên 2.500 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, gần 1.500 quầy hàng kinh doanh thức ăn đường phố. Trong các ngày diễn ra lễ hội, số lượng quầy hàng kinh doanh thức ăn đường phố sẽ tăng lên đáng kể, mang tính chất thời vụ. Các loại thực phẩm tiêu thụ lớn trong dịp lễ hội gồm: bánh kẹo, nước giải khát, các loại thực phẩm chế biến, bao gói sẵn ăn ngay, các quán ăn…
Các quầy hàng ăn uống tại Hội đua thuyền trên sông Lô (TP Tuyên Quang) chế biến đồ ăn đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ nhu cầu của du khách.
Trước đó, để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và người kinh doanh về vấn đề VSATTP, đặc biệt là trong dịp tổ chức các lễ hội đầu năm, lực lượng chức năng trong tỉnh đã tổ chức trên 100 buổi tuyên truyền trực tiếp cho gần 1.000 người làm việc trong các nhà hàng quán ăn và người dân, treo trên 200 băng rôn, khẩu hiệu, áp phích, phát trên 2.000 tờ rơi cho người dân về các kiến thức, quy định của pháp luật về ATTP. Qua đó, nhận thức của người tiêu dùng, chủ các cơ sở kinh doanh ngày càng được nâng cao, chấp hành khá tốt các quy định trong bảo đảm VSATTP.
Lễ hội Động Tiên và Chợ quê huyện Hàm Yên được tổ chức vào ngày mùng 8 và 9 tháng Giêng là lễ hội đầu tiên trên địa bàn huyện thu hút khá đông khách tham quan. Để đảm bảo VSATTP trong thời gian diễn ra lễ hội, công tác quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được UBND xã Yên Phú đặt lên hàng đầu.
Đồng chí Vũ Văn Sĩ, Chủ tịch UBND xã Yên Phú (Hàm Yên) cho biết: “Ngay từ trước Tết Nguyên đán, chúng tôi đã thành lập đội kiểm tra liên ngành về đảm bảo ATTP, tăng cường kiểm tra những mặt hàng người dân tiêu thụ nhiều trong dịp lễ hội như đồ ăn uống nhanh, các loại thực phẩm đóng gói… đồng thời tuyên truyền người dân phải kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật, bán hàng có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo VSATTP và giữ gìn vệ sinh khu vực kinh doanh”.
Hòa mình vào dòng người tham gia Lễ hội Lồng tông huyện Lâm Bình, chúng tôi nhận thấy những quán ăn, quầy hàng được Ban tổ chức lễ hội bố trí tập trung, không có phương tiện giao thông đi lại. Nhìn chung, các quán này thực hiện tốt các quy định về đảm bảo VSATTP. Khu vực chế biến đồ ăn được sắp xếp gọn gàng, che đậy cẩn thận. Người chế biến thức ăn đã đeo găng tay, dụng cụ chế biến thức ăn sạch sẽ.
Theo ông Lê Xuân Vân, Trưởng Phòng Vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở Y tế, các lễ hội trên địa bàn tỉnh bắt đầu diễn ra từ ngày mùng 3 tháng Giêng. Hiện nay, các đoàn kiểm tra liên ngành về VSATTP từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã đang ra quân kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm, nhất là loại hình dịch vụ thức ăn đường phố tại lễ hội xuân. Cùng với đó, đoàn cũng giám sát việc thực hiện kiểm thực ba bước, lưu mẫu thức ăn theo quy định… Từ đầu năm đến nay, trong tỉnh chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào. Trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng liên ngành duy trì các đợt kiểm tra tại lễ hội, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm để đảm bảo an toàn sức khỏe cho du khách và Nhân dân trên địa bàn.
Gửi phản hồi
In bài viết