Giấc mơ làm chủ các sản phẩm từ thiên nhiên
Năm học tới này mới bắt đầu bước vào lớp 12, nhưng thành tích của Đỗ Trần Diễm Mai không hề “mỏng” như vóc dáng của cô bé. Nhiều giải thưởng lớn đã được Mai chinh phục thành công, như: Giải ba Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh năm 2018-2019 với dự án “Ứng dụng công nghệ đèn Led trong chỉ dẫn bản đồ ẩm thực tỉnh Tuyên Quang”; Trưởng nhóm học sinh trong dự án “Nuôi dưỡng niềm đam mê STEM của nữ giới Việt Nam” do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tài trợ năm 2019; giải ba Cuộc thi thiết kế sản phẩm truyền thông giới thiệu về Trường Phổ thông Tuyên Quang 2021; giải Ba cuộc thi Olympic Tiếng Anh Tài năng cấp tỉnh năm 2021.
Đỗ Trần Diễm Mai trong một giờ thực hành hóa học.
Mai kể, từ nhỏ mình đã đam mê cỏ cây hoa lá. Cứ cây gì gần gũi, em đều để tâm nghiên cứu, đọc thêm sách để từ đó tìm ra công dụng của từng loại. Mai đặc biệt thích cây trầu không. Qua nhiều lần nghiên cứu tìm hiểu các loại lá, Mai thấy lá trầu không được người Việt sử dụng từ rất lâu với nhiều mục đích khác nhau, gắn với văn hóa truyền thống trong các ngày lễ Tết, cưới hỏi... Không chỉ là “đầu câu chuyện”, các bà, các mẹ có thói quen nhai trầu vì có nhiều tác dụng tốt, nhất là trong vệ sinh răng miệng.
Sau này, tìm thêm thông tin, công dụng của lá trầu không trong cuốn Dược điển Việt Nam và Tài nguyên cây thuốc Việt Nam của Giáo sư Đỗ Tất Lợi, Mai biết thêm lá trầu không có tác dụng khử khuẩn, sát trùng, chữa mẩn ngứa, chống vi khuẩn... đặc biệt là có nhiều nghiên cứu phát hiện ra lá trầu còn có tính kháng sinh, khả năng chống ô xy hóa và chống ung thư. Tại nhiều nước như Mỹ, Canada, Malaysia, đã có nhiều dược phẩm, mỹ phẩm chiết xuất từ lá trầu không, nhưng ở Việt Nam thì rất ít. Sau một thời gian tìm hiểu, Mai tập trung nghiên cứu về công dụng của lá trầu không đối với việc sản xuất các dược phẩm, mỹ phẩm. May mắn là khi đưa sản phẩm tham gia Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo năm 2020”, giải pháp “Nghiên cứu bào chế nước rửa tay kháng khuẩn trầu không và kem đánh răng trầu không” của nhóm Mai được trao giải B.
Không dừng lại ở việc chỉ nghiên cứu giải pháp, Mai tìm cách đưa nghiên cứu trở thành sản phẩm. Bước đệm của em là bác ruột Trần Hồng Phú, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ thương mại tổng hợp Mai Kỳ Thành - người cũng có nhiều duyên nợ với các sản phẩm chiết xuất từ nguyên liệu tự nhiên như trà túi lọc tía tô - hỗ trợ điều chế thành sản phẩm.
Em khoe, các sản phẩm nước rửa tay kháng khuẩn và kem đánh răng từ trầu không đã bước đầu được đưa ra thị trường và được một số nhà thuốc, cửa hàng bán lẻ ở thành phố Tuyên Quang giới thiệu đến người tiêu dùng. Số lượng sản phẩm bán ra chưa nhiều, từ cuối năm 2020 đến giờ bán được khoảng 1.000 sản phẩm, nhưng với Mai, đây là tín hiệu tích cực để em nuôi giấc mơ khởi nghiệp của mình.
Người truyền cảm hứng
Không chỉ đam mê nghiên cứu khoa học, Đỗ Trần Diễm Mai cũng rất yêu công việc thiện nguyện. Năm 2020, Mai đứng ra thành lập Câu lạc bộ cây xanh, với hơn 30 thành viên là học sinh, sinh viên của Trường Phổ thông Tuyên Quang và Trường Đại học Tân Trào.
Các thành viên Câu lạc bộ cây xanh, Trường Phổ thông Tuyên Quang tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn
dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Mai chia sẻ, vì hoạt động phi lợi nhuận, nên các thành viên trong câu lạc bộ kêu gọi ủng hộ quần áo cũ thông qua mạng xã hội, sau đó sửa chữa lại thành đồ mới, bán với giá rẻ cho người có nhu cầu để có quỹ hoạt động. Tiền bán được từ các đợt bán hàng, câu lạc bộ trao hàng trăm suất quà cho các hoàn cảnh khó khăn; huy động quyên góp trên 200 bộ quần áo ủng hộ đồng bào vùng lũ lụt miền Trung...
Một mục tiêu khác của Câu lạc bộ là hoàn thành trồng 1.000 cây xanh trên địa bàn tỉnh. Từ khi thành lập, câu lạc bộ đã trồng hơn 500 cây xanh tại khu vực Núi Dùm (phường Nông Tiến), khuôn viên trường Đại học Tân Trào. Mai bảo, đây là cách để em cùng các bạn góp sức mình bảo vệ môi trường, xây dựng Tuyên Quang thêm xanh, thêm sạch.
Mỗi hoạt động, mỗi bước đi của mình, Đỗ Trần Diễm Mai đều chia sẻ công khai trên mạng xã hội. Mai bảo, em muốn trở thành người truyền cảm hứng, để các bạn trẻ yêu thiên nhiên hơn, chấp nhận các sản phẩm “Made in Tuyên Quang” và cũng là cách để em thu hút thêm nhiều thành viên vào Câu lạc bộ, để các hoạt động thiện nguyện, vì cộng đồng thực chất hơn, ý nghĩa hơn.
Xuất phát từ “vạch đích”, nhưng không có nghĩa là ngồi yên cũng có thành công. Như cách nói của Đỗ Trần Diễm Mai, em đang nỗ lực từng ngày, để có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Gửi phản hồi
In bài viết