Anh Trần Đức Luân, Bí thư Huyện đoàn Yên Sơn cho biết: Huyện đoàn Yên Sơn hiện có 43 cơ sở đoàn, với 426 chi đoàn và 6.306 đoàn viên. Trong đó, có 28 đoàn xã, thị trấn; 4 đoàn khối trường học, 11 đoàn khối hành chính sự nghiệp và lực lượng vũ trang. Để thực hiện tốt vai trò đồng hành cùng thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp, năm 2021, các cơ sở đoàn trong toàn huyện đã tổ chức được gần 30 buổi tuyên truyền, tập huấn cho đoàn viên thanh niên về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Huyện đoàn đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, giúp đỡ đoàn viên thanh niên vay vốn phát triển kinh tế. Hiện nay, toàn huyện có 5 đoàn viên được vay vốn 120, với số tiền 300 triệu đồng; có 8 đoàn viên được vay vốn khởi nghiệp, lập nghiệp, với tổng số tiền 400 triệu đồng. Huyện đoàn quản lý 76 Tổ tiết kiệm vay vốn, với tổng số vốn tín chấp là 101,220 tỷ đồng, có 2.698 hộ vay, trong đó có hơn 300 hộ vay là đoàn viên thanh niên.
Chị Khổng Thị Thúy (đứng giữa), Phó Bí thư Đoàn xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn bên vười ổi của gia đình.
Huyện đoàn đã triển khai chương trình hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm na, nhãn cho các hộ đoàn viên và nhân dân, trong đó đã hỗ trợ bán được 350 tấn na quả và 30 tấn nhãn quả. Hỗ trợ tặng cây, con giống; tư vấn học nghề, hướng nghiệp giới thiệu việc làm cho 2.150 đoàn viên thanh niên tại các trường học. Kết quả, đã có 120 đoàn viên thanh niên có việc làm ổn định; thành lập và duy trì 3 HTX; duy trì 5 tổ hợp tác thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế; 23 câu lạc bộ thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế với các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, VACR tổng hợp...
Ngoài ra, Huyện đoàn cũng tổ chức cho 45 bí thư, phó bí thư Đoàn khối xã, thị trấn trong huyện đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm các mô hình thanh niên phát triển kinh tế cho thu nhập cao từ 400 - 600 triệu đồng/năm tại xã Hoàng Khai. Qua đó, giúp cán bộ, đoàn viên thanh niên được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm để ứng dụng vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Một trong những gương thanh niên 9x làm kinh tế giỏi của Huyện đoàn Yên Sơn là chị Khổng Thị Thúy, dân tộc Cao Lan. Chị Thúy sinh năm 1993, trú tại thôn Động Sơn, Phó Bí thư Đoàn xã Chân Sơn. Gia đình chị đã đầu tư làm kinh tế trang trại tại thôn Tân Sơn, xã Chân Sơn. Hiện chị đang trồng xen canh 300 cây bưởi Diễn, 800 cây ổi trên diện tích hơn 1 ha. Năm vừa qua, gia đình chị nuôi được gần 1.000 con gà đồi. Chị nhận thấy trồng ổi trên đất vườn đồi, đầu tư ban đầu ít, ổi dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, được người tiêu dùng ưa chuộng, lại cho năng suất cao. Chị bảo, ổi dễ trồng hơn, lại được thu hoạch quanh năm. Hai tháng đầu năm 2022, riêng thu nhập từ ổi, gia đình chị đã thu trên 20 triệu đồng. Với 800 gốc ổi, mỗi năm gia đình chị xuất ra thị trường trên 10 tấn ổi, không đủ lượng ổi để đáp ứng nhu cầu mua buôn của khách trong và ngoài tỉnh. Chị bảo, được Huyện đoàn tổ chức cho đi tham quan các mô hình làm kinh tế giỏi, chị cảm thấy được truyền nguồn cảm hứng và năng lượng lớn lao. Chị còn chăn nuôi đàn gà đồi. Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm lựa chọn con giống và do tiêm phòng không đầy đủ nên chị liên tiếp thua lỗ. Nhưng cùng với thời gian, lòng kiên trì, ham học hỏi, chịu khó, chị đã có thêm kinh nghiệm trong việc nuôi gà đồi. Hàng năm, trừ chi phí, gia đình chị thu nhập khoảng trên 100 triệu đồng.
Gia đình anh Lý Văn Ngọ, thôn Lục Mùn, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn đầu tư nuôi lợn, cho thu nhập ổn định.
Một gương thanh niên 9x sở hữu diện tích lớn đất trồng bưởi ở xã Phúc Ninh là anh Lý Văn Ngọ, sinh năm 1990, dân tộc Dao, Bí thư Chi đoàn thôn Lục Mùn, xã Phúc Ninh. Được Huyện đoàn hướng dẫn vay vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội, anh đã vay ngân hàng số tiền 70 triệu đồng trong 3 năm. Vợ chồng anh chị đã đầu tư trồng 5 ha bưởi Diễn, bưởi Cát Quế và 200 gốc na. Anh bảo, mình mới chỉ đang trong giai đoạn bắt đầu thôi, nhưng mình cũng đã phủ kín được diện tích vườn đồi với 5 ha bưởi. Vườn bưởi hiện đang sinh trưởng, phát triển tốt. Ngoài ra, gia đình mình còn nuôi được đàn lợn 14 con, nuôi thêm gà, ngan, cá...
Anh Đặng Phúc Khiêm, sinh năm 1990 ở thôn Từ Lưu, xã Hoàng Khai được coi là người nhanh nhạy, năng động và nhiều kinh nghiệm trong nuôi gà thịt. Anh cũng được tổ chức đoàn thường xuyên đồng hành trong việc định hướng, tư vấn kiến thức phát triển chăn nuôi. Gia đình anh hiện có trên 3.000 con gà, đầu ra chủ yếu bán buôn, xuất cho thương lái ngoài tỉnh... Ngoài ra, gia đình anh còn trồng được 3 ha cây keo lai, chăn nuôi thêm trâu, bò. Hàng năm, trừ chi phí, vợ chồng anh thu nhập trung bình khoảng 150 - 160 triệu đồng.
Những ngày tháng Ba, Tháng Thanh niên, các 9x làm kinh tế giỏi của huyện Yên Sơn vẫn đang miệt mài trên hành trình đi tới với tinh thần, năng lượng, nhiệt huyết của tuổi trẻ. Không lùi bước, không nản lòng trước khó khăn, thử thách. Họ đang nỗ lực vươn lên, làm giàu cho bản thân và có những đóng góp tích cực cho cộng đồng, xã hội, góp sức cùng cả nước làm nên một Tháng Thanh niên đầy ý nghĩa.
Gửi phản hồi
In bài viết