Thôn Ngòi Nghìn có lẽ là thôn đặc biệt nhất ở xã Đạo Viện (Yên Sơn), khi Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn không phải người địa phương, mà là Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Đình Tứ chia sẻ, ở Ngòi Nghìn, ngoài vai trò của đồng chí Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Đinh Thanh Tùng, thì cánh tay nối dài của chính quyền chính là ông Lù Seo Pao - người được bà con nhân dân tín nhiệm bầu là người có uy tín từ năm 2020.
Ông bảo, mình được bà con bầu là người có uy tín, có lẽ vì mình nói được, làm được. Mọi công việc, mọi chính sách của Đảng, Nhà nước, khi Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn triển khai, mình lại dịch sang tiếng Mông để nói cho bà con hiểu. Cái nào bà con chưa hiểu, mình lấy ví dụ thật gần từ chính đời sống hàng ngày, để bà con nắm được.
Niềm vui của ông Lù Seo Pao và người dân Ngòi Nghìn, xã Đạo Viện (Yên Sơn) khi tuyến đường nối với Kiến Thiết chuẩn bị được thi công.
Như mới đây, 2 tuyến đường từ Ngòi Nghìn đi Kiến Thiết và Tân Tiến được xây dựng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được triển khai ở Ngòi Nghìn, ảnh hưởng đến đất sản xuất, nhà ở của nhiều hộ dân nhưng lại không có kinh phí đền bù, hỗ trợ, ban đầu, nhiều nhà không muốn đâu.
Nhưng Bí thư chi bộ, Trưởng thôn cùng với ông Pao đi đến từng nhà, vừa nói cái lý, vừa nói cái tình, đến nhà nào ông cũng bảo “cái đường phải mở thì cái bụng mới ấm được”. Dần dần, những chiếc đèn trong đầu bà con được thắp lên. Đổi lại, những nhà phải chuyển nhà ở, phải chặt nhiều cây, mất nhiều ruộng, ông Pao cũng nói khéo với đơn vị thi công, đổi lại cho bà con cái nền nhà, hay hỗ trợ thêm bà con tiền giống cây, phân bón hay chút tiền để bà con mua cái ruộng khác mà làm nuôi vợ nuôi con... “Mình nói phải thì các bên đều đồng tình. Nhà nước được lợi, dân mình cũng không bị thiệt thòi nhiều mà”.
Ngòi Nghìn 100% là đồng bào dân tộc Mông. Ở đây còn nhiều phong tục cũ, như chuyện người Mông chỉ kết hôn với người Mông, hay chuyện nhà gái thách cưới cả con trâu. Có nhà gái thách cưới đắt quá, con gái về làm dâu nhà người ta quần quật bao nhiêu năm mà không trả hết nợ... Mấy năm nay, được tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới việc tang, ông Pao tiên phong làm trước. Nhà ông vừa gả cưới cô con gái, chỉ thách cưới nhà trai có 1,5 triệu đồng.
Ông bảo, thách cưới ít thôi, để con gái mình đi làm dâu, không phải gánh trên vai món nợ nào, chúng nó bảo ban nhau làm ăn, nuôi được lũ con khỏe mạnh là được rồi.
Hay chuyện người Mông không được lấy vợ, lấy chồng là người dân tộc khác, ông bảo, “54 dân tộc đều là anh em một nhà mà, con nó yêu ai, lấy ai là lựa chọn của nó chứ, mình có lấy đâu mà mình cấm...”. 2 năm nay, ở Ngòi Nghìn, đã có 3 - 4 cặp kết hôn ngoài dân tộc Mông rồi.
Để nói dân nghe, làm dân tin, ông Lù Seo Pao tập trung trồng rừng, chăn nuôi bò phát triển kinh tế gia đình.
Phó Chủ tịch UBND xã Đạo Viện Hứa Ngọc Kha cho biết, không chỉ ông Pao, ở Đạo Viện, những người có uy tín đều là những cánh chim đầu đàn vững vàng, dẫn dắt cộng đồng, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, cầm tay từng người” vận động bà con giúp nhau phát triển kinh tế, bài trừ hủ tục lạc hậu, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào mình để xây dựng thôn bản bình yên. Đầu năm 2024, Đạo Viện xây dựng xã điển hình về an ninh trật tự, Đảng ủy, chính quyền xã xác định, những người có uy tín như ông Lù Seo Pao chính là hạt nhân trong phong trào này.
Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua xã Thái Hòa có chiều dài 4,2 km, đi qua 4 thôn Khe Mon, Lập Thành, Đồng Chùa, Tân Thành, trong đó, thôn Khe Mon bị ảnh hưởng nhiều nhất, với số hộ dân bị ảnh hưởng là 112 hộ. Ông Triệu Quốc Khánh vừa là Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận, vừa là người có uy tín tất bật mấy tháng trời, vừa tuyên truyền để người dân hiểu được chủ trương lớn của Nhà nước về việc xây dựng một tuyến cao tốc thông suốt, mở ra nhiều cơ hội lớn về phát triển kinh tế - xã hội; vừa vận động bà con đồng thuận, sẵn sàng bàn giao đất để thi công.
Nhờ sự nhiệt tình, thấu tình đạt lý của ông Triệu Quốc Khánh mà đến thời điểm này, đã có hơn 104 hộ gia đình đồng thuận, sẵn sàng bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Bí thư Đảng ủy xã Thái Hòa Quách Thị Minh Nguyệt cho biết, ở Thái Hòa, 100% người có uy tín đều là đảng viên. Chính lực lượng cốt cán này đã giúp xã rất nhiều trong việc vận động người dân xây dựng nông thôn mới, hoàn thiện các công trình hạ tầng lớn trên địa bàn. Với đồng bào, tiếng nói của những người có uy tín thực sự có tầm ảnh hưởng.
Toàn tỉnh hiện có hơn 1 nghìn người có uy tín. Lực lượng người có uy tín đã góp phần không nhỏ trong việc triển khai thực hiện các phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng đời sống mới, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân; bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của cộng đồng dân tộc mình và triển khai các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh... Nói một cách khác, người có uy tín chính là “kênh” để đồng bào dân tộc thiểu số gửi gắm tiếng nói, tâm tư, tình cảm của mình tới Đảng, Nhà nước, là nhịp cầu nối gắn kết giữa ý Đảng và lòng dân.
Gửi phản hồi
In bài viết