Đặc tính
Thuyền máy của chúng tôi rời bến thủy Na Hang chạy khoảng 30 phút đã tới Trạm Kiểm lâm Bắc Vãng đóng trên lòng hồ. Cả đoàn hồ hởi lên bờ đi thăm quần thể nghiến nghìn tuổi ở khu vực này. Anh Lê Hồng Binh chuyên gia về rừng đặc dụng của Na Hang đi trước dẫn lối. Tôi biết anh trước làm Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Na Hang, về hưu do quá yêu rừng anh lại xin làm nhân viên tuần rừng tại Trạm Kiểm lâm Bắc Vãng. Giờ trong đoàn tôi thấy anh na ná giống một hướng dẫn viên du lịch hơn. Càng đi đoàn khách càng ngạc nhiên, thích thú, sự tò mò lại càng tăng lên. Trước đây đội anh Binh có dẫn một doanh nghiệp làm du lịch đi thăm rừng nguyên sinh, đứng trước cây nghiến nghìn tuổi vị giám đốc kia ngồi khóc rưng rức như đứa trẻ. Ông khóc vì quá hạnh phúc khi Na Hang vẫn còn giữ được những quần thể cây nghiến cổ thụ. Phải kiến tạo trên 1.000 năm mới có, bởi vậy việc giữ gìn nó như là báu vật của địa phương.
Băng qua khu rừng có độ đa dạng sinh học cao, đoàn chúng tôi vỡ òa khi trước mặt là những cụ nghiến sừng sững với bộ rễ khủng bám chặt vào vách đá. Anh Binh cho biết, ở núi đất tuyệt nhiên không thấy cây nghiến mọc. Nghiến chỉ mọc trên núi đá vôi, phân bố nhiều trên các sườn núi thuộc họ cẩm quỳ. Cây nghiến non bằng bắp đùi đã có mấy chục năm tuổi, vậy những cây đường kính 2 - 3 m, cao đến 30 - 35 m thì chắc chắn phải trên nghìn tuổi. Hiện chưa ai xác định chính xác tuổi của cây nghiến sống thọ được bao nhiêu năm.
Cán bộ kiểm lâm thường xuyên tuần rừng, đảm bảo cho sự an toàn của những cây nghiến nghìn tuổi.
Cây nghiến sống trên núi đá nên lớn rất chậm, được xếp vào gỗ quý nhóm 2A. Chính vì đặc điểm này mà gỗ nghiến có độ cứng cao, chịu nước tốt, thường dùng làm thớt, sập, ba ti cửa, chấn song, cối, chày. Một số bừu nghiến hay còn gọi là ngọc nghiến được người ta chế biến thành đồ thủ công mỹ nghệ như lục bình, cóc nghiến. Đối với nhà sàn làm bằng gỗ nghiến thì tuổi thọ vô đối, bền vững với thời gian. Một mét khối gỗ nghiến có trọng lượng khoảng 1 tấn, độ ẩm trong gỗ chỉ có 15%. Gỗ nghiến tươi vẫn cháy, độ nóng cao và đượm than rất lâu. Chính vì những đặc điểm nổi bật trên mà cây nghiến thường là đối tượng bị lâm tặc săn lùng, để ý tới. Vấn đề bảo vệ quần thể nghiến nghìn tuổi ở Na Hang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Hạt Kiểm lâm Na Hang đã tăng cường lên tới 102 cán bộ kiểm lâm, nhân viên tuần rừng rải đều ở 8 trạm kiểm lâm, 25 chốt bảo vệ rừng để kiểm soát chặt trên 21.000 ha rừng đặc dụng, nhất là những quần thể gỗ nghiến lớn. Việc vẽ sơ đồ vị trí, đánh dấu, kiểm đếm sơ bộ những cây to được thực hiện, giao cụ thể cho từng tuyến chốt quản lý.
Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, dân vận, giao khoán bảo vệ rừng, tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm minh mà các vụ vi phạm khai thác gỗ nghiến đã giảm mạnh. Nhiều toán lâm tặc đình đám đã chùn tay, khi bị chính cộng đồng tố giác. Mới đây ngày 20-5-2021, Tòa án nhân dân huyện Na Hang mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai đối với bị cáo Nông Văn Bình, Nông Văn Tú và Nguyễn Văn Mỹ cùng có hộ khẩu thường trú tại thôn Nà Chao, xã Năng Khả (Na Hang), mỗi người trên 2 năm tù giam về tội khai thác gỗ nghiến trái phép làm thớt bán. Những bản án thích đáng là lời cảnh tỉnh cho những ai còn cố tình vi phạm khai thác gỗ nghiến, khi cả huyện, xã đang cố gắng giữ gìn những cây nghiến nghìn tuổi để tạo cảnh quan thiên nhiên, độ đa dạng sinh học trong phát triển du lịch sinh thái của huyện nhà bền vững với thời gian.
Mở tua du lịch
Cùng đi khảo sát thực địa tuyến du lịch tham quan những cây nghiến nghìn tuổi ở Na Hang, Hạt trưởng Kiểm lâm Na Hang Ma Thanh Khiết khẳng định, huyện quyết bảo tồn và phát huy giá trị của rừng nghiến đến muôn đời sau. Hiện huyện đã có hướng mở tua du lịch cho du khách tham quan những cây nghiến cổ thụ tại khu vực Giàn Tre, Đường Gòng thuộc Trạm Kiểm lâm Bắc Vãng; quần thể nghiến cổ thụ tại khu rừng Khau Tép, Pá Lịa thuộc thôn Khau Phiêng, xã Khau Tinh; cây nghiến “bàn tay” thuộc khu rừng Đông Đăm, Tát Loỏng thuộc thôn Bản Bung, xã Thanh Tương. Ngoài ra nghiến còn có ở các xã Năng Khả, Sinh Long, Côn Lôn.
Phóng viên Báo Tuyên Quang trong một chuyến tác nghiệp tại quần thể nghiến cổ thụ tại Bắc Vãng.
Tại thôn Khau Phiêng, xã Khau Tinh ngay sát vườn nhà của người dân là cánh rừng nghiến nghìn tuổi vẫn vươn cao xanh tốt. Ai cũng khen thôn từ trước đến nay giữ rừng tốt. Ông Phùng Văn Minh, dân tộc Mông, thôn Khau Phiêng, xã Khau Tinh tâm sự: “Nếu phá rừng nghiến thì rất nhanh. Nhưng chúng tôi có thờ thần rừng, việc giữ rừng là rất quan trọng. Giữ rừng tạo không khí mát mẻ, còn giữ được nguồn nước trong lành, hạn chế lũ ống, sạt lở đất, mùa màng luôn bội thu, gia súc, gia cầm ít dịch bệnh. Tôi rất phấn khởi khi huyện, xã đang có hướng mở tua du lịch, đưa du khách lên đây thăm rừng nghiến nghìn tuổi của chúng tôi. Nếu được anh em họ hàng chúng tôi bảo nhau làm du lịch homestay. Chúng tôi có thể trở thành những hướng dẫn viên du lịch thông thạo địa hình”.
Việc bảo tồn và phát huy giá trị những cây nghiến nghìn tuổi ở Na Hang đang cần một quy hoạch du lịch bài bản, một cách làm phù hợp. Như vậy, huyện mới biến “rừng xanh” thành nguồn tài nguyên quý giá, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Gửi phản hồi
In bài viết