“Đại lộ, đại phú”
Anh Lưu Trung Thư, Trưởng thôn Cường Đạt năm nay 40 tuổi, năng động và mau miệng bảo: “Suốt 2 tháng nay, việc thôn nhiều hơn việc nhà chị ạ! Tuyến đường này trước đã bê tông rộng 3 m rồi nhưng giờ nó như chiếc áo chật chội quá, phải mở rộng đường thôi. Đại phú, đại lộ mà”. Vậy nên, khi xã xây dựng tuyến đường thôn thành tuyến đường kiểu mẫu trong nông thôn mới, người dân trong thôn đã nhất trí cao, sẵn sàng hiến đất, góp của làm đường với phương châm “Nhân dân làm Nhà nước hỗ trợ”.
Đoạn đường mới mở, người ta như thấy được hương đất quện vào hương đời thì phải. Anh Thư bảo vậy và tự hào về “sức dân” ở thôn mình. Anh Thư cho biết, làm được tuyến đường này, nhà ông Phạm Ngọc Oanh hiến trên 300 m2 đất đấy. Trước đó là đất vườn đồi, gia đình ông Oanh trồng quế đã gần 10 năm nay. Nhưng khi được vận động hiến đất, gia đình ông liền chặt đồi quế hiến đất.
Ông Phạm Ngọc Oanh (bên phải) hiến trên 300 m2 đất vườn đồi trồng quế cho thôn mở đường.
Anh Thư chia sẻ, ở thôn ai cũng khát khao có con đường to, đường to thì làm gì cũng thuận. Vậy nên chả nhà nào nề hà chuyện đóng góp cả. Anh Thư nhớ lại, 15 năm trước, đất này chưa có điện, mỗi nhà lại bỏ ra số tiền giá trị bằng cả con trâu kéo điện về thôn. Ai cũng vui vì sáng điện sáng lòng. Giờ lại chuyện làm đường, từ đường mòn, sửa chữa nhiều lần, mở rộng đến 3 m rồi 5 m nay đến 7 m, người dân vẫn muốn rộng hơn nữa. Bởi lẽ, người dân Cường Đạt có tới 500 ha rừng keo, rừng quế, cây ăn quả và tre lấy măng. Đường lớn, thông thương hàng hóa, nông lâm sản bán được giá hơn.
Chia sẻ về việc hiến đất, ông Phạm Ngọc Oanh cười tươi bảo: “Có gì đâu, đất quý thật nhưng có đường vào tận cổng nhà mình quý hơn, nông thôn mới mà. Có đường rộng, nhà rộng, nay mai con cháu có mua ô tô còn về được tận nhà”. Ông Oanh có gần 10 ha trồng keo, trồng quế, hơn 1 ha trồng tre lấy măng. Nhiều năm làm ăn với thương lái nên hơn ai hết ông hiểu được giá trị của việc có giao thông thuận tiện. Ông bảo, 5 năm trước, ông có mẻ măng muốn bán nhưng do trời mưa, đường đất trơn thương lái không vào nhà được, gia đình ông phải chở ra đường Quốc lộ 2C, đã vất vả lại bị thương lái chê xấu, chê già để ép giá. Nghĩ cực lắm nên khi triển khai làm đường ông sẵn sàng hiến đất để mở đường. Đây là lần thứ 2 mở đường, ông vẫn sẵn sàng hiến đất. Ông tâm niệm “phải có của chung mới có của riêng, cái chung tốt thì mình cũng được hưởng lợi, đường rộng, thôn phát triển, mình là cư dân cũng tự hào chứ!”.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hậu cũng thế. Khi đường mở rộng vào đất vườn nhà ông 3 m kéo dài cả 300 m, ông đã vận động người thân hiến đất cho thôn, xã làm đường. Ông bảo, mình phải hy sinh lợi ích riêng vì lợi ích phát triển chung chứ, cứ bo bo lại thì làm sao có đường to, đường đẹp. Mà giao thông là cánh cửa mở ra cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Ông có mấy hecta quế, trước chưa có đường, xe ô tô tải vào thôn bán chỉ bằng một nửa tiền bây giờ. Mai này có đường rộng 7 m thì bưởi ngọt, quế, ốc nhồi, nhung hươu của gia đình nhiều người đến mua hơn. “Vài năm nữa đất Cường Đạt sẽ như phố, có nhà đẹp, ô tô dựng cửa
chứ!” - Ông Hậu tin tưởng như vậy khi đường mở to ra.
“Hiểu tính từng người...”
Sự đồng thuận của người dân ở Cường Đạt ngoài tư tưởng tiến bộ của người dân còn có sự vất vả, làm tốt công tác dân vận của cán bộ thôn, cán bộ xã Tân Long. Anh Lưu Trung Thư, Trưởng thôn kể, thôn Cường Đạt có 116 hộ dân, còn 9 hộ nghèo. Anh tham gia công tác ở thôn đến nay hơn 15 năm nên anh hiểu tính nết từng người dân trong thôn. Anh bảo, cứ bám vào lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, nhiều người dân chưa hiểu mình phải giải thích, phải vận động để họ hiểu.
Ông Nguyễn Văn Hậu, thôn Cường Đạt nuôi hươu lấy nhung.
Khi người dân hiểu sẽ chung sức thì mọi nghị quyết, chương trình, kế hoạch đều được thực hiện. Chứ người dân không hiểu thì không nổi đâu bởi còn nhiều hộ khó khăn việc huy động đóng góp không hề đơn giản. Mỗi nhân khẩu đóng góp từ 800 nghìn đồng, nhân lên bình quân mỗi hộ từ 3 - 4 triệu đồng, số tiền khá lớn đối với người dân nông thôn. Bởi vậy khi vận động, ngoài việc làm đúng, minh bạch thì cán bộ phải mềm mỏng, ân cần để người dân đồng thuận. Thôn đã vận động người dân đóng góp thuê máy móc san ủi mặt bằng và hiện đang vận động 700 nghìn đồng/nhân khẩu để mua cát sỏi đổ đường. Theo khảo sát các hộ đã sẵn sàng để làm đường xong trước Tết Nguyên đán này.
Phong trào làm đường to đẹp ở thôn Cường Đạt đã lan đến cả thôn 16. Ông Đặng Văn Thông, Trưởng thôn 16 bảo, thấy thôn Cường Đạt mở đường, người dân thôn ông cũng hào hứng theo, cũng muốn làm đường rộng, to để phát triển. Vậy là cứ thế là làm thôi. Chặt cây, lùi rào đến nay đã hoàn thành 1,1 km đường bê tông rộng 3 m theo Nghị quyết 55 của HĐND tỉnh. Thôn triển khai làm đường thuận lợi hơn, khi hộ ông Phùng Văn Nhiên ở Vĩnh Phúc mua đất làm trang trại tại thôn đã tự nguyện ủng hộ 200 triệu đồng mua vật liệu cát sỏi; hộ gia đình Đặng Hùng Tình hiến trên 300 m2 đất. Ông Thông bảo, “khi nghị quyết hợp lòng dân thì tạo thành sức mạnh lớn”.
Đồng chí Nguyễn Sỹ Thuật, Chủ tịch UBND xã Tân Long cho biết, đời sống người dân tuy còn nhiều khó khăn, nhưng khi triển khai bê tông hóa đường giao thông nông thôn thì ai cũng nhất trí. Xã có nhiều cách làm riêng để huy động sức dân và đẩy nhanh tiến độ bê tông hóa đường giao thông nông thôn. Các thôn đã bầu ra ban vận động, ban xây dựng và ban giám sát công trình, trong đó thành viên của các ban là những đảng viên và quần chúng có uy tín. Ban vận động đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động đóng góp, ban xây dựng thiết kế công trình công khai các khoản tài chính để nhân dân giám sát, kiểm tra. Phong trào hiến đất làm đường giao thông ở thôn Cường Đạt, thôn 16 đã lan tỏa ra cả xã Tân Long. Trong năm 2021, khi xã đăng ký về đích xây dựng nông thôn mới nhiều gia đình đã hiến hàng nghìn mét vuông đất, để san ủi, mở rộng mặt bằng làm đường, góp hàng nghìn ngày công lao động đổ bê tông. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện số đất người dân hiến đã lên tới hơn 20.000 m2, trong đó thôn Cường Đạt đứng đầu với trên 7.000 m2.
Từ sức mạnh của người dân cộng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, nhiều công trình hạ tầng trên địa bàn xã đã được đầu tư xây dựng. “Bài học lớn nhất được rút ra là phải xây dựng lòng tin của người dân, làm tốt công tác dân vận, từ đó củng cố sự đoàn kết thì việc gì cũng hoàn thành”. Chủ tịch UBND xã Tân Long Nguyễn Sỹ Thuật nói.
Gửi phản hồi
In bài viết