Hội thi “Khâu còn đẹp” năm nay thu hút sự tham gia của 10 đội thi, đến từ các xã, thị trấn trong huyện Lâm Bình.
Hội thi “khâu còn đẹp” – một phần đặc sắc của Lễ hội Lồng Tông và Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Lâm Bình năm 2025 – không chỉ là nơi thể hiện sự khéo léo, sáng tạo mà còn góp phần tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Hội thi “khâu còn đẹp” năm nay thu hút sự tham gia của 10 đội thi, mỗi đội gồm 6 thành viên đến từ các xã, thị trấn trong huyện. Trong vòng 60 phút, các đội phải hoàn thành tối thiểu 15 quả còn, đảm bảo các tiêu chí: số lượng, độ bền chắc, hình thức thẩm mỹ và trang trí sáng tạo. Những sản phẩm xuất sắc nhất sẽ được trưng bày trong lễ hội và trở thành một phần của trò chơi truyền thống tung còn – biểu tượng của sự gắn kết cộng đồng.
Quả còn được trưng bày tại gian hàng giới thiệu sản phẩm văn hóa truyền thống huyện Lâm Bình.
Một trong những điểm nhấn ấn tượng nhất của hội thi năm nay chính là sự đột phá trong thiết kế quả còn. Nếu như trước đây, quả còn thường có từ 4 đến 8 múi, đại diện cho những giá trị truyền thống cơ bản, thì năm nay, nhiều đội thi đã mạnh dạn thử nghiệm những hình thức mới, điển hình là thiết kế quả còn 12 múi. Mỗi múi không chỉ đơn thuần là một phần cấu tạo của quả còn, mà còn mang ý nghĩa biểu tượng cho 12 tháng trong năm, thể hiện sự tuần hoàn của thời gian, sự luân chuyển của mùa vụ và khát vọng về một năm mùa màng bội thu, sung túc. Sự sáng tạo này không chỉ giúp quả còn trở nên độc đáo mà còn tăng tính nghệ thuật, đòi hỏi kỹ thuật khâu tinh xảo và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên trong đội thi.
Bên cạnh đó, sự cải tiến trong cách phối màu và họa tiết trang trí cũng là một yếu tố quan trọng góp phần làm nên nét độc đáo của hội thi năm nay. Thay vì sử dụng những tông màu đơn sắc hoặc truyền thống, nhiều đội đã kết hợp hài hòa giữa các gam màu tươi sáng như đỏ, vàng, xanh, tím, mỗi màu sắc tượng trưng cho một yếu tố trong đời sống và văn hóa. Màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn; màu vàng đại diện cho mùa màng sung túc, bội thu; màu xanh thể hiện thiên nhiên trù phú, còn màu tím mang ý nghĩa của sự bền vững và gắn kết cộng đồng...
Đồng chí Nông Thị Thuận, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Minh Quang bày tỏ niềm tự hào: Để chuẩn bị cho hội thi, chúng tôi đã chọn ra những người khéo tay nhất từ các tổ dệt thổ cẩm để tham gia. Các thành viên phải cắt vải, khâu từng đường kim mũi chỉ một cách tỉ mỉ. Bên cạnh đó, chúng tôi còn sáng tạo thêm họa tiết thổ cẩm tinh xảo để làm điểm nhấn. Qua hội thi, chúng tôi càng thêm yêu và tự hào về nghề truyền thống của dân tộc mình.
Các thành viên trong Đội Khâu còn của xã Minh Quang, huyện Lâm Bình trong Hội thi.
Không chỉ đơn thuần là sản phẩm của sự khéo léo, quả còn chứa đựng nhiều ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Những mảnh vải sặc sỡ, được nhồi bằng cát, thóc, hạt ngô, hạt đậu tương..., tượng trưng cho mong ước về mùa màng bội thu, gia đình sung túc, cuộc sống đủ đầy.
Đồng chí Hà Thị Thu Hương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Lâm Bình nhấn mạnh: Hội thi khâu còn không chỉ là nơi thể hiện tài năng mà còn là cơ hội để chúng ta lan tỏa tình yêu với văn hóa dân tộc. Khi mỗi quả còn tung lên trời, đó không chỉ là một trò chơi mà còn là cách chúng ta gửi gắm hy vọng và lời chúc tốt đẹp cho nhau.
Không chỉ thu hút người dân địa phương, hội thi khâu còn năm nay còn hấp dẫn nhiều du khách. Nhiều người lần đầu tham dự đã thích thú khi được trực tiếp quan sát và trải nghiệm khâu còn. Đặc biệt, những quả còn đẹp nhất sẽ được trưng bày trong các gian hàng, trở thành điểm nhấn văn hóa, góp phần giới thiệu nét đẹp truyền thống tới du khách gần xa.
Hội thi “Khâu còn đẹp” đã khép lại trong niềm hân hoan, nhưng dư âm của nó còn mãi. Không chỉ là một cuộc thi, đây là nơi hội tụ bản sắc, gắn kết cộng đồng và quảng bá nét đẹp văn hóa Lâm Bình tới du khách gần xa. Đó là giá trị văn hóa vững bền, là sợi dây kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai của vùng đất Lâm Bình.
Gửi phản hồi
In bài viết