“Ở đâu bệnh nhân cần, ở đó có chúng tôi”
Những tháng cuối cùng của năm 2021, Na Hang, Lâm Bình như quặn lại khi những ca nhiễm Covid-19 liên tục tăng nhanh. Nhưng họ không đơn độc, khi lần lượt từng đoàn cán bộ y bác sỹ, lực lượng quân đội, công an, những đoàn tình nguyện viên liên tục lên đường, sát cánh cùng đồng bào vùng cao.
Bệnh viện Dã chiến đầu tiên của tỉnh được đặt tại Trường THPT Lâm Bình, nơi phát hiện 2 ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trên địa bàn huyện Lâm Bình. Bác sỹ Đoàn Lương Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh được phân công làm Giám đốc Bệnh viện Dã chiến điều trị Covid-19 huyện Lâm Bình cho biết: Thời điểm này, đã có hơn 40 y, bác sỹ tình nguyện lên Lâm Bình hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19. Bệnh viện hơn 200 giường bệnh, hầu hết đều là học sinh trường THPT Lâm Bình. Những ngày này, đội ngũ y, bác sỹ ở bệnh viện vừa là thầy thuốc, vừa là cha, là mẹ, hướng dẫn, nhắc nhở bệnh nhân thực hiện đúng các quy định phòng chống dịch, chế độ ăn uống để đảm bảo đủ sức khỏe.
Cán bộ y tế đi lấy mẫu các trường hợp liên quan đến ca bệnh mắc Covid-19 tại Trung tâm Y tế huyện Na Hang.
Điều dưỡng Đặng Thị Mai đang trực tiếp chăm sóc, theo dõi cho các bệnh nhân ở đây cho biết, hàng ngày, các bác sỹ và điều dưỡng tại đây sẽ thực hiện nhiệm vụ cấp thuốc, thường xuyên theo dõi các chỉ số SpO2, nhịp tim, huyết áp cho bệnh nhân để kịp thời xử trí các trường hợp diễn tiến nặng. Ngày đầu mới nhập viện, đa số bệnh nhân có tâm lý hoang mang, lo sợ, một số ít còn chủ quan, không tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng bệnh. Để người bệnh tin tưởng sẽ vượt qua và chiến thắng được bệnh dịch, bên cạnh việc điều trị, các y, bác sỹ ở đây còn luôn chăm lo, động viên, chia sẻ, giải tỏa tâm lý để họ yên tâm điều trị. Mỗi ngày lại có những ca F0 nhập viện là số lượng bệnh nhân lại tăng lên những cán bộ làm nhiệm vụ tại đây luôn động viên nhau, nỗ lực, tập trung hết sức để cứu chữa bệnh nhân.
Đúng ngày 20-11, bác sỹ Mai Văn Trung, Khoa Khám bệnh đa khoa, Bệnh viện Y dược cổ truyền Tuyên Quang lên đường hỗ trợ Lâm Bình. Anh bảo, cuối năm, cũng bộn bề nhiều việc lắm, nhưng với những người thầy thuốc, ở đâu có bệnh nhân cần chữa trị, chúng tôi sẵn sàng xung phong. Anh em trong đoàn đều mong muốn, có thể góp sức mình vì sức khỏe của người bệnh.
Không chủ quan
Với đội ngũ y, bác sỹ Tuyên Quang, lần lên đường hỗ trợ Lâm Bình không còn xa lạ. Thời điểm giữa năm 2021, khi Bắc Giang, rồi TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội… bùng phát dịch, đã có rất nhiều y, bác sỹ của Tuyên Quang xung phong đi vào tâm dịch. Và với họ, những tháng ngày ấy trở thành đoạn ký ức không bao giờ quên.
Hành trang sau chuyến đi hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh chống dịch của bác sỹ Phùng Ngọc Vân, Khoa Khám bệnh, Trung tâm Y tế huyện Sơn Dương là cuốn nhật ký dày đặc chữ. Cảm xúc lần đầu đối mặt với dịch bệnh, cảm xúc điều trị cho những bệnh nhân nặng, cảm xúc của những ngày đầu xa nhà... được anh lần lượt trải lòng qua từng trang giấy. Bác sỹ Vân chia sẻ, ngay từ khi xung phong lên đường, mình đã xác định không có bất kỳ điều gì có thể khiến mình sợ hãi. Đồng nghiệp mình ngày đêm chiến đấu, cớ gì mình lại hoảng hốt lùi lại phía sau.
Đoàn cán bộ, y bác sỹ Tuyên Quang trước khi rời Bệnh viện Dã chiến số 10, TP Hồ Chí Minh.
Đoàn y, bác sỹ Sơn Dương có 3 người, gồm anh Vân và 2 y sĩ Mã Thị Sen, Nịnh Hồng Khanh. Là người lớn tuổi nhất đoàn, bác sỹ Phùng Ngọc Vân được bầu làm Phó đoàn. Anh Vân cười, tự nhận mình là phó đoàn khó tính nhất. Anh nhắc mọi người phải liên tục đeo khẩu trang, mặc đồ bảo hộ đúng cách. Không chỉ nhắc anh chị em trong đoàn Tuyên Quang, hễ thấy cán bộ đoàn nào còn lơ là, anh cũng trực tiếp nhắc nhở hoặc nhắn trên nhóm làm việc chung tại Bệnh viện.
Bác sỹ Phùng Ngọc Vân chia sẻ, sau đợt hỗ trợ TP Hồ Chí Minh, anh tiếp tục trở về với công việc thường nhật. Hiện, tình hình dịch bệnh ở Sơn Dương cũng đã được kiểm soát, nhưng với trách nhiệm của một người bác sỹ, trách nhiệm của người trụ cột gia đình, sau mỗi ca làm việc, anh Vân chủ động tự cách ly với các thành viên trong gia đình. Anh bảo, nhiều lúc cũng thèm cảm giác được ngồi ăn chung một mâm cơm với vợ con, nhưng vì an toàn của các thành viên trong gia đình, anh lại nghiêm khắc nhắc nhở bản thân mình. Thành ra, căn nhà 2 tầng, nhưng là hai thế giới cách biệt hoàn toàn.
Y sỹ Trần Văn Quyến, Phòng khám Đa khoa khu vực Xuân Vân (Yên Sơn) có 40 ngày ròng rã tại Bệnh viện Dã chiến số 10, phường An Khánh, Thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh là những ngày không thể nào quên. Khác biệt nhất là khẩu vị thức ăn, người không quen vị thức ăn phải chuyển sang ăn mỳ tôm chống đói. Anh Quyến cho biết, trước khi lên đường hỗ trợ các tỉnh phía Nam chống dịch, anh cũng vừa hoàn thành 1 tháng hỗ trợ tại khu cách ly của huyện Yên Sơn tại Trường PTDT Nội trú THCS huyện. Sau chuyến đi, trở về lại tham gia chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 và tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tiêm nhanh chóng, an toàn.
Sôi nổi, nhiệt tình và tràn đầy năng lượng, nhưng khi kể lại quãng thời gian khoác bộ đồ bảo hộ, sát cánh cùng lực lượng y tế cả nước hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh chống dịch, bác sỹ Đặng Quang Tuấn, Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh như chùng lại. Cuối tháng 9, bác sỹ Đặng Quang Tuấn, cùng với 30 y, bác sỹ của Tuyên Quang lên đường hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch trong đợt bùng phát cao điểm của địa phương này. Tuấn sinh năm 1991, được phân công làm Trưởng đoàn. Từ trước đó, khi xung phong tình nguyện lên đường, ngoài những kiến thức đã được tập huấn, Đặng Quang Tuấn lên mạng Internet, tìm hiểu và trang bị thêm những kiến thức cơ bản nhất để bảo vệ mình và đồng đội.
Làm việc trong điều kiện nguy hiểm, sau mỗi tuần, đội ngũ y, bác sỹ sẽ được xét nghiệm một lần để đảm bảo an toàn. Với bác sỹ Đặng Quang Tuấn, mỗi lần chờ đợi kết quả, là một đêm không ngủ. Vì lo lắng, vì sợ không còn được tiếp tục cống hiến, sợ phải bỏ lỡ công việc khi đồng đội mình vẫn ngày đêm vất vả, dồn sức điều trị cho bệnh nhân... May mắn, khi anh em trong đoàn đều bình an. Tuấn, cũng như hầu hết y, bác sỹ sau chuyến trở về từ TP Hồ Chí Minh đều bắt tay ngay vào công việc, không nghỉ phép. Bác sỹ Tuấn chia sẻ, mình cũng đã sẵn sàng lên đường hỗ trợ Lâm Bình chống dịch bất kỳ lúc nào. Áp lực, với anh, và nhiều y, bác sỹ, đã là điều quen thuộc.
Cuối năm, khi người người, nhà nhà sum vầy bên gia đình, đón một năm mới bình an, thì hình ảnh những người thầy thuốc lẫn mình trong mùi cơm mới, trong hương Tết ngọt ngào ngoài kia. Được sẵn sàng chiến đấu, cống hiến sức mình khi người bệnh cần, với họ, đã là mùa xuân!
Gửi phản hồi
In bài viết