Những chiến sỹ áo trắng xứ Tuyên nơi tâm dịch

- Ngày 26-7, tỉnh Tuyên Quang đã cử 35 cán bộ y, bác sỹ lên đường đi chi viện cho thành phố Hồ Chí Minh. Ở nơi tâm dịch, những chiến sỹ áo trắng của Tuyên Quang đang nỗ lực chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19, góp sức đẩy lùi đại dịch.

Các thầy thuốc Tuyên Quang tại thành phố Hồ Chí Minh.

Làm việc quên thời gian

Qua các cuộc điện thoại nhanh, có những cuộc gọi còn bị ngắt quãng… rồi tôi cũng có được chút thông tin của một số cán bộ y, bác sỹ của đoàn Tuyên Quang đang “gồng mình” chống dịch tại thành phố Hồ Chí Minh.

Trao đổi qua điện thoại nhanh với bác sỹ Trần Thị Hậu, Phó trưởng Đoàn cán bộ y, bác sỹ tỉnh Tuyên Quang đi hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh được biết, mặc dù tình hình dịch bệnh tại đây rất phức tạp, số lượng bệnh nhân tăng nhanh, nhiều bệnh nhân liên tục trở nặng, nguy cơ cán bộ y tế bị lây nhiễm Covid-19 rất lớn. Nhưng trước những khó khăn và nguy hiểm, anh em trong đoàn tuyệt đối tuân thủ các quy định, quy trình phòng chống dịch. Cùng với sự động viên, khích lệ kịp thời từ lãnh đạo tỉnh, ngành Y tế và người thân nơi quê nhà, đến nay, sức khỏe và tinh thần làm việc của 35 cán bộ trong đoàn vẫn ổn định. Tất cả các thành viên luôn nêu cao quyết tâm chống dịch, nỗ lực đem hết kinh nghiệm, trình độ chuyên môn để sớm đẩy lùi dịch Covid-19 tại thành phố mang tên Bác. Đoàn cán bộ y tế Tuyên Quang đang làm việc tại Bệnh viện dã chiến số 10, Thủ Đức.

Cán bộ đoàn Tuyên Quang chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến số 10.

Dù vợ cũng làm trong ngành y, thường xuyên phải đi trực, con còn nhỏ, bố mẹ tuổi đã cao, nhưng điều dưỡng Lương Mạnh Công, cán bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh vẫn xung phong lên đường vào tâm dịch. Nhiệm vụ của điều dưỡng Công gần 1 tháng qua là chăm sóc và điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 10. Tâm sự với chúng tôi, anh Công nói, từ hôm vào đây người thân lo lắng nên liên tục gọi điện thoại hỏi thăm, động viên, nhưng cũng chẳng còn thời gian nghe máy nữa. Bản thân anh và 11 cán bộ trong đoàn được phân vào nhóm điều trị và chăm sóc bệnh nhân nặng (gọi tắt là nhóm ICU), tuy số lượng bệnh nhân ít hơn nhiều so với các nhóm điều trị và chăm sóc bệnh nhân ở thể nhẹ, nhưng nguy cơ bị lây nhiễm lại rất cao vì phải tiếp xúc gần với bệnh nhân.

Ngoài việc tiêm truyền thì những công việc như vỗ rung bệnh nhân để long đờm, thay đổi tư thế, anh cùng đồng nghiệp còn giúp bệnh nhân ăn uống, đi vệ sinh... vì đa số những bệnh nhân này gần như không thể tự làm những công việc đó. Lúc đi làm thì phải gắng hết sức vào guồng quay của công việc, đến khi hết ca trực về đến chỗ nghỉ vừa đặt lưng xuống giường đã ngủ mất vì mệt nhoài. Tuy cuộc nói chuyện với điều dưỡng Công rất rất ngắn, nhưng anh Công vẫn không quên gửi lời chúc mọi người ở quê nhà luôn mạnh khoẻ và cùng nhau cố gắng để tỉnh ta không phải trải qua những cuộc chiến thời bình như thế này.

Cán bộ y tế Tuyên Quang chăm sóc bệnh nhân.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 tại Bắc Giang và hoàn thành việc cách ly sau những ngày trở về từ tâm dịch ngày 21-7, đến ngày 26-7, y sỹ Lê Ngọc Tuyên, cán bộ Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc lại hăng hái nhận nhiệm vụ cùng đoàn của tỉnh chi viện cho thành phố Hồ Chí Minh. 28 ngày qua, y sỹ Tuyên cùng các đồng nghiệp luôn phải làm việc hết sức, có những ngày làm việc tới 10 tiếng với quyết tâm cao nhất giành giật lại sự sống cho bệnh nhân. 

Không bận tâm ngày về

Tất cả anh em trong Đoàn Tuyên Quang đều có chung nguyện vọng là được góp sức với lực lượng tuyến đầu đẩy lùi dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh. Kỹ thuật viên Nguyễn Đức Toàn, công tác tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen chia sẻ, qua các phương tiện thông tin đại chúng thấy được đồng nghiệp trong thành phố Hồ Chí Minh đang rất vất vả chiến đấu với dịch bệnh để truy vết, sàng lọc, xét nghiệm, điều trị cho người dân đã thôi thúc, cho anh ý chí, niềm tin để xung phong lên đường đi vào tâm dịch.


Các thầy thuốc Tuyên Quang đang hỗ trợ tại thành phố Hồ Chí Minh được lấy mẫu xét nghiệm hàng tuần.

Ngay những ngày đầu đến tâm dịch, do không quen thời tiết, khí hậu lại phải làm việc với cường độ cao nên có cán bộ không chịu nổi có lúc đã lả đi. Điều dưỡng Hoàng Thị Minh Thương, cán bộ Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh tâm sự: Những ngày đầu làm việc tại Bệnh viện dã chiến số 10, phải mặc bộ đồ bảo hộ trong thời gian dài, cường độ công việc lớn, nên lúc nào mồ hôi cũng đổ xuống như tắm, quần áo ướt sũng, mắt cay xè cũng chẳng dám đưa tay lên lau, thậm chí lúc đầu mới mặc bộ bảo hộ chị còn bị dị ứng, luôn ngứa, khó chịu. Thế nhưng, điều chị quan tâm nhất và luôn đặt lên hàng đầu lúc này vẫn là sức khoẻ và tính mạng của bệnh nhân. Vì ở đây, các bệnh nhân không có người thân chăm sóc trong cả một thời gian dài, người bệnh thường buồn chán, bất an nên công việc của chị không chỉ là điều trị cho bệnh nhân mà còn là "bác sỹ tinh thần" khích lệ bệnh nhân tích cực phối hợp điều trị.

Trước khi vào ca trực, anh em lại động viên nhau làm tốt công tác bảo hộ, cố gắng giữ an toàn cho bản thân để tiếp tục “đánh giặc”. Khi thấy bạn trực cùng đuối sức thì sẵn sàng làm thay nhiệm vụ. Tất cả cùng vui khi sức khoẻ bệnh nhân có tiến triển tốt, buồn khi có ca chuyển biến xấu, rồi ngồi cùng nhau xem xét lại toàn bộ quy trình chăm sóc để rút kinh nghiệm… Với anh, những ngày được công tác ở đây sẽ là những kỷ niệm không thể nào quên- điều dưỡng Nguyễn Tiến Hiển, Bệnh viện Suối khoáng Mỹ Lâm tâm sự.


Phút nghỉ ngơi hiếm hoi.

Đến thời điểm này,  35 chiến sỹ áo trắng lên đường hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh trong đợt đầu vẫn an toàn, không có trường hợp nào nhiễm Covid-19. Tiếp sau họ, đã có nhiều người con Tuyên Quang đang học tập và làm việc ở các lĩnh vực khác nhau đã tình nguyện lên đường chi viện miền Nam, chung tay chiến thắng dịch Covid-19. 

Dù trên tờ giấy điều động công tác đều bỏ trống thông tin ngày về nhưng không một ai trong số 35 chiến sỹ áo trắng của Tuyên Quang đang ở giữa tâm dịch thành phố Hồ Chí Minh bận lòng vì điều đó. Bởi khi cầm bút viết đơn cho đến ngày lên đường, họ đã tự hứa và đều quyết tâm “chung tay lấy lại sự bình yên cho người dân nơi đây mới trở về”.

Ghi chép: Minh Hoa

Tin cùng chuyên mục