“Sỹ cầu”
Đồng chí Quan Văn Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Thổ Bình (Lâm Bình) được mọi người gọi bằng cái tên thân thương “Sỹ cầu”. 10 năm qua, anh đã âm thầm vận động nguồn lực, xây dựng 23 cây cầu dân sinh, giúp người dân đi lại thuận tiện hơn, nhất là trong mùa mưa lũ.
Năm 2006, ngay từ khi còn là Bí thư Chi đoàn thôn Bản Thàng, xã Phúc Yên, anh đã lãnh đạo phát triển quỹ chi đoàn luôn duy trì ở mức trên 50 triệu đồng. Anh Sỹ kể, để có kinh phí, anh đứng ra nhận các công việc và chia cho đoàn viên, thanh niên cùng làm. Ngày đó, mỗi công lao động được trả khoảng 40 nghìn đồng, đoàn viên, thanh niên sẽ nộp lại vào quỹ đoàn 10 nghìn đồng. Nhờ đó, chi đoàn anh cũng đã tổ chức được nhiều các hoạt động như thi hội trại, văn nghệ, thể thao phục vụ bà con. Anh còn muốn làm gì đó để tạo được dấu ấn và góp sức trẻ vào việc thay đổi đời sống cho người dân.
Thời điểm năm 2012, tỉnh tập trung thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Anh Sỹ đã quyết định chuyển sang xây dựng cầu để góp phần hoàn thành mục tiêu Nghị quyết đề ra và giữ được hình ảnh của đoàn thanh niên lâu hơn trong lòng nhân dân.
Đồng chí Quan Văn Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Thổ Bình (Lâm Bình) hướng dẫn người dân xã Thổ Bình chăm sóc lạc.
Năm 2012, cây cầu đầu tiên được thi công tại thôn Phiêng Mơ, xã Phúc Yên. Để tiết kiệm chi phí, anh đã tự mày mò, lên bản vẽ và thi công. Cây cầu gỗ được hoàn thiện với 2 nhịp, dài 14 m, rộng 2 m, chi phí mua vật liệu khoảng hơn 10 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa, còn lại ngày công là do đoàn viên, thanh niên và nhân dân cùng làm. Ngay sau đó, anh đã huy động làm nhà 3 gian bằng gỗ cho trẻ 5 tuổi có điểm trường để theo học. Nhờ đó mà xã Phúc Yên đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Trong hành trình xây dựng những cây cầu dân sinh qua suối, cây cầu tại thôn Bản Bon (Phúc Yên) có lẽ là cây cầu anh khó quên nhất. Bởi ban đầu, cây cầu này được anh Sỹ xin từ việc huy động nguồn xã hội hóa với tổng kinh phí dự toán 30 triệu đồng. Khi gửi thư ngỏ để xin hỗ trợ, hầu hết các đơn vị, doanh nghiệp đều nhận lời. Tuy nhiên, đến khi quyết toán thì một số công ty làm ăn không được suôn sẻ đã không hỗ trợ theo như đã hứa. Lúc đó vào dịp cuối năm, tiền xây dựng cầu còn âm 9 triệu đồng. Ngay sau khi được nhận 2 tháng lương tết, anh đã mang đi thanh toán số tiền còn thiếu. Anh chia sẻ, đó là cái tết đáng nhớ nhất của anh, không có tiền tiêu tết nhưng anh vẫn cảm thấy vui vì đã đem lại được niềm vui cho bà con.
Năm 2015, anh Sỹ được điều chuyển giữ chức vụ Phó Bí thư Huyện đoàn. Ngay sau khi nhận công tác, anh đã huy động xây dựng điểm trường bán trú cho học sinh học tại trường THCS Hồng Quang, xã Hồng Quang, hỗ trợ làm nhà cho bà Đặng Thị Hồi, thôn Thẳm Hon, xã Hồng Quang và tập trung xây dựng cầu dân sinh, công trình thắp sáng đường quê tại các xã Lăng Can, Khuôn Hà là các xã phấn đấu về đích nông thôn mới của huyện. Tại xã Khuôn Hà, anh đã huy động thực hiện xây dựng 4 cây cầu và 1 công trình Thắp sáng đường quê, các đoạn đường bê tông nông thôn với tổng kinh phí trên 340 triệu đồng. Các công trình đã góp phần giúp xã Khuôn Hà đạt các tiêu chí và về đích nông thôn mới năm 2017.
Đồng chí Quan Văn Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Thổ Bình (Lâm Bình) cùng người dân tham gia xây dựng cầu tại thôn Vằng Áng.
Vì dân…
Được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng khi mới 21 tuổi, anh luôn xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình và luôn tiên phong trong mọi công việc. Mỗi cây cầu, mỗi công trình, anh Sỹ đều làm bằng tình cảm chân thành nhất của mình đối với người dân. Anh luôn tâm niệm, đã làm vì dân thì khó khăn, vất vả nào cũng vượt qua được.năm 2019, anh được phân công giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy xã Thổ Bình. Tháng 6-2020, anh được bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Thổ Bình. Là bí thư Đảng ủy không phải người địa phương, anh đã dành thời gian nắm bắt tâm tư, tình cảm của từng cán bộ để có những định hướng cụ thể giúp họ thực hiện công việc một cách tốt nhất. Xã Thổ Bình được lựa chọn là xã về đích nông thôn mới năm 2021. Hiện nay, xã đã hoàn thành 17 tiêu chí, đang nỗ lực hoàn thành 2 tiêu chí thu nhập và hộ nghèo.
Phát huy tinh thần “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, tại mỗi kỳ sinh hoạt cấp ủy, chi bộ anh Sỹ đã cùng các đảng viên xuống với nhân dân thực hiện các hoạt động như vệ sinh đường làng ngõ xóm, tuyên truyền về phòng chống rác thải nhựa. Mỗi đảng viên cũng tự tìm hiểu những thông tin về phát triển kinh tế để hướng dẫn, định hướng cho người dân. Sau những lần cùng dân như vậy, mối quan hệ giữa đảng viên và nhân dân ngày càng gắn bó, từ đó, phát huy được nội lực trong dân.
Ở Thổ Bình, anh Sỹ lại một lần nữa khẳng định cái duyên của mình đối với những cây cầu dân sinh. Từ khi về nhận công tác tại xã đến nay, anh đã vận động nguồn lực thực hiện 5 cây cầu dân sinh qua suối. Tôi vẫn còn nhớ như in buổi hẹn gặp anh ở cơ sở, hơn 11h trưa, dưới cái nắng hè oi ả, anh đang cùng người dân trong thôn miệt mài với công việc xây dựng cầu tại thôn Vằng Áng. Bên cạnh là bánh mỳ, nước lọc đã được chuẩn bị sẵn cho bữa trưa. Đồng chí Ma Văn Chiều, Bí thư Chi bộ thôn Vằng Áng cho biết, trong mọi công việc, anh đều trực tiếp tham gia cùng bà con, từ việc xây dựng cầu, tìm kiếm và định hướng phát triển du lịch, thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới…
Đối với anh Sỹ, mỗi một cây cầu được xây dựng, mỗi một công trình được hoàn thành là sự khởi đầu cho tương lai. Và ở tương lai ấy, anh còn có niềm tin của nhân dân…
Gửi phản hồi
In bài viết