Nghề chè xoay xở vượt khó

-Dịch bệnh Covid-19 đã làm đảo lộn tất cả mọi ngành nghề, những người làm chè cũng không nằm ngoài ảnh hưởng. Nhọc nhằn giữ nghề, người làm chè vẫn không nguôi hy vọng, “cơn bão” này sẽ sớm đi qua.

Thăng trầm giữ cây chè

Thời điểm này đang là thời gian thu hoạch rộ chè vụ hè thu. Nhưng trên nhiều đồi chè, vắng bóng người thu hái. 4 sào chè Bát Tiên 6 - 7 năm tuổi của gia đình chị Đỗ Thị Kiều Hưng, thôn Bình Ca 2, xã Tứ Quận (Yên Sơn) lẽ ra đã phải thu hái từ hơn một tuần trước. Nhìn những búp chè mơn mởn dài đã gần cả gang tay, chị Hưng cười buồn, giờ giá thu mua chè búp tươi của các doanh nghiệp trên địa bàn chỉ vào khoảng 25 - 27 nghìn đồng/yến, trong khi thời điểm cao điểm cũng phải được đến hơn 37 nghìn đồng. Giờ, các doanh nghiệp cũng dừng thu mua rồi, bỏ đi thì tiếc công mình chăm sóc, chị cố chăm chút cho vườn, hy vọng năm tới tình hình dịch bệnh được kiểm soát giá cả sẽ ổn định. Gia đình chị Hưng cũng đã đầu tư một xưởng xao chè nhỏ nhưng vì không có đầu ra nên lửa lò cũng đã tắt suốt nhiều tháng nay.


 Vườn chè của gia đình chị Đỗ Thị Kiều Hưng, thôn Bình Ca 2, xã Tứ Quận (Yên Sơn) không có người thu mua.

Trưởng thôn Bình Ca 2 Phạm Văn Hanh bảo, Bình Ca 2 vốn là đất chè, nhưng qua từng năm, diện tích chè không ngừng giảm. Đợt dịch vừa rồi khiến việc mua bán, tiêu thụ chè búp tươi trên địa bàn giảm sút đã khiến nhiều người chuyển đổi diện tích đang trồng chè sang trồng các loại cây trồng khác như cây ăn quả, keo… Qua rà soát, cuối năm 2020 diện tích chè ở Bình Ca 2 là gần 40 ha, thì đến giữa tháng 6 vừa qua, thôn rà soát lại chỉ còn khoảng 20 ha.

Cây chè vốn là cây thế mạnh của xã Tứ Quận. Phó Chủ tịch UBND xã Hán Quang Thái chia sẻ, dịch bệnh Covid-19 đã khiến cuộc sống của người làm chè thêm khó. Nếu như 3 đợt dịch trước, 3 hợp tác xã sản xuất chè trên địa bàn là Hợp tác xã chè Quang Minh, Hợp tác xã Quang Khánh, Công ty TNHH MTV Bảo Phát vẫn hoạt động cầm chừng nhờ các đơn hàng chế biến thô cho các công ty xuất khẩu chè trong và ngoài tỉnh, thì đợt dịch lần này khiến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp này “đóng băng” hẳn.

Sau nhiều thăng trầm, diện tích chè ở Tứ Quận đã giảm từ hơn 500 ha xuống chỉ còn hơn 100 ha, rải rác ở các thôn trên địa bàn xã. Tứ Quận đang cố gắng duy trì diện tích này, nhưng với những tác động do dịch bệnh và thị trường, xã cũng không biết có thể duy trì diện tích này đến thời điểm nào, khi một số hộ gia đình mặc dù chưa phá bỏ diện tích cây chè nhưng cũng đã xen canh cây ăn quả, cây lâm nghiệp để nghe ngóng. Phó Chủ tịch UBND xã Hán Quang Thái cho biết, xã cũng đang đề xuất với huyện có cơ chế hỗ trợ những người trồng chè trên địa bàn, để giảm bớt khó khăn cho bà con.

Đồng hành vượt khó

Người trồng chè gặp khó, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất cũng đang tìm mọi cách để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp lớn như Công ty cổ phần chè Sông Lô, Tân Trào, Mỹ Lâm hiện nay vẫn đang còn tồn hàng nghìn tấn chè thành phẩm chưa tiêu thụ được; thị trường nội địa sức tiêu thụ cũng chậm.

Ông Ngô Đức Tú, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chè Sông Lô cho biết, giá cước vận tải biển hiện tăng gấp 4, 5 lần so với trước đây. Đơn cử như các đơn hàng sang Nga và các nước Châu Âu, giá mỗi công-ten-nơ chở hàng của doanh nghiệp tăng từ 3.000 USD lên hơn 10.500 USD, khiến việc tiêu thụ sản phẩm cho cả doanh nghiệp bán và doanh nghiệp thu mua gặp nhiều khó khăn.
 

Chè khô của Hợp tác xã Chè Tân Thái 168 được chia thành từng khu vực tùy theo thời gian hoàn thành
để xuất bán, không ảnh hưởng đến chất lượng chè.

Phó Giám đốc Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm Trần Quốc Văn cho biết, ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường xuất khẩu chè trước đây như Châu Âu, Mỹ, Anh... chưa thể thông quan trở lại, hiện công ty còn khoảng 80 tấn chè khô đang tồn kho, chưa thể xuất bán. Nếu tồn kho lâu sẽ ảnh hưởng tới mẫu mã và chất lượng chè. Do vậy, để đảm bảo chất lượng chè, các khâu sản xuất, đóng gói phải làm kỹ hơn. Điều này đồng nghĩa với việc thời gian sản xuất kéo dài hơn khiến các chi phí gia tăng, trong khi sản phẩm chè thời điểm hiện tại công ty đang xuất bán với giá 3.700 - 4.000 đồng/kg (thấp hơn năm trước 10 - 20%).  

Khó khăn là vậy, nhưng các doanh nghiệp vẫn thu mua chè tươi cho người trồng, cho người dân ứng tiền trước để mua vật tư, phân bón tái chăm sóc cây chè cho vụ thu hoạch sau.

Bằng thời gian này những năm trước, chè khô trong xưởng sản xuất của Hợp tác xã chè Tân Thái 168, xã Tân Thành (Hàm Yên) luôn có khoảng 150 - 160 tấn, để sẵn sàng đáp ứng sức mua của thị trường dịp cuối năm. Thế nhưng, dịch bệnh đã khiến kế hoạch sản xuất kinh doanh của Giám đốc Bàn Văn Dương thay đổi hoàn toàn. Hiện, ông Dương chỉ cho duy trì 1 xưởng sản xuất, xưởng còn lại “đắp chiếu”. Chè búp tươi cũng thu mua cầm chừng mỗi tháng khoảng 20 tấn thay vì 40 - 50 tấn như trước đây. Thị trường của Hợp tác xã chè Tân Thái 168 chủ yếu là các tỉnh miền Trung. Trước đây, sản phẩm chè khô sẽ được tập kết tại một cơ sở ở Quảng Bình, sau đó chuyển đi các tỉnh. Nhưng giờ dịch bệnh phức tạp, hợp tác xã cũng chỉ vận chuyển được sản phẩm vào đến Quảng Bình. Lượng chè khô hiện chỉ duy trì 2 - 3 tấn/tháng, thay vì chục tấn như trước dịch.

Người dân xã Nhữ Khê (Yên Sơn) thu hái chè búp tươi.

Hợp tác xã liên kết với 30 hộ trồng chè và bao tiêu chè búp tươi cho khoảng 50 hộ gia đình quanh vùng. Nhưng thời điểm này, đơn vị chỉ có thể thu mua chè búp tươi cho 30 hộ đã có hợp đồng liên kết để giữ diện tích ổn định. Bà Phạm Thị Bốn, thôn 1 Tân Yên có 0,5 ha liên kết với Hợp tác xã chè Tân Thái 168. Chia sẻ với hợp tác xã thời điểm dịch bệnh, bà cũng như nhiều hộ gia đình đã ký hợp đồng đồng thuận giảm tiền thu mua chè búp tươi từ 12 nghìn đồng/kg xuống còn 11 nghìn đồng/kg. Bà Bốn cho biết, thời điểm này vẫn có thu nhập từ chè đã là may mắn rồi.

Giám đốc Hợp tác xã Chè Tân Thái 168 Bàn Văn Dương chia sẻ, với suy nghĩ khó khăn này chỉ là tạm thời, nên hợp tác xã vẫn cố gắng duy trì sản xuất, giữ vùng nguyên liệu. Đối với các hộ đã ký hợp đồng, hợp tác xã vẫn thực hiện việc hỗ trợ phân bón theo hình thức trả chậm, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc… để cùng chia sẻ khó khăn với bà con.

Dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, để loại cây trồng chủ lực này phát triển bền vững, tránh tình trạng trồng rồi chặt bỏ, thì việc đa dạng hóa sản phẩm, chủ động tìm kiếm các thị trường mới đang được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã nỗ lực thực hiện. Chia sẻ, đồng hành, những người làm nghề chè đang xoay xở để cùng nhau vượt khó.

Ghi chép: Hải Lâm

Tin cùng chuyên mục