“Nốt lặng” mùa dịch
Vừa ngả lưng, chưa kịp chợp mắt, anh Nguyễn Thế Việt, lái xe Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhận được lệnh lên đường chở F0 về khu điều trị bệnh nhân Covid-19. Ngay lập tức, tài xế Việt lập tức ra xe thực hiện phun khử khuẩn, kiểm tra các thông số kỹ thuật, mặc quần áo bảo hộ rồi cùng cán bộ y tế lên đường. Đối với các tài xế như anh Việt, những thao tác kỹ thuật được thực hiện nhanh gọn, dứt khoát, chỉ trong 5 phút chiếc xe lao vút trong đêm, tỏa đi khắp các địa bàn, nơi có những trường hợp F0, F1 cần được chở đi điều trị hoặc cách ly.
Gần 20 năm làm nghề lái xe cứu thương, lần đầu tiên anh phải chạy, chở nhiều chuyến bệnh nhân trong mỗi ngày như thế. Với anh, những vất vả đó không là gì so với hoàn cảnh các cụ ông, cụ bà thuộc đối tượng F1, F0 ở tuổi 70 hay các em nhỏ một mình đi khu cách ly tập trung, vào điều trị tại Bệnh viện Dã chiến. “Chứng kiến những người lớn tuổi tay xách, nách mang đồ đạc đi cách ly, điều trị hay những em nhỏ với khuôn mặt sợ sệt, lo âu mặc đồ bảo hộ lên xe không người thân đi cùng tôi thấy nghẹn lòng. Những khi đó, cũng chỉ biết an ủi, đùa vui mấy câu cho họ an lòng”.
Anh Việt còn nhớ như in khi đi đón một cháu bé F0 ở Lâm Bình đi điều trị, trong khi những người thân của cháu (là F1) đi cách ly tập trung. “Hình ảnh cháu bé 7 tuổi, ngơ ngác còn chưa biết mình đi đâu, trước khi lên xe bố mẹ vẫn với theo dặn dò con vào đó phải ngoan, nghe lời người lớn để nhanh về với gia đình khiến anh và các cán bộ y tế không kìm nổi lòng mình. Được biết, anh Nguyễn Thế Việt được điều động lên hỗ trợ Lâm Bình chống dịch từ ngày 15-11, trước đó khi trên địa bàn xuất hiện các ca bệnh ở các địa phương, anh cũng đã có nhiều chuyến chở các bệnh nhân F0 đi điều trị và chở các đoàn cán bộ y, bác sỹ đi truy vết, lấy mẫu, tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Tổ vận chuyển, chuyển bệnh nhân đến điều trị tại Bệnh viện Dã chiến huyện Lâm Bình.
Cũng như anh Việt, anh Lê Mạnh Dũng, cán bộ Bệnh viện Suối khoáng Mỹ Lâm cũng nhận nhiệm vụ lên đường hỗ trợ huyện Lâm Bình chống dịch. Anh Dũng cho biết, vợ anh cũng công tác trong lĩnh vực y tế nên vợ chồng anh vẫn thường nói với nhau, nhiệm vụ quan trọng nhất là bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Từ khi xuất hiện các ca mắc Covid-19 tại các địa phương trên địa bàn tỉnh anh đều tham gia chống dịch. Mặc dù 2 con còn nhỏ (1 cháu 8 tuổi, 1 cháu 15 tháng tuổi), 2 cháu nhà anh gần như đều nhờ ông bà chăm sóc.
Anh Dũng cũng chia sẻ, khi dịch Covid-19 bùng phát tại huyện Lâm Bình, hầu như ngày nào anh cũng phải làm việc xuyên ngày đêm để chuyển các F0 đi điều trị và các trường hợp liên quan bệnh nhân đi cách ly và đón các bệnh nhân khỏi bệnh và công dân hoàn thành cách ly trở về. Có hôm chở bệnh nhân về, dọc đường bị hỏng xe, anh em lại thành “thợ sửa chữa”, sửa được xe về đến phòng cũng đã gần 2 giờ sáng.
Đã hơn 1 tháng nay, anh chưa được về với gia đình nhỏ. Nhiều hôm muốn gọi về gặp con nhưng giờ giấc nghỉ ngơi không trùng nhau, khi 1-2 giờ sáng anh mới gác lại công việc của một ngày. Anh bảo, mình gác lại hết, tự động viên mình còn người là còn có ngày mai.
Niềm vui bình lặng
Sau nhiều lần hẹn, cuộc hẹn của phóng viên với điều dưỡng Nguyễn Văn Tính, cán bộ Trung tâm Y tế huyện Lâm Bình được hẹn nhanh ngay trong Bệnh viện dã chiến Lâm Bình. Anh Tính nói: Từ khi phát hiện những ca bệnh đầu tiên trên địa bàn huyện Lâm Bình, anh được lãnh đạo đơn vị phân công nhiệm vụ đi cùng xe chuyển các F0, F1 về khu điều trị, cách ly và khi các trường hợp khỏi bệnh, hết thời gian cách ly về nhà. Hơn 1 tháng nay, bữa cơm, giấc ngủ không theo giờ đã trở nên quen thuộc đối với điều dưỡng Tính. Bất kể giờ nào cứ nhận lệnh là lên đường, có ngày chuyển đến 15 chuyến, có bệnh nhân cách trung tâm 40 km, phải mất gần 2 giờ đồng hồ mới tới nơi, vừa đưa bệnh nhân này đến khu điều trị thì lại nhận được lệnh đến đúng điểm đó đón thêm 1 trường hợp F0 vừa mới phát hiện.
“Những giai đoạn cao điểm, chúng tôi làm việc từ sáng sớm đến 2, 3 giờ sáng hôm sau. Có những ngày, chạy liên tục không có thời gian để ăn trưa khi số lượng F0 tăng” - Điều dưỡng Tính nói.
Trong cuộc chiến chống Covid-19, mỗi chiến sỹ tham gia vào tuyến đầu chống dịch cũng đều mong muốn sớm đẩy lùi dịch bệnh để người dân trên địa bàn huyện Lâm Bình trở về cuộc sống yên bình như trước đây. Và niềm vui khi dịch đang được khống chế, số lượng bệnh nhân được ra viện ngày càng nhiều, được thể hiện ngay trên khuôn mặt những chiến sỹ trực tiếp tham gia chống dịch tại Lâm Bình.
Tổ vận chuyển, chuyển bệnh nhân đến điều trị tại Bệnh viện Dã chiến huyện Lâm Bình.
Y sỹ Ma Ngọc Hoàng, cán bộ Trung tâm Y tế huyện Lâm Bình tâm sự: Anh đã từng tình nguyện lên đường hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh chống dịch, trong đó dịch khốc liệt hơn ở đây rất nhiều, nhưng giờ làm việc của các thành viên trong đoàn nhiều cũng chỉ 10 giờ/ngày, cố định thời gian làm việc và có thời gian nghỉ ngơi. Nhưng ở đây, với tính chất công việc, mỗi ngày anh cùng các thành viên trong tổ vận chuyển các trường hợp F0, F1 làm việc ít nhất cũng phải 12h có hôm còn làm việc 20 giờ/ngày. Nhưng anh em trong tổ vẫn hăng hái “xông pha” khi có lệnh.
“10 ngày qua, ngày nào chúng tôi cũng chuyển mấy chuyến các bệnh nhân đã điều trị khỏi bệnh được về nhà. Nhưng tôi nhớ nhất là chuyến chúng tôi chuyển 6 người cùng thôn Khau Cau, xã Phúc Yên. Nhìn mọi người lên xe để về gia đình ai cũng hớn hở, tràn đầy niềm vui, hạnh phúc, khi về đến thôn người dân trong thôn đứng trong nhà vẫy tay chào nhau, hỏi thăm nhau. Nhiều người dân chào, cảm ơn những chiến sỹ mặc áo bảo hộ, lúc này bao nhiêu mệt nhọc trước đó cũng tan biến” - y sỹ Ma Ngọc Hoàng nói.
Đây không chỉ là niềm vui điều dưỡng Hoàng mà còn là tin vui của mọi người khi ngày càng nhiều những ca mắc Covid-19 được chữa khỏi bệnh, xuất viện. Nhiều tài xế, cán bộ y tế cho biết, khi các anh chở các bệnh nhân đã điều trị khỏi hoặc những F1 đã hoàn thành cách ly tập trung về lại địa phương, nhìn gia đình họ đến đón, ôm nhau khóc, các anh cũng không kìm được nước mắt hạnh phúc.
Khó khăn vất vả là thế, nhưng mỗi thành viên trong tổ vận chuyển luôn vững vàng, lạc quan bởi họ luôn tâm niệm, mình vẫn còn may mắn vì còn sức khỏe để đi làm, nhận được hỗ trợ rất tích cực từ cộng đồng; sự hợp tác, chia sẻ, động viên của nhiều gia đình F1, bệnh nhân. Dịch bệnh, sẽ chưa thể hết trong ngày một ngày hai, nhưng không riêng với những người trong tổ vận chuyển, mà với tất cả lực lượng tuyến đầu, cuộc sống bình thường mới rồi sẽ đến, để các anh các chị sớm được trở về, ăn bữa cơm nóng ấm cùng gia đình.
Gửi phản hồi
In bài viết