Thời gian qua, tỉnh ta đã và đang tích cực triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06). Nằm trong nhóm tiện ích phục vụ phát triển công dân số, tài khoản định danh điện tử là tiện ích cần thiết bởi khác với căn cước công dân (CCCD), tài khoản định danh điện tử (ĐDĐT) sẽ được xác thực thông tin trên môi trường điện tử.
Cán bộ xã Đức Ninh (Hàm Yên) hỗ trợ người dân cài đặt tài khoản định danh điện tử trên điện thoại thông minh.
Theo lộ trình, các thông tin về y tế, giấy phép lái xe, thẻ tín dụng, an sinh xã hội… với hơn 30 loại giấy tờ sẽ được tích hợp để thực hiện các yêu cầu đa dạng của người dân trên tất cả lĩnh vực. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 717.695/729.860 người được cấp CCCD/ĐDĐT, đạt tỷ lệ 98,33%; thu nhận 734.822 hồ sơ cấp CCCD gắn chip điện tử; kích hoạt thành công 415.511 tài khoản ĐDĐT mức 1 và mức 2.
Đặc biệt, trong xã hội số đã tăng tính tương tác giữa công dân số với chính quyền số, đáp ứng nhu cầu về giải quyết các thủ tục hành chính nhanh hơn, thuận tiện hơn, minh bạch và hiệu quả hơn. Hiện nay, Tuyên Quang cung cấp 1.823 dịch vụ hành chính công trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, số dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình là 1.120 dịch vụ, đạt 61,4%; DVCTT một phần là 703 dịch vụ, đạt 38,6%. Từ đầu năm đến nay, đã tiếp nhận 122.757 hồ sơ trực tuyến ở các DVCTT mức độ 3, 4.
Anh Lương Văn Tiến, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) cho biết, anh ra UBND xã để giải quyết giấy tờ về đất đai, được cán bộ xã hướng dẫn tạo tài khoản và cách sử dụng dịch vụ công trực tuyến giải quyết các hồ sơ về đất đai và giấy tờ liên quan. Anh thấy dễ tiếp cận và thuận tiện, không mất nhiều thời gian như trước đây.
Cán bộ xã Hùng Lợi (Yên Sơn) hướng dẫn người dân lập tài khoản sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Tại huyện Hàm Yên, để giúp người dân tiếp cận thông tin, sử dụng thành thạo các ứng dụng số, UBND huyện phối hợp với Viettel Tuyên Quang triển khai mô hình chợ 4.0, Chợ thanh toán không sử dụng tiền mặt. Chị Nguyễn Thị Hường, tổ nhân dân Cống Đôi, thị trấn Tân Yên chia sẻ, thời gian gần đây, khi đi chợ mua hàng hóa, chị thường thanh toán không dùng tiền mặt. Tại những cửa hàng buôn bán rau, thịt, quần áo, tạp hóa đều đã dùng mã quét QR Code để thanh toán.
Vì vậy, khi đi chợ chị chỉ mang theo ít tiền mặt, đa số là chuyển khoản. Ngoài ra, nhờ các tiện ích của công nghệ số, chị còn thanh toán các hóa đơn dịch vụ thiết yếu hằng ngày như tiền điện, tiền nước, mua sắm. Phương thức thanh toán này không khó, chỉ cần điện thoại được kết nối wifi, mạng 3G, 4G.
Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao Việt Bắc, phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) đã chủ động học hỏi, tiếp cận sử dụng mạng xã hội Zalo, Facebook, TikTok cũng như tham gia các sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm của HTX như tinh dầu chanh, nước cốt chanh, nước rửa bát, nước giặt.
Các HTX, tổ hợp tác sử dụng mạng xã hội để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Trong ảnh: Một buổi thực hành kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số do Trung tâm Xúc tiến đầu tư tổ chức.
Anh Khổng Văn Nam, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, từ khi được hướng dẫn đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, HTX mở rộng thị trường, thêm cơ hội giới thiệu sản phẩm của HTX tới người tiêu dùng trên khắp mọi miền. Doanh thu của HTX tăng khoảng 50% so với trước đây.
Toàn tỉnh hiện có 75% tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh; 55% hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng; 84% dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác.
Xã hội đang chuyển mình mạnh mẽ trên môi trường số, dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng nhiều công dân số Tuyên Quang đã và đang chủ động ứng dụng rộng rãi trong thực hiện các thủ tục hành chính, phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Gửi phản hồi
In bài viết