Những gương sáng trong cuộc chiến

Vượt khó nơi tuyến đầu

Chị Hà Thị Quyên, cán bộ Khoa Xét nghiệm, Chẩn đoán hình ảnh, Thăm dò chức năng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là người 2 lần trực tiếp lấy mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân 4191 - ca bệnh dương tính với Covid-19 đầu tiên được phát hiện tại tỉnh.

Chị chia sẻ, ngày hôm ấy, khi đang làm việc tại cơ quan thì chị nhận được nhiệm vụ đến thôn Hợp Long 1, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) để lấy mẫu xét nghiệm. Giống như các đợt bùng phát dịch bệnh trước đó, mỗi khi nhận được tin báo, dù ngày hay đêm, chị lại gấp rút chuẩn bị lên đường. Từ cảm giác hồi hộp, lo lắng, chị đã tự trấn an bản thân, chuẩn bị đầy đủ đồ bảo hộ, lắng nghe mệnh lệnh trái tim để hoàn thành nhiệm vụ. Đến nay, chị không còn nhớ nổi đã tham gia lấy mẫu xét nghiệm cho bao nhiêu trường hợp, chỉ biết mỗi lần đi, là một lần hy sinh và cống hiến hết mình. Đối với những cán bộ y tế dự phòng như chị, niềm vui bên gia đình hay những phút giây hạnh phúc khi chăm sóc con nhỏ là điều xa xỉ. Có những lúc cao điểm, 2 - 3 ngày chị mới có thể về nhà nhưng để đảm bảo an toàn, chị không tiếp xúc gần với con, chỉ đứng nhìn con từ xa với nỗi nhớ thường trực trong lòng...

Trong cuộc chiến phòng dịch Covid-19, giống như nhiều đồng nghiệp của mình, chị Quyên đã nỗ lực vượt khó, kể cả những điều kiện khắc nghiệt như nắng nóng, mưa dông, đêm tối và đối mặt với cả nguy cơ bị nhiễm bệnh để hoàn thành nhiệm vụ. Sự cống hiến ấy đã góp phần quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của nhân dân.

Thùy Lê

Nữ “chiến binh” thầm lặng

3 giờ sáng, phòng làm việc của Tổ truy vết Covid-19, Công an huyện Chiêm Hóa còn sáng đèn. Đại úy Bàn Thị Viện, Phó Đội trưởng Đội An ninh cùng đồng đội vẫn đang tất bật với công việc truy vết đối tượng liên quan Covid-19. Chị Viện được ví như một nữ  “chiến binh” thầm lặng truy vết F.   

Là Tổ trưởng Tổ truy vết Covid-19, nhiệm vụ của chị Viện là tập hợp, phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong tổ, công an các xã, thị trấn, lực lượng y tế địa phương rà soát, nắm bắt, phân loại, khoanh vùng có đối tượng liên quan đến các vùng dịch; xác minh, truy vết các trường hợp có nguy cơ nhiễm bệnh Covid-19 (F1, F2, F3).

Chiều 16-5, trên địa bàn huyện ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên là ca bệnh H.T.L tại xã Yên Nguyên. Với tinh thần khẩn trương, thần tốc, Tổ truy vết F làm việc không kể ngày đêm. Trong vòng một thời gian rất ngắn, các thành viên trong tổ phải truy vết hàng nghìn đối tượng liên quan. Hay đợt cao điểm 30-4 trước đó, trên địa bàn huyện có trường hợp liên quan các ổ dịch. Bên cạnh đó, tổ kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh, rà soát toàn bộ công dân ở các tỉnh thành về địa phương từ 30-4 trở lại đây, từ đó phân loại đối tượng, xác minh lịch trình, truy dịch tễ từng đối tượng. Tính đến 22-5, tổ đã tiến hành truy vết được 3.175 trường hợp có liên quan (F1, F2, F3); rà soát được hơn 3.000 công dân từ các vùng dịch trở về địa phương từ ngày 30-4 đến nay, trong đó có hơn 1.600 người có mặt tại địa phương. 

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, việc xác minh, truy vết luôn phải thực hiện nhanh chóng, nếu chậm trễ sẽ gây bùng phát dịch và mất kiểm soát trong cộng đồng. Bởi vậy, có những thời điểm chị và đồng đội phải thức trắng đêm làm việc. Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng vì sự bình yên của nhân dân chị sẽ luôn nỗ lực, cố gắng - chị Viện tâm sự.  

Bàn Thanh

Sẵn sàng nhận nhiệm vụ

Anh Nguyễn Văn Dương, lái xe Bệnh viện Phổi tỉnh là người trực tiếp đưa bệnh nhận F0 đầu tiên của tỉnh từ Yên Nguyên về Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương điều trị. Anh cũng là người đầu tiên xuất hiện nơi tuyến đầu vận chuyển các trường hợp F1 về nơi cách ly tập trung trên địa bàn thành phố và nhiều địa phương trong tỉnh.

Anh Dương tâm sự, lúc đầu nhận nhiệm vụ lên Yên Nguyên đưa bệnh nhân F0 đi điều trị, anh cũng rất băn khoăn, lo lắng, đó là điều khó tránh khỏi. Nhưng bằng mệnh lệnh trái tim của người lái xe cấp cứu bệnh nhân, anh vội vã lên đường. Anh bảo, nếu chần chừ, nguy cơ lây lan dịch bệnh từ bệnh nhân F0 là rất cao, do đó, anh cùng các điều dưỡng của bệnh viện lên đường ngay trong đêm. Khi đưa bệnh nhân về Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương ở Đông Anh (Hà Nội), anh thấy trong lòng nhẹ đi khi nguồn bệnh đã được xác định, nếu không đưa đi chữa trị kịp thời sẽ thực sự nguy hiểm cho cộng đồng. Khi về cách ly tại bệnh viện, trong lòng anh hụt hẫng vì nhớ gia đình, nhớ đứa con nhỏ gọi bố về đi mỗi ngày. Nén lại tình riêng, anh thực hiện cách ly nghiêm túc và sẵn sàng nhận nhiệm vụ đưa các trường hợp F1 đi cách ly tập trung. Anh không nhớ đã bao đêm lái xe đưa bệnh nhận F1 đi cách ly nữa, chỉ biết rằng, đó là nhiệm vụ, trọng trách với cộng đồng. Bởi, mỗi người nỗ lực chống dịch thì mới chiến thắng được Covid-19.

Giám đốc Bệnh viện Phổi Nguyễn Thu Hà cho biết, trong bất cứ hoàn cảnh nào, anh Dương cũng nhận nhiệm vụ một cách nhiệt huyết và đầy trách nhiệm, không quản ngại gian nan, nguy hiểm vì cuộc sống của người bệnh và cộng đồng. Tinh thần ấy đã lan tỏa trong toàn thể cán bộ, y bác sỹ bệnh viện, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi dịch bùng phát.

Phương Thùy

Tận tâm chống dịch Covid-19

Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hợp Hòa (Sơn Dương) Đặng Văn Dương không chỉ vận động nhân dân thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19 mà còn tham gia kêu gọi được nhiều tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm chung tay góp sức, hỗ trợ người dân trên địa bàn vượt qua khó khăn.

Từ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, anh Dương chủ động nắm bắt tình hình, lựa chọn nguồn thông tin chính thống để tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã còn ban hành kế hoạch thực hiện cuộc vận động “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng chống dịch Covid-19”. Anh Dương đã có thư ngỏ gửi những người con xa quê làm ăn khắp mọi miền đất nước hỗ trợ, ủng hộ những hộ nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong xã.

Kết quả, trong 2 tháng phát động, toàn xã đã vận động ủng hộ được trên 49 triệu đồng, đồng thời vận động được các mạnh thường quân, người dân xã Hợp Hòa làm ăn xa quê ủng hộ nhu yếu phẩm thiết yếu giá trị trên 107 triệu đồng cho hơn 300 hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; hộ khó khăn trên địa bàn xã. Hợp Hòa là xã duy nhất của huyện Sơn Dương thực hiện tuyên truyền, kêu gọi các mạnh thường quân thực hiện sáng kiến “Cây gạo ATM” để phát gạo miễn phí cho nhân dân với trên 6,7 tấn gạo.

Làm được nhiều việc cho người dân khó khăn trong xã nhưng chưa khi nào anh nhận đó là công của mình. Anh Dương chia sẻ: “Thật ra mình cũng chỉ biết cố gắng hết sức có thể thôi, chứ kết quả này mình không dám nhận là của riêng mình đâu! Đó là kết quả của cả cấp ủy, chính quyền và đặc biệt là sự đồng lòng, đoàn kết của nhân dân”.

Ngoài chăm lo cho người dân trong xã, anh Dương cùng với Ban thường vụ MTTQ xã vận động nhân dân đóng góp ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả sau bão lũ được trên 62 triệu đồng và nhiều nhu yếu phẩm khác.

Bên cạnh đó, anh Dương cùng với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền xã vận động anh Triệu Văn Duy, chủ vườn lan Hoàng Phát ủng hộ 170 triệu đồng và các thành viên trong hội lan của xã ủng hộ 23 triệu đồng cho Ủy ban MTTQ tỉnh phòng chống Covid-19 năm 2021.

Ghi nhận những nỗ lực của anh Dương, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tặng Bằng khen cho Ủy ban MTTQ xã Hợp Hòa vì có thành tích trong công tác phòng chống Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Trang Tâm

“Tuyệt đối không chủ quan”

Ông Phan Đức Sơn, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ phòng chống Covid-19 thôn 11, xã Tứ Quận (Yên Sơn) là 1 trong những cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương.

Ông Sơn bày tỏ, với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, thời gian qua, ông đã cùng với 8 thành viên của tổ tích cực bám sát khu dân cư và tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh vận động hộ dân thực hiện 5K. Đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27-4, thực hiện chỉ đạo của UBND xã về tăng cường rà soát, thống kê, phân loại, quản lý công dân ngoại tỉnh, công dân từ vùng dịch về địa phương. Thôn có trên 230 hộ, 800 nhân khẩu, địa bàn rộng song mỗi thành viên trong tổ đều nêu cao tinh thần, trách nhiệm tăng cường nắm chắc địa bàn. Qua đó, tổ đã yêu cầu 100% công dân ngoại tỉnh về địa phương khai báo y tế trung thực, phát hiện 2 trường hợp là F1 được đưa đi cách ly tại khu cách ly tập trung và 12 trường hợp F2 cách ly tại nhà. Nhận thuốc khử khuẩn của Trạm Y tế xã, ông Sơn trực tiếp đến từng hộ gia đình F1, F2 và các hộ xung quanh phun khử khuẩn. Bên cạnh đó, ông hướng dẫn F2 và người nhà các trường hợp F2 phải chấp hành nghiêm việc tự cách ly, những việc cần làm trong thời gian tự cách ly. Hiện nay, 100% F2 của thôn chấp hành nghiêm việc tự cách ly, tình hình sức khỏe ổn định.

Ông Sơn chia sẻ, phòng chống dịch Covid-19 là trách nhiệm không chỉ của riêng ai. Vì vậy, ông và các thành viên trong tổ càng phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, tuyệt đối không chủ quan, sao nhãng. Từ đó, góp công sức nhỏ bé cùng cả hệ thống chính trị phòng chống dịch.

Bích Hằng

Tin cùng chuyên mục