Ngày 6-3-1788, trung úy Philip Gidley King đã dẫn đầu một đoàn thuyền chở người gốc Anh đổ bộ lên đảo. Vì thế, ngày 6-3 là ngày lập đảo, giống như tết Độc lập đối với người dân Norfolk vậy. Con cháu dù có đi làm xa cũng cố gắng tìm về đảo thăm gia đình, họ hàng. Đây cũng là dịp dân chúng tổ chức các hoạt động ngoài trời như thi đấu thể thao, hòa nhạc. Thú vị nhất có lẽ là việc các diễn viên quần chúng ở Kingston đóng giả làm tổ tiên họ và tái hiện cảnh những chiếc thuyền cập bến Norfolk.
Ngày lễ Bounty (8-6) dành để tưởng nhớ con cháu các cựu thủy thủ tàu HMS Bounty đặt chân lên đảo. Vào năm 1789, thủy thủ tàu tuần dương HMS Bounty của Hải quân Hoàng gia Anh nổi loạn. Họ chiếm tàu rồi đổ bộ lên hai hòn đảo Tahiti và Pitcairn (ở Pitcairn vì thế cũng có ngày lễ Bounty, nhưng là vào ngày 23-1). Đến giữa thập niên 1850, con cháu của các thủy thủ trên đảo Pitcairn cầu xin Hoàng hậu Anh cho họ một nơi ở mới. Đó chính là đảo Norfolk.
Ngày Bounty đông vui không kém lễ lập đảo. Người dân tổ chức các hoạt động tập thể và những bữa tiệc ngoài trời. Ai cũng muốn tham gia lễ diễu hành từ bến cảng Kingston qua nghĩa trang đến tòa nhà của thống đốc đảo. Đây là tuyến đường ngày xưa dân di cư từ Pitcairn và an cư lập nghiệp trên đảo.
Đảo Norfolk cũng là một trong số ít những nơi ngoài nước Mỹ tổ chức lễ Tạ ơn do tổ tiên nhiều gia đình gốc Mỹ đã đến hòn đảo này từ xa xưa. Lễ Tạ ơn diễn ra vào ngày thứ tư, tuần thứ tư của tháng 11, trùng với dịp dân đảo tổ chức thu hoạch nông sản. Lễ Tạ ơn của Norfolk có nhiều điểm chung với lễ mừng cơm mới của một số đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Các gia đình tập trung xử lý, cất giữ nông sản, chọn những thứ tốt nhất để chế biến thành món ăn cho bữa tiệc.
Sau buổi lễ nhà thờ vào ngày Tạ ơn, dân đảo sẽ mở hội chợ để mua bán và đấu giá sản phẩm họ làm ra. Với họ, lợi nhuận chỉ là thứ yếu, quan trọng là mọi người được gặp nhau "tay bắt mặt mừng".
Gửi phản hồi
In bài viết