Nhà văn Trịnh Thanh Phong
Sinh năm Kỷ Sửu (1949), là người con của làng Thông, xã Trường Sinh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, Nhà văn Trịnh Thanh Phong, nguyên Chủ tịch Hội VHNT tỉnh được khán giả cả nước biết đến với “biệt danh” vừa thân thương, vừa bình dị Nhà văn “Ma làng”. Cuốn tiểu thuyết đã được nhà biên kịch, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần và nhà văn Phạm Ngọc Tiến chuyển thể thành kịch bản phim truyền hình cùng tên.
Năm 2005, tiểu thuyết “Ma làng” của ông được Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao giải B (không có giải A). Năm 2007, lên sóng giờ vàng kênh VTV1, bộ phim “Ma làng” đã gây được tiếng vang lớn, thành “hiện tượng” được khán giả háo hức chờ đón, mong đợi từng tập phim. Từng có 6 người chọn tiểu thuyết “Ma làng” làm đề tài luận văn cử nhân, thạc sĩ... Được đón nhận tình cảm của khán giả dành cho đứa con tinh thần của mình, ông vui lắm, niềm vui của người cầm bút đã được đông đảo khán giả, người mộ điệu khắp mọi miền Tổ quốc đồng cảm, đón nhận, sẻ chia.
Nhà văn Trịnh Thanh Phong viết nhiều về người lính và đề tài nông thôn, về đời sống tù đọng, nhiều biến động của nông thôn thời bao cấp. Dưới mỗi con chữ của ông đều nặng sâu tình yêu, nỗi đau của người cầm bút, là thái độ và trái tim mẫn cảm, sự đồng cảm sâu sắc của nhà văn trước cuộc sống.
Năm 2008, vượt khỏi phạm vi biên giới quốc gia, tiểu thuyết “Đất cánh đồng Chum” của ông đã vinh dự đạt Giải thưởng văn học sông Mê Kông của Hội Nhà văn 3 nước Đông Dương. Năm 2011, một lần nữa, tiểu thuyết “Ma làng” tiếp tục đạt Giải Xuất sắc tiểu thuyết viết về đề tài nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng. Bút ký “Dưới chân núi Pác Quan” đạt Giải B của Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam. Niềm vui nối tiếp niềm vui khi tác phẩm “Đồng làng đom đóm” của ông được trao Giải thưởng Tân Trào năm 2012. Năm 2009, bút ký “Dưới cây Thị làng Chương” của ông đạt Giải Nhất, giải sáng tác, quảng bá các tác phẩm VHNT, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tỉnh Tuyên Quang cùng nhiều giải thưởng khác... Và mới đây nhất, cuối tháng 12/2020 tiểu thuyết “Kẻ sống sót” của nhà văn Trịnh Thanh Phong đã được Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam trao Giải B (không có giải A). Khánh Vân
Nhạc sỹ Tân Điều
Mọi người vẫn ví nhạc sỹ Tân Điều như “cây cổ thụ” của âm nhạc xứ Tuyên, bởi cả cuộc đời gắn bó với âm nhạc, đến nay ông đã sáng tác được hàng trăm ca khúc với nhiều chủ đề phong phú. Trong đó có rất nhiều tác phẩm viết về quê hương con người Tuyên Quang làm rung động lòng người, nhanh chóng được đông đảo công chúng đón nhận.
Nhạc sỹ Tân Điều tuổi Kỷ Sửu (1949), quê ở xã Tân Trào (Sơn Dương). Từ một giáo viên, ông đi bộ đội rồi vào Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị. Năm 1977 ông chuyển ngành về Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, làm phóng viên, Biên tập viên rồi Trưởng Ban Văn nghệ cho đến ngày nghỉ hưu. Hiện nay ông là hội viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Phân hội trưởng Phân hội Âm nhạc, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh. Từ nhỏ, ông đã được đắm mình trong không gian văn hóa các dân tộc và những giá trị văn hóa ấy ngấm vào máu ông từ bao giờ không hay. Âm nhạc của Tân Điều chứa đựng giai điệu dân ca ngọt ngào, mang âm hưởng, màu sắc dân ca các dân tộc miền núi. Những lời ca toát lên vẻ đẹp của đất và người vùng cao, những nét đẹp bình dị nhưng luôn khiến người ta kiếm tìm. Có thể kể tên nhiều ca khúc như: Đường về Tân Trào, Một nét thành Tuyên, Áo chàm đi hội, Lời suối hát, Mùa thổ cẩm trên núi, Vấn vương câu hát ới la...
Trong đó, ca khúc “Đường về Tân Trào” với tiết tấu nhạc rộn ràng, vui tươi, ca từ nhẹ nhàng, trong sáng. Mặc dù ra đời cách đây đã hơn hai chục năm nhưng Đường về Tân Trào vẫn thường xuyên được trình diễn trên sân khấu, trong các cuộc liên hoan gặp mặt: “Róc rách róc rách tiếng suối ngàn/Thánh thót thánh thót lời chim ca/Chập chùng chập chùng núi cao, đường về Tân Trào”.
Năm 2020 cũng là năm khá bận rộn với nhạc sỹ Tân Điều. Khi đại dịch covid-19 xảy ra, cùng với giới nhạc sỹ cả nước, ông có ca khúc Những chiến binh áo trắng, Về nơi bình yên. Đặc biệt, sự kiện khánh thành cầu Tình Húc đã gợi lên cảm xúc để ông sáng tác nên hai ca khúc: Làng Tằm của tôi và Nhịp cầu hạnh phúc. Những tác phẩm của ông là những cảm xúc từ trái tim, vừa riêng tư vừa đồng điệu, gắn bó với cuộc sống xã hội.
Nhạc sĩ Tân Điều đã vinh dự được nhận Giải thưởng Tân Trào đợt I năm 2012 và rất nhiều giải thưởng khác từ Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, Hội VHNT các DTTS Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng nhạc sỹ Tân Điều vẫn như con ong cần mẫn dâng mật ngọt cho đời. Ông luôn mong sẽ tiếp tục mang đến cho công chúng những tác phẩm âm nhạc ấn tượng.
Thúy Nga
Nghệ sỹ Đỗ Giảng
Đỗ Giảng là một trong những nghệ sỹ sân khấu “vang tiếng” một thời của Đoàn Nghệ thuật chèo tỉnh (Nay là Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh) những năm 60 - 70 của thế kỷ trước. Trong thời kỳ “vàng son” đời nghệ thuật của mình, tên tuổi của người nghệ sỹ tuổi Kỷ Sửu (1949) này đã để lại ấn tượng đặc biệt với khán giả qua các vở diễn do ông dàn dựng như: Hài kịch “Karaoke”, “Lỗi tại ai?”, “Nước mắt và đồng tiền”, ca cảnh “Mời trầu”...
Với nghệ sỹ Đỗ Giảng, người tuổi Sửu không phải là người có “số khổ” như dân gian vẫn thường nói. Ông quan niệm, bất kể làm việc gì đều phải làm nhiệt tình và hết mình. Những khó khăn, vất vả trong những chuyến lưu diễn xa nhà cả tháng trời, ăn ngủ trên xe tải, ở trường học, trạm xá hay cuộc sống thường nhật vừa đi làm vừa tăng gia sản xuất, trồng rau, nuôi cả chục con lợn để có thêm tiền chăm lo cho gia đình... cũng không làm ông ái ngại. Với ông cuộc sống luôn vui tươi, nhẹ nhàng.
Nghệ sỹ Đỗ Giảng chia sẻ, ông có tới 36 năm gắn bó với nghề. Từ một sinh viên khoa đạo diễn sân khấu, ông đã yêu nghề, phấn đấu, rèn luyện và trở thành Phó trưởng Đoàn, Trưởng phòng Hành chính tổng hợp của Đoàn Nghệ thuật chèo tỉnh. Trong thời gian công tác, nhiều lần ông được đạo diễn, Nghệ sỹ nhân dân Doãn Hoàng Giang (một trong 4 đạo diễn sân khấu lớn nhất của cả nước lúc bấy giờ) cử làm trợ lý đạo diễn cho vở: “Hoa khôi dậy chồng”, “Chiếc bóng oan khiên”. Ông đã làm nên những thành tích đáng kể của sân khấu tỉnh nhà như: “Tiếng sáo rừng xanh” - Huy chương Bạc Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1970; “Nắng quái chiều hôm” - Huy chương Bạc Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013... Ông còn có duyên với cả nghề báo. Ông là cộng tác viên của một số tờ báo tỉnh, báo quân đội, tập san của một số ngành của tỉnh từ năm 1962, với các bài viết về các tấm gương người tốt - việc tốt và bàn về nghệ thuật sân khấu.
Nghệ sỹ Đỗ Giảng còn có tới 27 năm làm Phó Bí thư Chi bộ cơ quan, Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố 21 (nay là tổ 10), phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang). Ông bảo, những kiến thức, kỹ năng làm nghệ thuật, đạo diễn sân khấu đã cho ông những kinh nghiệm để áp dụng vào công việc xã hội. Cũng giống như người đạo diễn khi viết kịch bản hoặc dàn dựng một vở kịch, người bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố phải am hiểu, sáng tạo, biết cách triển khai công việc cụ thể, rõ ràng, công khai để nhân dân nắm được và bàn bạc. Còn khi tuyên truyền, vận động nhân dân thì phải nắm được nội tâm “khán giả”, biết cách khai thác và “biểu diễn” hợp tình huống, hợp đối tượng... Các vở diễn, vai diễn mà ông từng tham gia luôn nhận được sự đón chờ của công chúng. Đối với việc xã hội, ông luôn được bà con khu phố tín nhiệm, ủng hộ; cấp trên tin tưởng và được cấp ủy, chính quyền địa phương khen thưởng nhiều lần vì đã góp phần xây dựng được tiêu chí “Gia đình hòa thuận, khu phố bình yên”.
Tết đến, xuân mới về, người nghệ sỹ tuổi Sửu lại đón thêm những niềm vui mới bên gia đình hạnh phúc nhưng không khỏi trăn trở cho nghệ thuật sân khấu truyền thống. Ông mong muốn sân khấu truyền thống có những đổi mới, sáng tạo đột phá để thu hút khán giả quay trở lại trong tương lai gần.
Thu hương
Họa sỹ Nông Ngọc Quý
Giữa tiết xuân se lạnh đầu năm mới, bên chén trà ngọt sánh, họa sỹ Nông Ngọc Quý, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) say sưa kể về những tác phẩm với đề tài dân tộc thiểu số.
Anh sinh năm 1973, tuổi Quý Sửu, tại Trùng Khánh (Cao Bằng) nên cái chất vùng cao thấm vào anh như dòng máu chảy trong người. Yêu mỹ thuật, nuôi ước mơ làm “họa sỹ” nhưng mãi đến năm 2000 anh mới thi đỗ vào Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Anh kể, yêu nghề vẽ là thế, nhưng khác với bạn bè cùng trang lứa, anh lúc nào cũng mang một vẻ thư sinh, chỉnh tề, sống vui vẻ chứ không “dị”. Sau 4 năm dùi mài đèn sách, anh ra trường, mang ba lô, cây vẽ về làm giáo viên trường THCS Nông Tiến, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) cho đến tận bây giờ.
Với nhiều họa sỹ, ai cũng muốn chọn cái gì đó dễ thể hiện, dễ làm, nhưng với anh lại thích cái gì khó. Anh chọn chất liệu lụa và màu nước để thể hiện tranh của mình. Anh bảo, đề tài dân tộc thiểu số khiến anh mê mẩn, hăng say tìm tòi và thể hiện. Có những bức vẽ như “Cạo gió” diễn tả sự hồn nhiên của người dân tộc tại phiên chợ Hoàng Su Phì, 2 người cụ già vén áo cạo gió cho nhau, cho đến Phiên chợ thời 4.0, tả cảnh cô thiếu nữ ngẩn ngơ trước những bộ váy áo được làm công nghiệp, rồi lại rưng rưng, tủi tủi khi diễn tả cảnh cô gái Mông cúi gằm, cõng gạo từ phiên chợ trở về... Tất cả làm nên một góc cạnh, một phong cách rất riêng trong tranh của anh.
Là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, anh thấy rõ được cái “tâm” với nghề cầm cọ, do vậy trong mỗi tác phẩm, anh đều dành rất nhiều thời gian, suy nghĩ nhiều góc cạnh rồi mới đặt bút. Từ năm 2004 đến nay, năm nào họa sỹ Nông Ngọc Quý cũng nhận được giấy khen của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Đặc biệt năm 2019, tác phẩm “Cạo gió” của anh nhận được giải khuyến khích của Ủy ban toàn quốc liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, tranh của anh cũng thường xuyên được chọn để treo các triển lãm lớn ở Hà Nội và các tỉnh miền núi phía Bắc... Năm mới, xin chúc anh sẽ có thêm nhiều “lửa” để thể hiện nhiều đề tài, diễn tả các góc cạnh sâu đậm về đề tài mà anh yêu thích.
Lê Duy
Gửi phản hồi
In bài viết