Những người quảng bá văn hóa xứ Tuyên

- Xứ Tuyên - Mảnh đất giàu bản sắc văn hóa các dân tộc đã trở thành nguồn cảm hứng dồi dào, bất tận để giới văn nghệ sỹ trong tỉnh cho ra đời những tác phẩm đậm đà văn hóa của nơi đây, để lại cho muôn đời sau. Từ những tác phẩm đó đã bắc nhịp cầu quảng bá, giới thiệu văn hóa của đất và người Tuyên Quang đi xa hơn.

Ở lĩnh vực nào, âm nhạc hay mỹ thuật, nhiếp ảnh hay văn học…, đề tài về văn hóa các dân tộc của đất Tuyên cũng là mạch nguồn chủ yếu và xuyên suốt trong các tác phẩm của giới văn nghệ sỹ trong tỉnh.

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Chính trong một chuyến đi công tác vùng cao.

Có thể nói, những năm qua, lĩnh vực nhiếp ảnh trong tỉnh đã có nhiều đóng góp lớn trong công tác quảng bá văn hóa của Tuyên Quang. Thông qua việc tham gia các giải Triển lãm ảnh, trại sáng tác trong tỉnh, khu vực, trong nước và quốc tế, nhiếp ảnh đã góp phần làm cho văn hóa xứ Tuyên được lan tỏa rộng rãi trong và ngoài tỉnh. Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Nguyễn Chính cho biết, văn hóa Tuyên Quang là một “kho báu” vô cùng to lớn để các nghệ sỹ nhiếp ảnh và cả những người chụp ảnh không chuyên khai thác, sáng tạo. Từ đó cho ra đời các tác phẩm ảnh nghệ thuật về đề tài văn hóa các dân tộc ở Tuyên Quang có chất lượng, tạo ấn tượng sâu sắc với công chúng. Những ngày tháng về hưu lại là quãng thời gian mà Nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Chính lại có số lượng ảnh nghệ thuật lớn gấp đôi so với khi ông còn công tác ở Báo Tuyên Quang. Là phân hội trưởng phân hội Nhiếp ảnh Tuyên Quang, dù tuổi cao nhưng ông vẫn luôn mong muốn được cống hiến sức mình cho nhiếp ảnh, cho việc quảng bá văn hóa xứ Tuyên. Và chuyên mục “Du lịch qua ảnh” trên mạng xã hội cũng do ông khởi xướng để từ đó mở đường cho nhiều nghệ sỹ, người yêu thích chụp ảnh có lối đi mới trong việc quảng bá tác phẩm ảnh cũng như quảng bá văn hóa, vẻ đẹp của đất và người Tuyên Quang qua mạng xã hội.


Nhạc sỹ Tăng Thình, hội viên 
Hội VHNT Tuyên Quang luôn say mê sáng tác các ca khúc đượm văn hóa các dân tộc thiểu số Tuyên Quang.

Ở tuổi 70, nhạc sỹ Tăng Thình vẫn đam mê sáng tác những nhạc phẩm giàu âm hưởng của các dân tộc Tày, Dao, Cao Lan, Mông… Ông chia sẻ, khi còn sức khỏe, ông vẫn nuôi dưỡng ham muốn là được đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình để quảng bá về văn hóa xứ Tuyên, về các giai điệu của mỗi dân tộc. Để rồi dựa vào âm hưởng của mỗi dân tộc, ông phát triển các tác phẩm của mình trở thành những ca khúc mới nhưng vẫn mang âm hưởng của dân tộc. Trải qua bao năm tháng nhưng khi nói đến những nhạc phẩm quảng bá làn điệu Then thì công chúng không thể không nói tới ca khúc “Tiếng đàn Then” của ông. Không dừng lại ở thành công đó, ông tiếp tục say sưa tìm tòi, nghiên cứu, sáng tác để rồi cho ra đời các ca khúc như “Tâm tình điệu hát Then”, “Hẹn em về Tuyên Quang”, “Điệu Soọng cô”… 

Không chỉ trong âm nhạc, ở lĩnh vực văn học, văn hóa của Tuyên Quang cũng đã đi vào bao câu thơ, truyện ngắn, bút ký... của các tác giả như Tạ Bá Hương, Cao Xuân Thái, Ngọc Hiệp, Nguyễn Bình, Vương Huyền Nhung… Không phải sinh ra ở Tuyên Quang, đi qua mọi thăng trầm, dâu bể và những thử thách của số phận, những năm tháng còn lại của cuộc đời, nhà thơ Cao Xuân Thái lại chọn Tuyên Quang để làm nơi neo đậu, là bến bờ để ông tiếp tục dành trọn tình yêu với văn học nghệ thuật. Bởi vậy, những vần thơ, bút ký của ông đều ăm ắp một tình yêu với Tuyên Quang. Ở tập thơ “Mưa về Thành Tuyên”, “Nắng sông Lô”, ông đã dành những câu thơ tha thiết, sâu lắng, chân chất về Tuyên: “Xứ sở của người đẹp/Của những câu Then không tuổi/ Dào dạt dòng sông, đổ tràn bóng núi/ Tôn lên tầm vóc xứ Tuyên mình”. 

Đối với nhà thơ Tạ Bá Hương, những chuyến đi của anh để trải nghiệm và sáng tác đều cho ra đời những tác phẩm say đắm lòng người, bịn rịn bởi điệu Then, đàn tính, tiếng kèn Pí lè của người Dao… Đọc thơ anh đều toát lên một tình yêu nồng nàn, phảng phất bóng dáng của người con gái xứ Tuyên có “khuôn mặt hồng đôi mắt biếc”, có “miệng cười dịu mát trăng suông”. Trong thơ anh, tình yêu đôi lứa luôn hòa vào tình yêu với quê hương, đất nước, tình yêu với mảnh đất Tuyên Quang. Những nét đẹp văn hóa của xứ Tuyên hiện lên trong thơ Tạ Bá Hương dung dị, mộc mạc mà nghĩa tình, đằm thắm “Em so dây trầm bổng/Bất chợt gặp rì rầm sông Phó Đáy/Hương trời đất quyện vào đêm thơm ngậy/Tôi bồng bềnh chín bậc mây trôi”.


Họa sỹ Lương Hiện, Hội VHNT tỉnh bên tác phẩm “Một buổi lễ của người Dao”  đạt giải B tại Triển lãm Khu vực Tây Bắc - Việt Bắc.

Ngợi ca văn hóa xứ Tuyên với những điệu Then của người Tày, câu hát Páo dung của người Dao tiền, điệu Soọng cô của người Sán Dìu, tác giả trẻ Vương Huyền Nhung cũng có nhiều bài thơ để lại ấn tượng sâu đậm với độc giả khi chị viết về Tuyên. Trong bài thơ “Hồng Thái”, những nét đẹp văn hóa của người con gái Dao Tiền hiện lên đầy ấn tượng, khó phai: “Tôi đã mơ về em/Về những bông lê bung trong chiều trắng/Về nếp nhà sàn chè vươn mình bên chái/ Ruộng bậc thang dẻo thơm cốm xanh nhẫn nại/Tiếng leng reng rộn bước Dao Tiền”.

Nói về những người quảng bá văn hóa xứ Tuyên không thể thiếu lĩnh vực hội họa. Nhiều họa sỹ như Lương Hiện, Lê Cù Thuần, Mai Hùng… cũng đã có những bức tranh vẽ để đời về văn hóa các dân tộc ở Tuyên Quang. Họa sỹ Lương Hiện chia sẻ, tuy không phải là người Tuyên Quang nhưng khi lập nghiệp tại mảnh đất này đã cho họa sỹ Lương Hiện những cảm xúc dồi dào để những nét vẽ của chị về đề tài văn hóa dân tộc thiểu số luôn mộc mạc nhưng mang vẻ đẹp huyền bí để ai cũng muốn được khám phá vẻ đẹp của Tuyên Quang.

Với bề dày truyền thống cách mạng cùng với “kho báu” văn hóa to lớn, phong phú, những ai đã sinh ra và lớn lên hoặc đến với Tuyên đều muốn cất lên lời ca, tiếng hát hoặc gửi gắm vào hội họa, nhiếp ảnh. Và chính những tác phẩm đó đã góp phần đưa vẻ đẹp bất tận của Tuyên Quang được lan tỏa rộng rãi hơnn

Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục