Chùa thiêng giữ đạo
Sử chép: cao tổ của dòng họ Hà ở châu Vị Long là Hà Đắc Trọng quê ở xóm Ca Nông, hương Thạch Bách, huyện Hà, thuộc Đông Đô, châu Ung (nay thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc), sang châu Vị Long sinh sống, được người đời tôn trưởng do có công giữ gìn an toàn cho vùng đất và giúp dân ấm no. Trải qua các đời, dòng họ Hà được vua giao cho những trọng trách quan trọng, được Thái tổ Hoàng đế (vua Lý Công Uẩn) gả công chúa thứ ba nhằm lấy tinh thần gia tộc để ràng buộc, thắt chặt khối đại đoàn kết dân tộc.
Năm Ất Mão niên hiệu Thái Ninh (1075) nhân việc vua Lý Nhân Tông lên nối ngôi còn nhỏ tuổi (lên ngôi từ năm 1072 khi mới 7 tuổi), nhà Tống gấp rút tập trung binh mã tại các trấn thành biên giới phía Bắc, chuẩn bị xây dựng thành quách, trung tâm là thành Ung Châu rắp tâm thôn tính nước ta lần thứ 2. Với tư tưởng tiến công để tự vệ “Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân ra trước để chặn mũi nhọn của giặc”, nhà Lý đã ủy quyền cho Phụ quốc thái úy Lý Thường Kiệt thống lĩnh hơn 10 vạn quân, chia làm hai đạo thủy bộ tấn công vào cửa biển Khâm Châu - Liêm Châu và thành Ung Châu. Cùng với quân lính các dân tộc thiểu số của các tù trưởng khác, binh mã châu Vị Long do thân phụ của Thái phó Hà Hưng Tông chỉ huy đóng vai trò quan trọng trong đạo quân này.
Sau khi chiếm được thành Ung Châu, tiêu diệt lực lượng địch, tiêu hủy các kho tàng lương thực, “bắt tướng võ, dâng tù binh”, thân phụ Thái phó Hà Hưng Tông được vua ban chức “Hữu đại liêu ban đoàn luyện sứ”. Cùng với tài cao, ông còn là người có đức lớn, một lòng thương dân, khuyến khích dân chúng phát triển nông nghiệp “Cày cấy theo phép tỉnh điền”, thu thuế của dân rất nhẹ (100 mẫu phải nộp thuế 10 mẫu). Vì vậy châu Vị Long dân chúng đều ấm no “thóc lúa ùn ùn như núi, khách khứa 3 nghìn đông đúc, nhà cửa nhộn nhịp phố phường”.
Nhờ công lao của cha, Hà Hưng Tông được vua Lý Nhân Tông cho kết duyên với công chúa Khâm Thánh và phong chức Tả đại liêu ban. Khi cha mẹ Thái phó đều mất, vua ban cho Thái phó được nối chức cha, vẫn giữ chức cũ là Tả đại liêu ban, lại kiêm thêm Tri châu Vị Long, giữ tiết độ sứ, kim tử quang lộc đại phu, kiểm hiệu Thái phó.
Được nhà vua ban chức tước, gia đạo đề huề, dân bản ấm no, đất nước thanh bình, để tỏ chữ hiếu với tổ tiên, lòng ham đạo phật, Thái phó Hà Hưng Tông đã chọn nơi đất tốt, thợ giỏi để xây chùa Bảo Ninh Sùng Phúc với quy mô bề thế để mọi người tâm thanh lòng tịnh đến nguyện cầu mọi điều may mắn tốt lành.
Dẫn chúng tôi vãn cảnh chùa, trưởng thôn Bảo Ninh Hoàng Văn Long cho biết ngôi chùa tuy ở miền núi hẻo lánh nhưng rất linh thiêng, được bà con xa gần thường xuyên đến chiêm bái. Đã từng có người dại dột mạo phạm, sau bệnh nặng không qua khỏi. Gia đình nhờ thầy khắp nơi đến xem đều cho rằng người này chết vì đã mạo phạm chốn thiêng, phải làm lễ sám hối mới yên. Hàng năm chùa mở hội vào tháng Giêng và dịp lễ Phật đản, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Tự hào Quốc bảo
Bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc được xây dựng năm 1107 dưới thời vua Lý Nhân Tông (Càn Đức) niên hiệu Long Phù Nguyên Hóa. Người đứng ra tạc bia, dựng chùa là Thái phó Hà Hưng Tông, châu mục châu Vị Long. Người soạn văn bia là Lý Thừa Ân, người sống dưới hai triều Lý Nhân Tông (1072 - 1127) và Lý Thần Tông (1128 - 1137).
Bia cao 1,39 m, rộng 08 m, dày 0,18 m, được tạc bằng đá xanh nguyên khối, chân bia gắn vào lưng một rùa đá dài 1,50 m, rộng 0,9 m và cao 0,32 m. 4 chân rùa tạc nổi, mỗi chân có 5 móng, đuôi rùa mỏng được tạc uốn cong; đầu rùa ngẩng cao, vẻ uy nghi đường bệ. Toàn thân rùa được chạm trổ tinh tế, mềm mại, hình khối cân đối và vững chãi. Lưng rùa nhẵn và tròn trịa, giữa lưng có đục một mộng ghép hình chữ nhật để ghép chân bia.
Bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2013.
Diềm bia trang trí bằng các hoa văn uyển chuyển và liên hoàn, hai bên cạnh bia trang trí hình rồng, các hình tròn bên trong có hình cánh hoa sen xen kẽ nhau nằm trong một hình tròn lớn.
Trán bia khắc dòng chữ lớn: “Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi”. Văn bia khắc kín phần thân bia. Hai góc của trán bia khắc hình 2 con rồng với đặc trưng nổi bật của rồng thời Lý. Làm nền cho hình tượng rồng là các hoa văn hình vân mây và một số hoa văn hình chữ S, biểu hiện ý niệm về mưa gió, sấm chớp với mong muốn mưa thuận gió hòa, nhân tố thiết yếu đối với nền kinh tế nông nghiệp.
Toàn bộ bia toát lên dáng vẻ vững vàng, bền chắc về hình khối, văn bia chạm khắc sắc sảo nét chữ chân phương, đường nét trang trí tinh xảo, mềm mại và mang những đặc trưng chung của nghệ thuật điêu khắc, trang trí thời Lý.
Nội dung văn bia gồm 25 dòng với 1.130 chữ, ghi lại giáo lý đạo Phật và công đức của dòng họ Hà. Bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc là hiện vật gốc độc bản; có giá trị lịch sử trên nhiều phương diện.
Về mặt lịch sử, những sự kiện được ghi lại trên bia đá liên quan tới nhân vật lịch sử Thái phó Hà Hưng Tông là người có công trong việc dựng bia và có tên trong sử sách. Thông qua các mối quan hệ của dòng họ này với triều đình nhà Lý có thể thấy được những sự kiện quan trọng trong chính sách đối nội của triều Lý đối với vùng biên giới. Ràng buộc bằng danh lợi và hôn nhân là biện pháp chính trị khôn khéo giúp triều đình nhà Lý củng cố chính quyền quân chủ Đại Việt ở các vùng biên ải xa xôi. Nhờ vậy, trong cuộc chiến đấu bảo vệ nền độc lập dân tộc, các châu mục miền núi như châu mục Vị Long đã tham gia và góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước.
Sự kiện dựng chùa thờ Phật - quốc giáo của nước Đại Việt thời Lý tại một nơi xa xôi hẻo lánh như châu Vị Long đã chứng tỏ dưới triều Lý, kinh tế miền núi phát triển mạnh. Đồng thời, sự giao lưu văn hóa với miền xuôi cũng được chính quyền đương thời quan tâm. Người đại diện cho chính quyền là dòng họ Hà, suốt 15 đời làm châu mục châu Vị Long đã có nhiều công lao trong việc giữ vững an ninh và xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa ở một vùng đất rừng núi giáp biên giới, nơi triều đình nhà Lý khó kiểm soát. Điều này cũng thể hiện sự thành công của nhà Lý trong việc tập hợp khối đoàn kết dân tộc để bảo vệ và xây dựng đất nước.
Bia đá cũng là nguồn tư liệu quý giá đối với việc nghiên cứu các vấn đề về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội... của mảnh đất Tuyên Quang nói riêng và Việt Nam nói chung dưới chế độ phong kiến tập quyền.
Về mặt tôn giáo, tín ngưỡng, bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc chứng minh sự giao lưu văn hóa rộng rãi giữa miền núi với miền xuôi. Đồng thời cũng cho thấy địa vị độc tôn và sự phát triển rộng khắp của Phật giáo triều Lý.
Về giá trị nghệ thuật: Bia đá chùa Bảo Ninh Sùng Phúc là một tác phẩm điêu khắc có giá trị nghệ thuật cao, giúp các nhà nghiên cứu so sánh, đối chiếu và khẳng định thêm về trình độ sáng tạo, quan niệm thẩm mỹ tinh tế trong xây dựng kiến trúc, trang trí, tạo hình Đại Việt. Văn bia còn là một di sản văn học quý báu, vừa cô đọng, súc tích, vừa bay bổng, thể hiện rõ văn phong đặc trưng của thời Lý.
Tự hào về Quốc bảo tại chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, người xứ Tuyên càng tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa quê hương từ xa xưa. Bài học đại đoàn kết dân tộc từ trong lịch sử luôn đúng, tạo thành sức mạnh chiến thắng giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước thái bình rực rỡ.
Các thế hệ hậu sinh cần nắm vững bài học đại đoàn kết dân tộc để bảo vệ và phát huy những thành quả hàng nghìn năm cha ông đã tạo tác. Để “Nước xây dựng trên đạo, vững như cột đá; dân hấp thu giáo hóa xuôi như dòng sông”, “thóc lúa ùn ùn như núi; khách khứa ba nghìn đông đúc, cửa nhà nhộn nhịp phố phường” - như văn bia đã viết về châu Vị Long và lẽ chăn dân thuở ấy.
Gửi phản hồi
In bài viết