Se duyên đôi lứa
Khác với quan họ, các liền anh, liền chị không thể lấy nhau thì Páo dung lại là ông tơ, bà nguyệt làm nhịp cầu kết nối se duyên cho bao đôi lứa nên nghĩa vợ chồng. Chị Bàn Thị Phương, thôn Bản Lục, xã Đà Vị (Na Hang) - người có giọng hát Páo dung nổi tiếng ở bản làng vùng cao khẳng định với chúng tôi như vậy. Nói rồi chị ngân giai điệu giao duyên:
Muộn chầm dầu dâu chấu hái chiêu
Muộn chầm dầu dâu chấu hái quyên
Phín búa phái mìu tồng lẩu dầu
(Mình muốn hỏi người đang đi đâu?
Người đi đâu xa đến huyện nào?
Cho mình biết để cùng đi...).
Chị giải thích, đó là lời của người con trai khi muốn tìm bạn đời ưng ý. Nếu nhận được lời đáp của người con gái, chàng trai vội vã đi tìm người con gái ấy. Gặp nhau, lời Páo dung trao đi, gửi lại, quyện vào nhau khiến hai tâm hồn như một. Từ giây phút ấy, dường như hai trái tim đã thuộc về nhau và dù không nói ra nhưng trong lòng đôi nam nữ đều đã chắc nịch về người bạn đời của mình. Nhưng đó là câu chuyện se duyên từ xa xưa của rất nhiều đôi vợ chồng người Dao rồi - chị Phương trải lòng.
Nay, việc hát Páo dung không còn được duy trì thành phong trào như thời các ông, các bà, nhưng Páo dung vẫn âm ỉ cháy trong lòng mỗi người, mỗi nếp nhà người Dao. Như bản thân chị Phương vậy, dù không được ai truyền dạy nhưng nghe các cụ hát mãi thành quen, thành nhớ và rồi thuộc lúc nào không hay. Từ lớp 6 chị có thể hát, biểu diễn làn điệu Páo dung trong các buổi liên hoan văn nghệ của Trường PTDT nội trú - THCS Na Hang. Đến lớp 12, chị giành giải Nhì giọng hát Páo dung toàn tỉnh. Nay đã lấy chồng, chị vẫn cùng các bà, các mẹ trong thôn luyện tập Páo dung. Chị bảo, dù không biểu diễn chuyên nghiệp nhưng ở đây, người già ai cũng biết hát Páo dung. Có người còn có biệt tài sáng tác như bà Phùng Thị Tòng, năm nay ngoài 70 tuổi, người cùng thôn Bản Lục. Bà Tòng không nhớ mình đã sáng tác bao nhiêu bài, chỉ biết rằng, ai đặt chủ đề gì là bà sáng tác. Ví như cũng là chủ đề người Dao ơn Đảng, nhưng mỗi mùa xuân mới bà lại sáng tác bài mới, phù hợp với hoàn cảnh.
Và làn điệu Páo dung cứ dày lên theo năm tháng nhờ những người say mê sáng tác như bà Tòng và ở những người trẻ đam mê hát như chị Phương. Chị Phương vui mừng khoe, 2 cháu của chị năm nay học lớp 6 cũng biết hát Páo dung. Rồi chị khẳng định chắc nịch, ở đâu không biết chứ ở Bản Lục, Páo dung vẫn sẽ được duy trì mãi trong bản làng; người Dao còn thì Páo dung còn mãi.
Tắm mát tâm hồn
Rời Bản Lục - nơi điệu hát Páo dung vang vọng khắp bản làng, chúng tôi vượt qua con đường bê tông đang trải thảm, đến với xóm Dùm, phường Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang - nơi có gần 90% đồng bào Dao Quần trắng sinh sống. Nếu ở Bản Lục, số người biết hát Páo dung chiếm đông đảo thì ngược lại, người biết hát Páo dung ở xóm Dùm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Là một trong số ít người biết hát làn điệu truyền thống, bà Nông Thị Thiết giãi bày: Để có thể hát được làn điệu Páo dung hay đòi hỏi phải có chất giọng khỏe, truyền cảm. Cái khó nhất trong hát Páo dung là học cách lấy hơi, nhấn nhá âm điệu lên, xuống sao cho đúng. Nhưng giờ bà ngoài 70 tuổi rồi, tuy thuộc rất nhiều bài nhưng giờ không lên giọng được nữa. Nói vậy nhưng bà vẫn đi vào buồng. Vài phút sau trở ra với bộ trang phục Dao Quần trắng tinh tươm. Bà bảo, phải có nhạc, có đông người thì bà mới hát được. Như ngày xưa ấy, tối đến là thanh niên làng kéo nhau đi chơi. Đến nhà nào cũng hát Páo dung. Tiếng Páo dung vang vọng mãi, hết đêm này sang đêm khác. Thời ấy vui lắm, không như bây giờ, lớp trẻ biết hát Páo dung ngày càng ít đi. Các buổi hát Páo dung thưa vắng. Bà nói trong tiếc nuối.
Páo dung vẫn được duy trì trong đời sống đồng bào Dao ở thôn 1 Minh Tiến, xã Minh Hương (Hàm Yên).
Tiếc nuối là cảm xúc chung của nhiều người cao tuổi ở xóm Dùm khi nhắc về làn điệu Páo dung. Cầm chiếc radio nhuốm màu thời gian, bà Đặng Thị Ngoan bảo: Nếu các cháu muốn nghe Páo dung, ở đây có cả. Bà vẫn nghe hàng ngày đấy. Bà trải lòng: Páo dung là linh hồn của người Dao. Khi đi làm nương, làm ruộng, người Dao hát những bài ca ngợi lao động sản xuất. Khi con cái bước vào tuổi đi học hoặc bắt đầu lập nghiệp ở nơi xa, lại hát răn dậy, nhắc nhở con cái chăm chỉ học hành: Biết một chữ đáng ngàn vàng/Mọi người mau đưa con đi học/ Nếu ai cũng biết đọc biết viết/Thiên hạ tất cả là trạng nguyên... Trong đám cưới, các bà, các mẹ hát khuyên dạy người con gái trước khi về nhà chồng: Trông kêu, gà gáy con mau dậy/Đừng để mẹ già gọi tên con... Đặc biệt, Páo dung một thời gắn bó với bất cứ người Dao nào khi đến tuổi cập kê. Nam nữ tìm hiểu rồi yêu nhau, thành vợ thành chồng cũng từ những câu hát Páo dung đắm say như thế.
Triết lý nhân sinh
Trước dòng chảy của nhịp sống hiện đại, Páo dung vẫn luôn tồn tại theo cách riêng. Nếu ở Bản Lục, làn điệu này vẫn được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thì ở xóm Dùm, Páo dung đã dần thưa vắng và trở thành tiếc nuối của bao người. Tuy nhiên, đó là quy luật tất yếu trong xu thế hội nhập. Song, với những triết lý nhân sinh sâu sắc, Páo dung sẽ tồn tại và lan tỏa mãi, như khẳng định của chị Bàn Thị Phương, thôn Bản Lục, xã Đà Vị (Na Hang): Người Dao còn thì Páo dung còn.
Ngày xuân, đến các bản làng vùng cao, chúng ta sẽ được nghe làn điệu Páo dung đắm say, mượt mà của dân tộc Dao.
Tìm hiểu về làn điệu này, chúng tôi được biết, Páo dung có hai loại hình: Hát trong nghi lễ và hát Giao duyên. Loại hình thứ nhất là Páo dung lễ nghi tín ngưỡng. Đó chính là các làn điệu cổ, ra đời sớm nhất gồm những bài hát được sử dụng trong các nghi lễ tín ngưỡng, ghi chép thành sách bằng chữ Hán được các thầy cúng Dao lưu giữ trong quá trình hành nghề. Hình thức hát này mang tính nguyên tắc với những bài hát có sẵn và thường có thêm trống, chiêng, thanh la phụ họa. Nội dung các bài hát nghi lễ là lời cảm tạ và cầu mong thần linh che chở, phù hộ cho sức khỏe dồi dào, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.
Loại hình thứ hai là Páo dung sinh hoạt. Đây là loại hình ca hát chiếm vai trò chủ đạo trong kho tàng dân ca Dao với nhiều thể loại: Hát giao duyên, hát ru, hát đồng dao, hát than... được sáng tác thêm, đem đến sự đa dạng, phong phú bất tận của Páo dung. Những câu hát biểu thị một tình cảm gần gũi, thân thiết như bật ra từ gốc lúa, bờ tre mà càng khắc khổ gập ghềnh lại càng sâu lắng trữ tình.
Với những triết lý nhân sinh sâu sắc, Páo dung đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là động lực để tiếng lòng của người Dao tiếp tục được các thế hệ mai sau giữ gìn, như mạch nguồn văn hóa quê hương, chảy mãi.
Gửi phản hồi
In bài viết