NSƯT Trường Giang
Nghệ sỹ Trường Giang (bên trái) tại lễ trao tặng
danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú. Ảnh: Thành Công
NSƯT Trường Giang sinh năm Giáp Dần (1974) trong gia đình có truyền thống nghệ thuật. Bố của anh là nghệ sỹ Vũ Đức Khận, là người đặt nền móng cho việc thành lập đội Chèo của Đoàn văn công Tuyên Quang. Gia đình anh có 7 người từng công tác tại Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh. Đặc biệt, gia đình anh có tới hai Nghệ sỹ ưu tú (NSƯT). Không chỉ NSƯT Trường Giang mà chị gái của anh, nghệ sỹ Thúy Ngần (Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh) cũng vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý “Nghệ sỹ ưu tú”.
Được đào tạo bài bản tại Trường Múa Việt Nam từ năm 13 tuổi, ra trường anh về nhận công tác tại Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh từ đó đến nay. Với gần 30 năm cống hiến cho nghệ thuật chuyên nghiệp, liên tục nhiều năm đảm nhận vai trò diễn viên múa chính (Solo, Duo) của đoàn, NSƯT múa Trường Giang luôn tạo được dấu ấn sáng tạo cá nhân đặc biệt. Từng biểu diễn phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa đến biểu diễn chào mừng các sự kiện văn hóa, chính trị lớn của tỉnh, các nhiệm vụ chính trị đột xuất, các sự kiện đối ngoại, những chuyến lưu diễn ở Pháp, Hàn Quốc… những trải nghiệm phong phú đó đã giúp anh tích lũy được cho mình một vốn sống giàu có, một kho sắc thái biểu cảm nhiều màu sắc.
Nghề múa vất vả, có chương trình người nghệ sỹ tập luyện bầm dập cả tháng trời nhưng chỉ tỏa sáng vài phút trên sân khấu, nhưng với tinh thần nghiêm túc với nghề, trọng nghề, nên dù trong bất kỳ chương trình, vai diễn nào, NSƯT Trường Giang cũng đều cháy hết mình và được công chúng yêu mến đón nhận. Hiện nay, anh đang đảm nhận cương vị Trưởng phòng Nghệ thuật của Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh, trực tiếp xây dựng kịch bản, chương trình biểu diễn cho đoàn phục vụ các nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ lớn của tỉnh, các nhiệm vụ chính trị đột xuất, biểu diễn phục vụ các đoàn công tác của Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế lên thăm và làm việc tại Tuyên Quang… Ở vai trò này, anh đã kịp ghi dấu bởi hàng loạt những chương trình thật sự ấn tượng như: Chương trình kỷ niệm 190 năm ngày thành lập tỉnh, 30 năm tái lập tỉnh Tuyên Quang; chương trình 90 năm ngày truyền thống MTTQ Việt Nam; kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Chi bộ Mỏ Than…
Với những đóng góp xứng đáng cho nghệ thuật múa chuyên nghiệp, anh đã nhận được nhiều huy chương Vàng, huy chương Bạc tại các liên hoan, hội diễn toàn quốc. Năm 2016 anh đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý “Nghệ sỹ ưu tú”, cùng nhiều Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch UBND tỉnh và của Hội Nghệ sỹ múa Việt Nam trao tặng.
Họa sỹ Hoàng Anh Chiến
Họa sỹ Hoàng Anh Chiến, tổ 17, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang)
đang thực hiện tác phẩm “Nhịp sống bên dòng Lô Giang”.
Nhắc đến họa sỹ Hoàng Anh Chiến, sinh năm 1974, giới văn nghệ sỹ và đông đảo công chúng yêu nghệ thuật của Tuyên Quang ai cũng biết bởi sự đa tài của họa sỹ.
Một ngày đầu xuân Nhâm Dần, chúng tôi đến gặp người họa sỹ tuổi Dần tại ngôi nhà số 132, tổ 17, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang). Anh sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tuyên Quang, trong gia đình không có truyền thống nghệ thuật, nhưng anh lại có đam mê hội họa từ nhỏ. Sau khi học xong THPT, năm 2002, anh tốt nghiệp Khoa sư phạm, trường Trung cấp Nghệ thuật Việt Bắc - Thái Nguyên. Ra trường, anh vừa sáng tác vừa học tiếp, đến năm 2010, anh tốt nghiệp khoa Sư phạm Mỹ thuật, trường Đại học Mỹ thuật - Hà Nội. Tốt nghiệp đại học với tấm bằng khá, anh tham gia vào Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh và sáng tác tranh theo chủ đề tự do.
Hơn 20 năm đam mê với nghiệp “cầm cọ”, họa sỹ Hoàng Anh Chiến không ngần ngại thử sức mình với nhiều thể loại tranh, trong đó tranh sơn dầu và lụa đã làm nên “thương hiệu” của anh. Sau những chuyến đi thực tế, tham gia các trại sáng tác, những gì ấn tượng nhất tại những nơi đặt chân đến đều được anh chắt lọc và đưa vào tác phẩm bằng đường nét, mảng màu, giúp người xem cảm nhận sự tươi đẹp của thiên nhiên, cảnh vật, con người thân thuộc, gần gũi qua các tác phẩm như “Câu chuyện ngày hôm qua”, “Chuối vườn sau”, “Dưới ánh đèn đường”, “Những dấu chân không mỏi”, “Cuộc sống”, “Sự sống”...
Năm 2015, anh tham gia trại sáng tác tại Tam Đảo - Vĩnh Phúc, anh vinh dự có tác phẩm “Hải đăng”, được lưu giữ trong bộ sưu tập Mỹ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam; giải B tác phẩm “Bố ơi mình đi đâu thế”, triển lãm Mỹ thuật khu vực III Tây Bắc tổ chức tại Sơn La và đạt giải C tại triển lãm Hội Mỹ thuật Việt Nam - Hà Nội. Ngoài ra anh còn nhiều tác phẩm được treo tại triển lãm Mỹ thuật của khu vực và các bộ, ngành tổ chức...
Với chất liệu chủ đạo là sơn dầu và lụa, họa sỹ Hoàng Anh Chiến, không chỉ thành công trong các mảng đề tài chính như tranh sơn thủy, tĩnh vật, thư pháp và chân dung mà còn đang phác họa một bức tranh khổ lớn với chất liệu sơn dầu về nhịp sống bên dòng Lô Giang và tác phẩm “Hồi sinh mùa Covid -19”. Đó là ấp ủ từ lâu mà anh sẽ cố gắng hoàn thành sớm nhất để đưa đến với công chúng.
Chia tay họa sỹ Hoàng Anh Chiến, chúng tôi rảo bước trên con đường nhỏ. Tiếng sáo diều ngân nga những giai điệu mùa xuân thật hay, xin chúc anh có thêm nhiều sức khỏe, tiếp tục gặt hái nhiều thành công theo đuổi đam mê con đường hội họa mình đã chọn.
NSƯT Đinh Tiến Bình
NSƯT Đinh Tiến Bình.
71 tuổi đời, 50 năm tuổi nghề, Nghệ sỹ ưu tú tuổi Canh Dần - Đinh Tiến Bình dù vừa trải qua một thời gian dưỡng bệnh do tai biến, nhưng trong căn nhà nhỏ ở đường Lê Hồng Phong, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang), ông vẫn say sưa trong từng nốt nhạc, cần mẫn tựa như “chú ong” đang chắt lọc “mật ngọt” dâng đời.
Với niềm đam mê âm nhạc từ thuở nhỏ, người nghệ sỹ quê ở Cao Bằng ấy đã thi đỗ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Ông tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi Khoa Lý luận - Sáng tác - Chỉ huy. Có lẽ chính bởi được đào tạo, học hành bài bản, cộng với tình yêu và tài năng về âm nhạc, 21 tuổi, ông đã có một sáng tác đầu tiên và đoạt giải Nhì ở một cuộc thi sáng tác ca khúc về “Người chiến sỹ an ninh” cấp trung ương. Ông từng hoạt động nghệ thuật ở các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp như: Đoàn Ca Múa Hà Tuyên, Đoàn Ca Múa Kịch Tuyên Quang, Đoàn Ca Múa Nhạc dân tộc Cao Bằng. Ông nguyên là trưởng đoàn, nhạc sĩ chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Ca múa nhạc tỉnh Hà Giang.
NSƯT Đinh Tiến Bình chia sẻ, cho đến nay, ông đã có khoảng hơn 200 tác phẩm âm nhạc được in phát, biểu diễn và dành được các giải thưởng lớn, nhỏ ở trong và ngoài tỉnh.
Nhắc đến NSƯT Đinh Tiến Bình, phải nhắc tới các nhạc khúc: “Âm hưởng số 1”, “Âm hưởng số 2”, “Ký ức mùa thu”, các tác phẩm từng tạo nên tên tuổi của ông một thời. Ta cũng không quên kể tới các sáng tác: “Độc tấu sáo và đàn khát vọng mùa xuân”, “Nhạc múa, nhạc cho kịch nói Đôi dòng sữa mẹ (kịch bản Lưu Quang Vũ)”, “Độc tấu sáo Mông - Khát vọng vùng cao”. Đây là những tác phẩm đoạt giải cao tại Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc và đã được sử dụng trên sân khấu lớn của Trung ương, phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam.
Nhắc tới ông, là nhớ tới hàng loạt những ca khúc viết về quê hương Tuyên Quang, về Bác Hồ như: “Hương sắc Tuyên Quang”, “Tuyên Quang - thành phố của tôi”, “Vấn vương dòng Lô”, “Tuyên Quang nhớ ơn Bác Hồ”, “Miền nhớ yêu thương”, “Từ Tân Trào đến Trường Sa”, “Hồng Thái - Nơi điểm hẹn”, “Cùng em trẩy hội Lồng Tông”... Bằng sự hiểu biết, tích lũy, không ngừng học hỏi, người nghệ sỹ tài hoa này đã có cách riêng để khiến những tiếng đàn Then, điệu Tính tẩu, điệu Sli… trở thành chất liệu âm nhạc riêng có, để chất dân ca của đồng bào dân tộc miền núi sống mãi cùng thời gian trong dòng chảy âm nhạc đương đại.
Gửi phản hồi
In bài viết