Văn hóa trong dòng chảy lịch sử
Thuật ngữ “Sức mạnh mềm văn hóa” lần đầu tiên được đưa vào văn kiện Đại hội XIII của Đảng: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới, gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau”. Điều này đã thể hiện bước đột phá trong tư duy nhận thức của Đảng và Nhà nước Việt Nam về phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập, phát triển đất nước ở mọi lĩnh vực.
Ngược dòng lịch sử chúng ta thấy, yếu tố văn hóa giữ vai trò quan trọng trong quá trình dựng nước và giữ nước. Nhà văn hóa Nguyễn Trãi từng viết: “Như nước Đại Việt ta từ trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu”. Đó là một định đề văn hóa, một tổng kết mang tính lịch sử về văn hóa. Định đề đó nằm ở đầu “Đại cáo bình Ngô”, khẳng định truyền thống độc lập dân tộc cũng như vai trò và giá trị của văn hóa với chủ quyền quốc gia.
Cách đây 76 năm, vào ngày 24-11-1946, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Từ đó tới nay, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển văn hóa với mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Mới đây, tại hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 2 diễn ra ngày 24-11-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng khẳng định tầm quan trọng của văn hóa trong chặng đường phát triển bền vững đất nước. Tổng Bí thư khẳng định: “Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”. Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư nhiều lần trích đọc các bài thơ nổi tiếng, được nhiều thế hệ yêu thích như Chân quê (Nguyễn Bính), Việt Bắc (Tố Hữu)... với lời nhắn nhủ hãy giữ lấy nếp nhà, giữ lấy chân quê, giữ cho đẹp tình thủy chung sau trước.
Đứng trước yêu cầu giai đoạn phát triển mới, giai đoạn chứa đựng nhiều dấu mốc lịch sử trọng đại, giai đoạn cả nước tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với nhiều quan điểm, chủ trương lớn, mang tính đột phá, thì việc phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam là yêu cầu cấp thiết để xây dựng đất nước cường thịnh.
Bề dày văn hóa xứ Tuyên
Tuyên Quang, mảnh đất 22 dân tộc với đa sắc màu văn hóa. Các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, nghệ nhân, sản phẩm văn hóa... của tỉnh chính là một trong các nguồn lực văn hóa góp phần tạo nên sức mạnh “mềm” văn hóa quốc gia.
Nhìn vào bức tranh chung về văn hóa các dân tộc, Tuyên Quang có con số đáng tự hào, khẳng định bề dầy văn hóa xứ Tuyên. Theo thống kê, toàn quốc có gần 300 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, chia ra trung bình mỗi tỉnh, thành phố có khoảng 5 di sản. Nhưng riêng Tuyên Quang đã có 10 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Nghi lễ Then và Lễ hội Lồng tông của người Tày; nghi lễ Cấp sắc và hát Páo dung của người Dao; kéo co truyền thống; hát Sình ca của người Cao Lan; hát Soọng cô của người Sán Dìu; lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La của thành phố Tuyên Quang; Lễ hội đình Thọ Vực, huyện Sơn Dương; Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao Đỏ.
Đặc biệt, toàn tỉnh có tổng cộng trên 600 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 138 di tích quốc gia, trên 250 di tích cấp tỉnh. Cùng với đó là đời sống văn hóa tín ngưỡng, tâm linh phong phú. Đó là hệ thống chùa tháp gắn với những sinh hoạt Phật giáo; là hệ thống đền, miếu gắn với tín ngưỡng đạo Mẫu, trong đó hình thành đầy đủ với Tam tòa Thánh Mẫu, gồm Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải. Đó là hệ thống đền, miếu, đình làng thờ những vị tiên công, tiên hiền, các anh hùng dân tộc đã có những cống hiến xuất sắc trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm và xây dựng quê hương, đất nước.
Lễ hội Thành Tuyên là sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có, mang thương hiệu cấp quốc gia.
Đây là những tài nguyên có khả năng chuyển hóa thành sức mạnh “mềm”.
Để phát huy hiệu quả các nguồn lực này, tỉnh chú trọng đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa hướng tới mục tiêu kép: vừa làm gia tăng sức sống cho các giá trị văn hóa dân tộc vừa góp phần quảng bá hình ảnh đất và người Tuyên Quang.
Cùng với bảo tồn phát huy di sản văn hóa dân tộc thì phát triển du lịch văn hóa cũng là yếu tố cốt lõi. Du lịch chính là cách thức, là con đường để phát huy sức mạnh “mềm” văn hóa mà nhiều địa phương đang lựa chọn để đầu tư, phát triển. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, một trong 3 khâu đột phá là: Phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Để sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, ngày 16/6/2021 Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TU về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Về mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025 xây dựng Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào cơ bản đáp ứng các tiêu chí Khu du lịch quốc gia; Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm là khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp; xây dựng Lễ hội Thành Tuyên là sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có, mang thương hiệu cấp quốc gia; Danh thắng Quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình là trung tâm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá có thương hiệu cấp quốc gia, tiến tới thương hiệu quốc tế... Đó là quyết sách chiến lược, có tính bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thực tiễn phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới đã khẳng định vị thế quan trọng của văn hóa, con người trong chiến lược phát triển quốc gia. Văn hóa không chỉ giới hạn tầm vóc của mình trong chiều sâu những phẩm giá tinh thần mà còn là nguồn lực trực tiếp cho sự phát triển đất nước.
Gửi phản hồi
In bài viết