Khi phụ nữ khởi nghiệp
Bao đời nay, người dân Tri Phú (Chiêm Hóa) vẫn giữ quan niệm, làm ăn kinh tế, đứng mũi chịu sào là người đàn ông trong nhà. Thế nhưng có một người phụ nữ dân tộc Tày đã vượt mọi định kiến, vươn lên làm giàu.
Đó là chị Phạm Thị Hồng, một người phụ nữ thuộc thế hệ 8X. Chị Hồng chia sẻ, xã Tri Phú có diện tích chuối trên 300 ha, mấy năm trở lại đây giá chuối bấp bênh, việc tiêu thụ sản phẩm chuối phụ thuộc khá nhiều vào tư thương nên gây rất nhiều khó khăn cho người trồng chuối. Nhận thấy nguồn nguyên liệu sẵn có và mong muốn giúp bà con tiêu thụ sản phẩm, chị Phạm Thị Hồng đã vận động thành lập HTX Nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát với 11 thành viên chủ yếu là các hộ gia đình có diện tích lớn về cây chuối.
Chị Phạm Thị Hồng, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát xã Tri Phú (đứng thứ 3 từ trái qua phải) giới thiệu sản phẩm Trà túi lọc đậu đen xanh lòng.
Sau khi thành lập và đi vào hoạt động, mỗi ngày HTX cũng thu mua được từ 6 đến 7 tạ chuối cho người dân, các sản phẩm chuối sấy khô và chuối sấy dẻo làm ra được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Với nhiều phương thức đổi mới, Hợp tác xã Hồng Phát đã từng bước khẳng định vai trò của mình trong kết nối tiêu thụ nông sản cho người dân ở địa phương. Không chỉ có sản phẩm làm từ chuối, mít…, mấy năm gần đây HTX Nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát còn sản xuất sản phẩm trà túi lọc đậu đen xanh lòng Chiêm Hóa.
Sản phẩm trà túi lọc đậu đen xanh lòng và một số sản phẩm nông nghiệp khác của HTX Nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát đều được trồng, chế biến theo quy trình, sử dụng các loại phân bón an toàn trong suốt quá trình cây sinh trưởng và phát triển.
Riêng đối với sản phẩm Trà túi lọc đậu đen xanh lòng được HTX liên kết trồng, chăm sóc và kiểm soát nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn hữu cơ. Sản phẩm được chế chế biến theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015. Nguyên liệu (hạt đậu đen xanh lòng và hà thủ ô đỏ) sau khi thu mua về được sơ chế qua 11 công đoạn để cho ra thành phẩm trà túi lọc.
Với hương thơm riêng biệt của đậu đen kết hợp với hà thủ ô và vị ngọt thanh tự nhiên, trà túi lọc đậu đen xanh lòng Chiêm Hóa ngày càng được nhiều khách hàng tin dùng. Hiện nay sản phẩm đã có mặt ở 52/63 tỉnh thành như: Gian hàng của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hà Giang, Khách sạn Mường Thanh Tuyên Quang, các gian hàng OCOP tỉnh Tuyên Quang, siêu thị du lịch OCOP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, sân bay Quốc tế Nội Bài, khu dừng nghỉ Xuân Khiêm - Ninh Bình, khu trưng bày sản phẩm Làng Sen quê Bác, các chuỗi cửa hàng sạch tại Hà Nội…, sản phẩm trà túi lọc đậu đen xanh lòng còn được Văn phòng Quốc hội chọn làm quà biếu đại biểu.
Để tạo ra vùng nguyên liệu đủ lớn, không ngừng phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, ngoài việc duy trì liên kết vùng trồng 30 ha nguyên liệu với bà con dân tộc Mông ở thôn Khuôn Làn xã Tri Phú, HTX đã mở rộng liên kết vùng trồng thêm 30 ha đậu đen xanh lòng với các xã: Kim Bình, Bình Nhân, Trung Hòa (huyện Chiêm Hóa) và xã Thượng Giáp (huyện Na Hang). Đến nay, HTX đã liên kết ổn định với trên 50 hộ dân và duy trì diện tích 60 ha và cho thu hoạch khoảng 1,4 - 1,6 tấn/1 ha. Bình quân mỗi tháng Hợp tác xã sản xuất ra khoảng 8.000 - 9.000 hộp trà thành phẩm, với giá bán từ 90.000 đ - 100.000 đ/hộp; tạo việc làm ổn định cho nhiều hộ gia đình tham gia trồng đậu đen và 6 nhân công làm tại xưởng với thu nhập đạt từ 4,5 - 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Những nỗ lực của chị Phạm Thị Hồng và tập thể thành viên HTX Hồng Phát đã được ghi nhận xứng đáng: Sản phẩm trà túi lọc đậu đen xanh lòng đã được đánh giá đạt chất lượng OCOP 4 sao vào năm 2021; và năm 2022 được UBND tỉnh Tuyên Quang công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Năm 2024, trà túi lọc đậu đen xanh lòng được lựa chọn là 7 trong 7 sản phẩm nông sản được chọn xuất khẩu vào thị trường Anh quốc.
Thủ lĩnh của phụ nữ Sán Dìu
Không riêng chị Hồng, nhiều người phụ nữ dân tộc thiểu số cũng đã vượt qua định kiến. Với vai trò là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ninh Lai (Sơn Dương), chị Mạc Thị Chín, dân tộc Sán Dìu luôn trăn trở, cảm nhận rõ việc chị em ngại giao tiếp, ít khi đi xa ra khỏi cộng đồng, dẫn đến hạn chế tiếp cận các dịch vụ xã hội, tiếp cận cái mới. Để giúp chị em thoát khỏi suy nghĩ định kiến cổ hủ đó, chị đã đến từng nhà vận động tham gia hội.
Chị Chín tâm sự: “Với tỷ lệ người dân tộc thiểu số Sán Dìu chiếm tỷ lệ trên 70%, trước đây, phụ nữ trong xã hầu hết đều lui về sau, làm hậu phương, sớm tối chỉ biết đi nương làm đồng, may vá, mọi việc lớn nhỏ đều do người chồng quyết định nhưng bây giờ đã khác xưa rất nhiều. Thông qua các buổi tuyên truyền, chia sẻ kiến thức, chị em phụ nữ đã nhận thức được trách nhiệm cũng như quyền năng của bản thân nên đã mạnh dạn, cởi mở hơn để cùng chồng phát triển kinh tế gia đình cũng như các công việc khác ngoài xã hội và cũng biết tự làm đẹp cho bản thân”.
Chị Mạc Thị Chín (thứ 2 từ phải qua trái) tích cực truyền dạy văn hóa đồng bào Sán Dìu.
Nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số đã tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, khẳng định vai trò, vị trí của mình trong gia đình, xã hội. Quan niệm “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” dần được nhìn nhận tiến bộ hơn, thay vào đó là cùng nhau làm việc nhà, cùng nhau chăm sóc, nuôi dạy các con và tạo ra kinh tế chung của gia đình.
Chị luôn tích cực tham mưu, triển khai thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, cuộc vận động, hoạt động nhiệm vụ trọng tâm của Hội, tạo sức lan tỏa với phong trào thi đua như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, “Xây dựng gia đình 5 có 3 sạch”, góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam; “Xây dựng người phụ nữ Tuyên Quang có trí tuệ, có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng, có khát vọng vươn lên”. Hiện nay có trên 987 hộ gia đình hội viên đạt tiêu chí gia đình 5 không 3 sạch đạt tỷ lệ 97,4%; 100% các hộ gia đình sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; 16/17 thôn có tuyến đường hoa với tổng chiều dài 13.420 m.
Để bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Sán Dìu, chị đã tham mưu thành lập và ra mắt Câu lạc bộ “Sọng cô văn hóa, văn nghệ các dân tộc” tại thôn Ninh Thuận với 45 thành viên và Câu lạc bộ văn hóa dân gian dân tộc Sán dìu thôn Ninh Phú với 20 thành viên. Đặc biệt, chị Chín đã mở lớp truyền dạy văn hóa, tiếng nói, chữ viết và hát Soọng cô cho trẻ em trên địa bàn xã. Tham gia lớp học có 15 em nhỏ (độ tuổi từ 5 - 14) là học sinh dân tộc Sán Dìu trên địa bàn xã. Thông qua lớp học nhằm truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Sán Dìu cho thế hệ trẻ, góp phần giữ gìn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc Sán Dìu nói riêng, tinh hoa ngôn ngữ dân tộc Việt Nam nói chung.
Với những thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào phụ nữ, chị Chín đã nhiều lần được tặng Bằng khen, Giấy khen của tỉnh, huyện, xã.
Thời gian qua, thực hiện dự án 8 “bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em” (gọi tắt là Dự án 8) thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Các cấp Hội đã tổ chức 20 hội nghị tập huấn, hướng dẫn triển khai các nội dung Dự án 8; hướng dẫn hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao quyền năng kinh tế cho tổ, nhóm sinh kế; triển khai hoạt động của các mô hình địa chỉ tin cậy, tổ chức đối thoại chính sách ở cấp cơ sở; vận hành mô hình và phương pháp hỗ trợ nạn nhân; tập huấn cách thức thành lập, vận hành hoạt động quản lý Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Đồng thời, hướng dẫn thành lập, vận hành 133 Tổ truyền thông cộng đồng...
Dự án không chỉ góp phần nâng cao nhận thức, xóa bỏ định kiến mà còn thúc đẩy việc chăm lo đời sống, giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Gửi phản hồi
In bài viết