Sẻ chia khó khăn
Đồng hồ điểm 23 giờ, nhưng không khí làm việc tại trụ sở cơ quan Hội Nông dân tỉnh vẫn rất tất bật. Mỗi người một công việc, người bốc, người bê, người phân loại nhu yếu phẩm… Đây là cảnh quen thuộc tại cơ quan Hội trong những ngày ngập lụt và sau lụt. Bình quân, mỗi ngày cơ quan Hội có hàng trăm cán bộ, viên chức, hội viên nông dân và lực lượng công an, quân đội vẫn đang bốc dỡ, vận chuyển nhu yếu phẩm của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ Nhân dân tỉnh Tuyên Quang khắc phục hậu quả do bão, lũ đưa tới các địa phương trong tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Thị Vĩnh An, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh vừa bê thùng hàng xếp vào kho, vừa nói: “Hôm nay tiếp nhận trên 80 tấn hàng em ạ; giờ này cán bộ cơ quan vẫn chưa ai ăn cơm, mọi người làm từ trưa đến giờ đấy. Quyết tâm làm xong nốt xe hàng mới nghỉ”.
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân thành phố nắm tình hình thiệt hại trong sản xuất hội viên nông dân xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang).
Phát huy tinh thần “tương thân, tương ái” trước tình hình ảnh hưởng nghiêm trọng của bão, lũ tại các địa phương trong tỉnh, ngay từ tối ngày 10-9 đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội đồng lòng, chung sức hỗ trợ hộ dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng do bão, lũ; phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh vận động, tiếp nhận trên 500 tấn hàng hoá hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, nước ngoài gồm gạo, nước, mì tôm, thuốc khử khuẩn và các nhu yếu phẩm...
Các nhu yếu phẩm được lực lượng cán bộ, hội viên nông dân; cán bộ chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh; trung đoàn 148; Công an tỉnh, tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ đã làm việc không kể ngày, đêm, bất kể mưa gió để tiếp nhận, bốc xếp, phân loại, đóng gói, vận chuyển kịp thời hỗ trợ người dân vùng lũ.
Bà Trần Thị Xuân, tổ dân phố Vĩnh Thái, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hoá) là người dân có nhà bị ngập, cho biết, chúng tôi rất cảm động trước sự quan tâm và hỗ trợ kịp thời của các cấp Hội Chữ thập đỏ, Hội Nông dân. Những phần quà thiết thực như nước sạch và thực phẩm đã giúp gia đình tôi và các hộ dân khác vơi bớt khó khăn trong điều kiện sinh hoạt bị ngập úng.
Cán bộ, viên chức và hội viên nông dân tỉnh, thành phố và xã, phường, lực lượng Công an hỗ trợ vận chuyển nhu yếu phẩm trong đêm.
Chung tay tái thiết cuộc sống
Song song với hoạt động tiếp nhận, phân bổ hàng hoá hỗ trợ cho các địa phương vùng ngập lụt, sau lũ lụt, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực phối hợp với Hội Chữ thập đỏ cùng cấp tổ chức hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho hội viên nông dân và Nhân dân tại các địa phương.
Theo đồng chí Đào Thị Mai, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, sự sẻ chia của những tấm lòng hảo tâm dành cho người dân vùng lũ trong thời gian qua đã và đang tạo động lực lớn để những hộ bị thiệt hại vượt qua khó khăn ban đầu. Nhằm giúp người dân ổn định, tái thiết cuộc sống sau thiên tai, ngoài việc tặng quà, Hội Nông dân tỉnh phối hợp tổ chức đưa các đoàn thiện nguyện đến thăm hỏi, động viên, sẻ chia cũng như nắm bắt các khó khăn thực tế của hội viên nông dân và Nhân dân.
Tổ chức Hội đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh kết nối với các đoàn thiện nguyện hỗ trợ 2 hộ dân làm nhà mới; tặng quà, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và hướng dẫn xử lý môi trường sau mưa lũ cho 3.000 người dân; tổ chức thay dầu xe máy miễn phí cho gần 4.000 người dân; hỗ trợ 5.000 con gà giống và hạt rau giống…
Hội Nông dân huyện Yên Sơn phối hợp Công ty cổ phần Vệ sinh môi trường Hà Nội tập huấn, hướng dẫn người dân xã Xuân Vân, Phúc Ninh phục hồi cây bưởi sau ngập lụt.
Anh Lê Văn Cỏ, thôn Tòong, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) là một trong những hộ được nhận gà giống của Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ hộ dân bị ảnh hưởng bão lũ ngày 29-9 vừa qua nói, tôi rất cảm động khi được cơ quan Hội Nông dân tỉnh và đơn vị mạnh thường quân hỗ trợ gà con giống và cám cho gà. Gia đình tôi sẽ cố gắng chăm sóc tốt đàn gà khoẻ mạnh, để có thêm nguồn thu nhập cho gia đình.
Để có phương án hỗ trợ lâu dài và hiệu quả hơn, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh vận động các tổ chức, cá nhân tiếp tục hỗ trợ cho hội viên, nông dân về gạo, các loại con giống, cây giống và hỗ trợ về khoa học kỹ thuật để tái thiết sản xuất…
Bên cạnh đó, Hội phối hợp với ngành ngân hàng rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại của các hộ hội viên vay vốn sản xuất, kinh doanh để có phương án cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giảm lãi; ban hành gói tín dụng với mức lãi suất hợp lý để đồng hành cùng người nông dân hồi phục sau bão lũ.
Đồng thời, chỉ đạo các cấp Hội thường xuyên bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình, đời sống từng hộ dân để tham mưu kịp thời, chính xác cho cấp ủy, chính quyền biện pháp tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt gây ra, nhất là những nơi bị thiệt hại nặng; vận động hội viên, nông dân và các lực lượng trên địa bàn giúp các hộ bị thiệt hại sửa chữa lại nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi, làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường sau lũ lụt...
Những hoạt động này không chỉ thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, mà còn khẳng định vai trò của Hội Nông dân trong việc hỗ trợ cộng đồng, giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn và phục hồi cuộc sống sau thiên tai.
Gửi phản hồi
In bài viết