Vươn lên từ gian khó
Về xã Sơn Nam (Sơn Dương), hỏi đến chị Trần Thị Sen, dân tộc Sán Dìu, thôn Cao Đá ai cũng biết. Chị là một trong những tấm gương tiêu biểu về phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Chị Sen cho biết, chị sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nông nghiệp. Với quyết tâm vươn lên thoát nghèo, năm 2003, chị cải tạo lại diện tích đất vườn, đầu tư xây dựng 100 m2 chuồng trại nuôi lợn. Vừa chăn nuôi, vợ chồng chị lại kết hợp làm xưởng mộc phục vụ bà con trong và ngoài xã.
Mô hình chăn nuôi lợn của chị Trần Thị Sen, dân tộc Sán Dìu, thôn Cao Đá, xã Sơn Nam (Sơn Dương).
Nhờ duy trì được nghề xưởng mộc nên có vốn, năm 2020, chị bàn với chồng đầu tư trên 400 triệu đồng, xây dựng lại chuồng mới diện tích hơn 1.000 m2, theo hệ thống chuồng hiện đại, có quạt thông gió, hầm Biogas. Chị đầu tư chăn nuôi trên 300 con lợn thịt và lợn giống. Cuối năm, chị bán được 10 tấn lợn với giá 80 nghìn đồng/kg. Hiện nay gia đình chị duy trì 40 lợn nái và gần 300 con lợn thịt. Năm 2020, gia đình chị thu nhập trên 1 tỷ đồng, riêng xưởng gỗ tạo việc làm cho 6 lao động địa phương với mức lương từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Kinh tế gia đình phát triển, các con của chị cũng được học hành nên người, cậu con trai cả của chị hiện đang làm việc tại Nhật Bản, cháu thứ 2 học Trường Đại học Thăng Long - Hà Nội, còn con gái út của anh chị đang học lớp 2.
Rời xã Sơn Nam, chúng tôi đến thôn Phú Thọ I, xã Trường Sinh, gặp chị Đinh Thị Thanh, một người có tài “điều khiển” bò sinh sản. Trong ngôi nhà khang trang giá trị lên đến hơn 1 tỷ đồng, đầy đủ tiện nghi, chị Thanh khoe với chúng tôi, đây là toàn bộ tài sản từ chăn nuôi bò sinh sản của gia đình chị.
Năm 2019, chị bàn với gia đình mạnh dạn đầu tư trên 700 triệu đồng, mua 40 con bò sinh sản tại Trại giống Hà Tây, xây dựng 15 gian chuồng, diện tích trên 400 m2, chăn nuôi để cung cấp giống cho bà con quanh xã và các tỉnh lân cận. Chị chia sẻ, nuôi bò sinh sản thu nhập cao hơn nuôi các loại con khác, nhưng vất vả hơn vì bò sinh sản đòi hỏi phải chăm sóc cẩn thận đúng kỹ thuật, chế độ ăn đúng tiêu chuẩn, đảm bảo vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêm phòng cho bò đúng định kỳ. Chị theo học lớp chăn nuôi thú y ngắn ngày và tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản. Chị chủ động tham gia học tập, tham quan các mô hình phát triển kinh tế trong và ngoài tỉnh do Hội LHPN tổ chức. Trong quá trình chăn nuôi bò sinh sản chị chủ động tiêm đủ hai loại vắc-xin phòng bệnh là lở mồm long móng và tụ huyết trùng, chuồng trại phải bảo đảm thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Giống bò này nuôi từ 8 tháng là bắt đầu vỗ béo, thời điểm này phải cho ăn điều độ, đủ chất dinh dưỡng để nó sinh sản tốt. Sau nhiều năm vừa học vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, đến nay trang trại của gia đình chị hiện có 65 con bò, trong đó có 25 con bê, trung bình 1 con bê con nuôi từ 8 - 10 tháng có giá bán từ 10 đến 15 triệu đồng, con nào đẹp giá bán còn cao hơn. Những con bò vỗ béo trung bình nuôi khoảng 5 tháng, xuất bán mỗi con lãi khoảng 7 đến 9 triệu đồng. Gia đình chị tạo việc làm cho 2 lao động địa phương với mức lương gần 5 triệu đồng/người/tháng. Chị Thanh cũng nhiệt tình hướng dẫn chị em ứng dụng khoa học kỹ thuật về chăn nuôi bò sinh sản để cùng phát triển kinh tế thoát nghèo.
Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất
Những phụ nữ làm kinh tế giỏi của Sơn Dương họ luôn là những người tiên phong trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, sáng tạo trong sản xuất để tăng thu nhập cho gia đình.
Chị Đinh Thị Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết, toàn huyện hiện có 32 cơ sở hội với hơn 27 nghìn hội viên, sinh hoạt tại 400 chi hội. Hỗ trợ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, đẩy mạnh hiệu quả phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Từ năm 2015 đến nay, Hội đã tổ chức 650 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 15 nghìn hội viên về tìm hiểu kiến thức sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn, chăn nuôi theo hướng sinh học, an toàn... để nâng cao hiệu quả chuỗi sản xuất nông nghiệp.
Mô hình chăn nuôi gà siêu trứng của chị Hoàng Thị Đường, thôn Giếng, xã Đại Phú (Sơn Dương).
Hai năm gần đây, gia đình chị Hoàng Thị Đường, thôn Giếng, xã Đại Phú đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại nuôi hơn 2.000 con gà siêu trứng theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng sản phẩm. Sự thành công của mô hình đã mở ra hướng phát triển kinh tế của gia đình mỗi năm cho thu nhập gần 200 triệu đồng. Chị Đường phấn khởi nói, nhờ được tham gia lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi do Hội Phụ nữ xã tổ chức, chị đã mạnh dạn áp dụng vào chăn nuôi của gia đình. Nuôi gà siêu trứng được xem là một nghề cho lợi nhuận cao, vì vậy trong thời gian tới, gia đình chị sẽ mở rộng chuồng trại lên đến 3.000 con.
Đến nay, Hội LHPN huyện đã thành lập 5 tổ hợp tác, 1 nhóm phụ nữ cùng sở thích trồng cây ăn quả, xây dựng và phát triển mới trên 265 mô hình kinh tế cho thu lãi 100 triệu đồng/năm. Tiêu biểu như chị Lương Thị Thủy, tổ dân phố Đồng Tiến, thị trấn Sơn Dương với mô hình vườn ao chuồng rừng; Chị Nguyễn Thị Lan, thôn Thượng Bản, xã Quyết Thắng, kinh doanh vật liệu xây dựng... Các mô hình kinh tế thu nhập tiền trăm lên đến tiền tỷ thời gian qua đều được Hội Phụ nữ huyện lựa chọn làm điểm để quảng bá, nhân rộng để hội viên trong và ngoài huyện tham quan học tập kinh nghiệm.
Với tinh thần dám nghĩ, dám làm giàu, những mô hình kinh tế có giá trị kinh tế cao của nhiều hội viên phụ nữ trên mảnh đất quê hương cách mạng đang góp phần tô điểm cho bức tranh kinh tế của Sơn Dương thêm phần khởi sắc.
Gửi phản hồi
In bài viết