Chung tay phòng, chống dịch
Ngay từ những ngày đầu dịch Covid-19 bùng phát, thầy và trò Viện Kỹ thuật hóa học và Viện Công nghệ sinh học - thực phẩm (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) đã tiến hành nghiên cứu, sản xuất dung dịch khử khuẩn để phục vụ cho hơn 35 nghìn sinh viên, cán bộ nhà trường và cộng đồng. Tháng 4-2020, một nhóm nghiên cứu liên ngành giữa 5 viện của trường được thành lập để nghiên cứu, chế tạo máy thở BK-Vent, với các tiêu chí: Đơn giản, tận dụng tối đa nguồn nguyên vật liệu sẵn có, giá thành rẻ và thời gian chế tạo ngắn.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Duy Hải, Giám đốc Trung tâm Điện tử y sinh (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), máy thở BK-Vent được chế tạo dựa theo các yêu cầu và quy định của Bộ Y tế, các khuyến cáo của Hiệp hội Phát triển thiết bị y tế thế giới (AAMI). Máy hoạt động đơn giản với các linh phụ kiện thiết yếu được sản xuất hoàn toàn trong nước. Sản phẩm chế tạo mẫu đã được Viện Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) tiến hành đo lường, kiểm tra và đánh giá đạt các thông số kỹ thuật.
"Tiếp sau đó, nhà trường lần lượt công bố những thiết bị, sản phẩm nghiên cứu sáng tạo, các giải pháp giúp hạn chế lây lan, bảo vệ cộng đồng, như: Bộ kit thử nhanh vi rút corona RT-Lamp; buồng khử khuẩn toàn thân di động; robot tự hành có thể thu thập thông tin, nhận diện giọng nói và tương tác với con người bằng tiếng Việt để phục vụ trong các lĩnh vực dịch vụ y tế, cứu hộ...", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Duy Hải cho biết.
Bên cạnh đó, nhiều công trình nghiên cứu của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã được đưa ra giới thiệu và ứng dụng, như: Công nghệ JEVA cô đặc và giữ được hương vị tự nhiên của nước quả, hạn chế tối đa thiệt hại cho người nông dân trong bối cảnh thị trường nông sản Việt Nam gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19; sản phẩm vải bông 100% dệt thoi kháng khuẩn, sử dụng hoạt chất kháng khuẩn chitosan sản xuất tại Việt Nam để may khẩu trang theo các tiêu chuẩn quốc tế, diệt khuẩn được trên 90%.
Chung tay phòng, chống dịch Covid-19, mới đây nhất, nhóm BK307 gồm 5 sinh viên Viện Cơ điện tử của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã thiết kế máy giám sát truyền dịch. Thiết bị này sử dụng bức xạ hồng ngoại để kiểm soát và đo tốc độ truyền dịch, hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 và giảm gánh nặng cho các y, bác sĩ chống dịch. Theo các thành viên BK307, điểm mới của sản phẩm này là các thiết bị trong một phòng, một tầng, một khu vực sẽ được liên kết với nhau; nhân viên giám sát sẽ quản lý được tất cả danh sách bệnh nhân, loại dung dịch đang được truyền, tốc độ truyền dịch, số lượng bình cần truyền, số lượng bình đã thay…
Lan tỏa ý tưởng sáng tạo vì cộng đồng
Các sản phẩm nêu trên là kết quả của quá trình tích lũy kiến thức, kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo của nhiều đơn vị trong Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Phó Giáo sư Phan Trung Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Công nghệ cao su, Viện Kỹ thuật hóa học (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), người đứng đầu nhóm chế tạo những thiết bị y tế giúp cách ly các ca nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 chia sẻ: “Đội ngũ giảng viên và sinh viên của trường luôn trăn trở trước các vấn đề của cuộc sống đặt ra. Vì thế, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chúng tôi đã nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, sáng chế những sản phẩm thiết thực, chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi dịch Covid-19”.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ngoài ưu thế về kỹ thuật, công nghệ, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã phát huy tinh thần chủ động trong hoạt động khoa học, hình thành những nhóm nghiên cứu phù hợp với môi trường, xu thế, thúc đẩy lan tỏa những ý tưởng sáng tạo vì cộng đồng. "Năm 2020, nhà trường là cơ sở giáo dục đại học Việt Nam duy nhất vinh dự nhận giải thưởng “Đổi mới sáng tạo năm 2020” của Clarivate (Anh) - Công ty dẫn đầu toàn cầu trong việc cung cấp thông tin chi tiết và phân tích tin cậy về uy tín chất lượng nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng cho biết.
Đánh giá về những đóng góp của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong phòng, chống dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết, nhà trường đã phát huy tinh thần chủ động trong nghiên cứu khoa học, có nhiều công trình được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn, góp phần quan trọng kiểm soát dịch bệnh. “Tôi mong tinh thần này sẽ được lan tỏa sâu rộng trong toàn hệ thống giáo dục, đóng góp hiệu quả trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 của đất nước”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chia sẻ.
Gửi phản hồi
In bài viết