Anh Tạ Xuân Trình, Chủ tịch UBND xã Phú Thịnh cho biết: Hiện thôn Nghẹt là thôn đang có tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch cao nhất xã. Không ai nghĩ năm 2010 nhân dân trong thôn chỉ có chưa đến 5% người dân sử dụng nước sạch, nhưng đến nay con số đã tăng lên trên 95%. Để có được kết quả này, ngoài sự tự giác của nhân dân còn là sự chung tay của các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó đội ngũ cán bộ y tế, hội phụ nữ, đảng viên trong xã là nòng cốt, đã tích cực xuống thôn, bản tuyên truyền vận động đến từng hộ dân, thậm chí cầm tay, chỉ việc đến từng hộ thực hiện.
Người dân thôn Nghẹt, xã Phú Thịnh (Yên Sơn) sử dụng nước sạch.
Trong căn nhà sàn bê tông khang trang, Trưởng thôn Lý Văn Rau bồi hồi nhớ lại, năm 2012 sau khi được Hội chữ thập đỏ Na Uy đầu tư 1 tỷ đồng để làm bể chứa lọc nước sạch khối lượng 1.000m3, bà con trong thôn ai cũng phấn khởi, bao năm mong mỏi nguồn nước sạch thì nay đã thành hiện thực. Nhân dân bỏ công cùng đơn vị thi công làm gần 2.000 mét đường ống chạy từ bể chứa ở cuối thôn đến tận đầu thôn, đảm bảo 100% gia đình trong thôn sử dụng nước sạch. Thôn Nghẹt hiện có 114 hộ dân thì nhà ai cũng có nước sạch sử dụng, với số tiền 1.000đ cho 1 m3 nước hoàn toàn phù hợp với điều kiện kinh tế nhân dân trong thôn.
Thực tế, hệ thống đường ống dẫn nước sạch đến từng gia đình đều làm bằng cao su, nếu được chôn dưới đất thì độ bền vĩnh cửu. Chính vì nắm được đặc tính đó mà trong thôn Nghẹt luôn có quy ước bảo vệ đường ống là bảo vệ mạch sống của gia đình. Anh Đặng Văn Nhàn chia sẻ, nhà anh ở cuối thôn, gần bể chứa nước, công việc bảo vệ đường ống dẫn từ bể chứa ra các gia đình được anh luôn có ý thức thực hiện. Anh cũng thường xuyên cùng mọi người đi lấp các đường ống bị hở do xói mòn, đảm bảo đường ống luôn được bảo vệ tốt nhất. Gia đình anh Nhàn cũng là hộ tiên phong hiến 300m2 đất để lắp các đường ống được thông suốt và đảm bảo an toàn.
Trưởng thôn Nghẹt - Lý Văn Rau (ngoài cùng bên phải) thường xuyên nhắc nhở nhân dân có ý thức bảo vệ đường ống.
Ngoài dùng nước sạch, thôn Nghẹt cũng đi đầu trong việc sử dụng nhà vệ sinh đạt chuẩn. Toàn thôn có trên 85% số gia đình có nhà vệ sinh đạt chuẩn. Năm 2016, chương trình làm nhà vệ sinh đạt chuẩn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh được triển khai, nhằm khuyến khích người dân thực hiện, cùng với công tác tuyên truyền, vận động, lãnh đạo xã đã đưa ra giải pháp hỗ trợ người dân tiền vận chuyển ống cống làm bể chứa nhà tiêu. Đây đã trở thành một đòn bẩy quan trọng trong thực hiện dự án. Ngày đó, Trưởng thôn Lý Văn Rau đã đi đầu, hỗ trợ 5 triệu đồng cho 10 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trong thôn làm nhà tiêu.
“Người người, nhà nhà trong thôn, trong xã đua nhau làm nhà tiêu hợp vệ sinh, mình không làm được cảm thấy xấu hổ lắm” - bà Bàn Thị Phượng nói. Mặc dù là hộ nghèo, gia đình bà cũng cố gắng xoay sở làm được nhà tiêu trong tháng 3 - 2018 với trị giá 900 nghìn đồng (chưa tính tiền công).
Có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh, người Dao thôn Nghẹt không còn mắc các bệnh ngoài da, bệnh về tiêu hóa như trước. Anh Lý Văn Ngọc, Tổ trưởng Tổ nước sạch và vệ sinh môi trường của thôn cho biết: Ngày xưa bản thân gia đình anh con cái thường xuyên mắc bệnh giun, sán và bị mắc bệnh ngoài da do tập quán của đời cha ông để lại. Từ khi có nước sạch, có công trình vệ sinh đạt chuẩn những căn bệnh cố hữu đã được đẩy lùi, hiện anh đang thực hiện công tác bảo vệ công trình nước sạch của thôn và coi đây như trách nhiệm với cuộc sống bà con trong thôn.
Trước khi triển khai các dự án, nhiều người đã nghĩ khó có thể thực hiện được mục tiêu đề ra bởi để thay đổi nhận thức, thói quen của người dân, đặc biệt là đồng bào vùng dân tộc thiểu số về sử dụng nước sạch, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh là việc khó. Nhưng đến nay, với những lợi ích thiết thực mà chương trình mang lại đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về nước sạch và vệ sinh môi trường. Đồng thời góp phần bảo vệ sức khỏe cho người dân, để yên tâm lao động, sản xuất phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết