Tay vợt Nguyễn Thùy Linh (hạng 60 thế giới) đạt thành tích cao do có sự đầu tư tốt và hiệu quả. (Nguồn ảnh: thanhuytphcm.vn)
Những tay vợt hàng đầu của cầu lông Việt Nam vừa tham dự Giải cầu lông Việt Nam mở rộng năm 2022 (Vietnam Open 2022). Đây là giải quốc tế quan trọng nhất được tổ chức ở nước ta trong năm nay sau SEA Games 31. Lãnh đạo Liên đoàn Cầu lông Việt Nam cũng xác nhận, giải đấu là cơ hội để các tay vợt thuộc đội tuyển quốc gia và các vận động viên địa phương được trực tiếp thi đấu với các đối thủ quốc tế nhằm cạnh tranh những thành tích cao nhất.
Liên tiếp trong tháng 9 này, đã có nhiều tín hiệu đáng mừng, tạo hiệu ứng ủng hộ cho những đổi mới của cầu lông nước nhà khi tay vợt nữ Nguyễn Thùy Linh, vô địch đơn nữ giải cầu lông quốc tế tại Bỉ và trước đó là gương mặt Vũ Thị Anh Thư vô địch giải cầu lông quốc tế tại Pháp. Anh Thư còn giành Huy chương đồng giải cầu lông tại Latvia. Đồng đội của cô là Nguyễn Hải Đăng cũng giành Huy chương đồng tại giải đấu. Họ đang là các tay vợt được người hâm mộ quan tâm nhất, trong khi Nguyễn Tiến Minh đã bắt đầu lui về phía sau.
Sau SEA Games 31, Phó vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 2 (Tổng cục Thể dục Thể thao) Lê Thanh Hà cho biết: Đội tuyển quốc gia đã bước vào giai đoạn mới, nhiều gương mặt cựu trào sẽ không tập trung nữa như Nguyễn Tiến Minh, Vũ Thị Trang, Đỗ Tuấn Đức, Phạm Như Thảo, Hồng Nam. Ông Lê Thanh Hà cho biết: “Cơ hội để cho các vận động viên trẻ tập luyện và tham dự các giải quốc tế nhằm tăng thêm chuyên môn là nhiều hơn. Chúng tôi luôn luôn chờ đợi cho những người mới đạt chuyên môn tốt nhất”.
Tay vợt nữ Nguyễn Thùy Linh không phải là người mới, nhưng việc cô liên tục duy trì được thứ hạng ở tốp 60 tay vợt nữ đứng đầu thế giới thời gian qua, đồng thời liên tiếp dự giải quốc tế từ sau SEA Games 31 là minh chứng cho thấy vận động viên này đã nhận được sự đầu tư đáng kể.
Đại diện của nhà phân phối nhãn hàng Yonex (Nhật Bản) chuyên về trang thiết bị môn cầu lông tại Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi có các hợp đồng tài trợ cá nhân với các vận động viên mạnh của Việt Nam cũng như tài trợ cho đội tuyển quốc gia và đội tuyển cầu lông trẻ Thành phố Hồ Chí Minh. Điều đó cho thấy chúng tôi và các đơn vị khác luôn sẵn sàng đồng hành tham gia phát triển với cầu lông Việt Nam”.
Ngôi vô địch Giải cầu lông Vietnam Open 2022 giúp Thùy Linh lần đầu tiên đăng quang trong hệ thống Super 100 để có thêm 5.200 điểm cho thấy sự đầu tư đã đạt kết quả tốt.
Từ giải trẻ vô địch quốc gia, nhiều tay vợt đang cho thấy sự tiến bộ vượt bậc như: Trần Lê Mạnh An (Đồng Nai), Trần Quốc Khánh (Bắc Giang), Nguyễn Minh Hiếu, Nguyễn Văn Mai (cùng Hà Nội).
Trong khi qua giải nhóm tuổi thiếu niên, Nguyễn Minh Cường (U9, TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Quang Minh (U13, Ninh Bình), Nguyễn Đình Tâm (U11, Điện Biên), Vũ Thanh Dương (U11, Công an Nhân dân), Phạm Gia Thuận (U9, TP Hồ Chí Minh), Lê Minh Sơn, Nguyễn Văn Mai (U17, Hà Nội), Nguyễn Xuân Minh Trí (U15, Hải Phòng), Nguyễn Tất Duy Lợi (U15, Thừa Thiên Huế)... đã thể hiện rất tốt về chuyên môn.
Ông Khoa Trung Kiên, phụ trách bộ môn cầu lông của Tổng cục Thể dục Thể thao cho biết: “Chúng tôi luôn theo sát các vận động viên ở các giải trẻ vì đây là nơi các tay vợt triển vọng hé lộ. Dĩ nhiên, chỉ năng lực bản thân thôi chưa đủ mà cần nguồn lực của địa phương, gia đình, xã hội đồng hành thì mới phát triển lâu dài được”.
Một trong những mục tiêu mà Liên đoàn Cầu lông Việt Nam đang tập trung thực hiện là tìm thêm nguồn xã hội hóa để chung tay đưa các vận động viên trẻ dự thi đấu các giải quốc tế nhiều hơn. Trường hợp của Anh Thư và Hải Đăng là thí dụ cụ thể nhất bởi các chương trình thi đấu tại châu Âu của họ có nguồn chi trả từ phía Thành phố Hồ Chí Minh.
Việc được cọ xát, tích lũy kinh nghiệm đã giúp các tay vợt như Anh Thư ghi những dấu ấn thành tích và liên tiếp tăng bậc tại bảng xếp hạng thế giới (vào nhóm 250 tay vợt nữ thế giới), đồng thời cho thấy hiệu quả của sự phối hợp giữa Liên đoàn Cầu lông Việt Nam và địa phương thời gian qua.
Gửi phản hồi
In bài viết