Niềm vui năm học mới

- Ngày 5-9-1945, chỉ ba ngày sau khi đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Thư gửi cho các học sinh” nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Kể từ đó, ngày 5-9 trở thành ngày khai giảng năm học mới của ngành Giáo dục Việt Nam.

Cao trào bình dân học vụ

Ngày khai trường vào mùa Thu lịch sử năm 1945 ấy là ngày khai trường đầu tiên sau 80 năm nô lệ, khắc ghi công lao của thế hệ cha anh đã phải đổ biết bao mồ hôi, xương máu giành độc lập. Để từ đây, ngày 5-9 mở ra một nền giáo dục mới thấm đậm chủ nghĩa nhân văn cao cả - tôn trọng con người, vì con người và cho con người, nhằm phát triển con người một cách toàn diện. Cùng năm đó Bác Hồ kêu gọi chống mù chữ, đó là lúc nạn đói đang hoành hành và cũng là lúc ở miền Nam của Tổ quốc, giặc Pháp đang trở lại xâm lược một lần nữa. Lời Bác kêu gọi “Chống nạn thất học” lập tức trở thành một sự kiện lớn trong đời sống văn hóa của đất nước lúc bấy giờ.

Trường Tiểu học thị trấn Na Hang có cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu dạy và học trong năm học mới 2022 - 2023. Ảnh: Huy Hoàng

Thấm nhuần lời dạy của Bác, lại có Nha Bình dân học vụ mà Chính phủ vừa lập ra để trông nom việc học của dân chúng, cả một cao trào hưởng ứng và học tập. Cả một thời kỳ vận động bình dân học vụ  rất sâu sắc và với một quy mô rộng lớn. Sau đó các khẩu hiệu “Đi học bình dân học vụ là yêu nước”, “Chống mù chữ cũng như chống ngoại xâm”, “Giặc dốt diệt, Việt Nam cường”...  được viết dán ở từng nhà, mặt tường thân cây. Lớp học mở khắp nơi, tại các trường, tại đình, chùa, tại nhà dân. Lớp bên vỉa hè, trên đê, trên xích lô, trên thuyền, ngoài ruộng, có lớp mở ở trại giam cho phạm nhân. Ban đêm ở thành thị thắp đèn điện, ở nông thôn thắp đèn dầu hỏa, có nơi dùng dầu lạc, đốt trái mù u, hạt bưởi, nhựa trám để lấy ánh sáng mà học. Giấy viết không có thì dùng than, dùng gạch viết trên nền xi măng, dùng que viết lên đất.

Hiện nay, công tác giáo dục ở Tuyên Quang là sự kế thừa và phát huy cao độ phong trào bình dân học vụ những năm xưa. Với những kết quả đã đạt được, năm 2001 tỉnh được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục THCS, năm 2013 tỉnh đã được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Niềm vui trong năm học mới

Đến thời điểm này, tất cả cấp bậc học trên địa bàn tỉnh đã sẵn sàng cho ngày khai giảng, đón chào năm học mới 2022-2023. Năm học 2022-2023, toàn tỉnh có trên 226 nghìn học sinh ở các bậc học trong đó học sinh bậc mầm non có 55.854 trẻ, tiểu học có 84.837 học sinh, THCS 58.158 học sinh, 27.794 học sinh bậc THPT. Trong năm học này tăng 3.524 học sinh so với năm trước.

Thực hiện lời dạy của Bác, trong những năm qua, các trường học trên địa bàn tỉnh luôn luôn phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục. Năm học 2022 - 2023, mặc dù dịch Covid-19 đã ổn định hơn so với năm học trước, nhưng cũng đã phần nào ảnh hưởng đến các hoạt động của ngành giáo dục, nhưng với phương châm triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tỉnh đã thực hiện thành công vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa bảo đảm hoàn thành kế hoạch năm học.

Cô và trò trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Lâm Bình ổn định nền nếp sẵn sàng cho năm học mới.

Ghi nhận tại Trường THPT Xuân Xuân (Yên Sơn), những ngày đầu tựu trường, học sinh đến trường với tâm lý vui tươi, phấn khởi. Thầy Ma Văn Thuận, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học 2022 - 2023, trường có 925 học sinh, trong những ngày đầu đến trường 100% học sinh các khối đã tựu trường. Để đón học sinh quay trở lại trường học tập sau thời gian nghỉ hè, trước đó các thầy cô cùng các em học sinh đã vệ sinh sạch sẽ các phòng học, nhà vệ sinh, đặc biệt là chuẩn bị tốt các điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác như phun khử khuẩn toàn bộ khuôn viên nhà trường, khẩu trang, nước sát khuẩn…

Đến thăm Trường Tiểu học Thổ Bình (Lâm Bình) vào những ngày này, không khí vui tươi, phấn khởi chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới đang ngập tràn trên từng khuôn mặt của các em học sinh và thầy cô giáo nhà trường. Em Ma Ngọc Thành, học sinh lớp 5A của trường, bộc bạch: “Chúng em vui lắm khi năm học mới được học trong phòng học mới, có gắn quạt mát nữa. Mấy ngày nay, chúng em cùng với giáo viên trang trí lớp mình cho thật đẹp để tạo không khí học tập thoải mái, hấp dẫn hơn”. Năm học mới này, trường Tiểu học Thổ Bình có 12 phòng học được xây mới, và một số lớp học, khuôn viên sân trường được sửa chữa. Cô Ma Thị Nhẫn, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Huyện ủy, UBND huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo cùng các nhà hảo tâm mà năm học 2022-2023 thầy và trò chúng tôi có những lớp học mới, khang trang. Bắt đầu từ năm học này, chúng tôi đã không còn phải lo cảnh học ghép và cơ sở vật chất xuống cấp như trước nữa”.

Mặc dù đã qua gần một tuần học đầu tiên, nhưng cũng có nhiều em học sinh đầu cấp còn lạ lẫm với ngôi trường mới, bạn mới, thầy cô mới và các nội quy mới. Em Nguyễn Phương Thảo, lớp 6G, trường THCS Phan Thiết chia sẻ, ngày đầu đến nhận lớp em không quen ai, mọi cái đều mới với em. Nhưng sau mấy ngày làm quen với môi trường học tập mới nhờ sự giúp đỡ, gần gũi của các thầy cô nên đến nay em đã bắt nhịp được và đã sẵn sàng cho một năm học mới.

Năm học mới sắp bắt đầu. Hành trình mới lại mở ra. Hành trang chúng ta mang theo không chỉ là lịch sử gần 80 năm truyền thống của nền giáo dục một nước độc lập, không chỉ là những trang vàng của những mái trường trải qua một thế kỷ trồng người mà còn là hoài bão, ước mơ của học sinh, là niềm hy vọng của gia đình, của thầy cô, là kỳ vọng của quê hương, Tổ quốc, là những yêu cầu cấp bách của thời đại mới. Vẫn biết rằng còn có muôn vàn khó khăn, con đường chinh phục tri thức chưa bao giờ là dễ dàng, nhưng với quyết tâm cao độ của lãnh đạo các cấp, sự đồng lòng và khát vọng trí tuệ của mỗi người thì một năm học mới, một vụ mùa vàng bội thu sẽ lại về với thầy và trò trên địa bàn toàn tỉnh.

Minh Hoa

Tin cùng chuyên mục