Xây dựng sản phẩm OCOP
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 xã có ít nhất 1 sản phẩm được công nhận OCOP. Thực hiện mục tiêu này, Đảng ủy xã đã phân công cho các ủy viên, phát huy sự sáng tạo của đảng viên trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả, từ đó lựa chọn sản phẩm OCOP phù hợp với địa phương.
Năm 2020, nêu gương trong phát triển kinh tế, đồng chí Nguyễn Xuân Huế, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã là người đầu tiên của xã trồng thử nghiệm 0,3 ha cây bí thơm, năng suất ước đạt 20 tấn/ha. Từ hiệu quả bước đầu của mô hình này, Đảng ủy xã đã giao cho Đoàn xã chỉ đạo 6 chi đoàn vận động đoàn viên thanh niên trồng 5 ha bí thơm. Cho đến nay, diện tích bí thơm toàn xã đạt trên 4 ha. UBND xã định hướng bí thơm là sản phẩm OCOP trong năm 2025.
Cùng với bí thơm, Đảng ủy, UBND xã lựa chọn, định hướng cây lạc vụ xuân, cá chép ruộng là sản phẩm OCOP địa phương. Hiện nay, toàn xã đã có 5 ha lạc xuân, 1,5 ha ao cá chép ruộng. UBND xã phối hợp với các đơn vị chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho chủ các mô hình để nâng cao chất lượng, sản lượng.
Anh Nguyễn Văn Hiệp, Bí thư Đoàn xã bày tỏ tin tưởng, dù còn nhiều khó khăn, song dưới sự định hướng đúng đắn của Đảng ủy, nỗ lực của cán bộ, đảng viên, đồng lòng của nhân dân, xã sẽ xây dựng thành công sản phẩm OCOP để tạo “đòn bẩy” phát triển kinh tế nông thôn trong giai đoạn tiếp theo.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thượng Giáp Nguyễn Xuân Huế tuyên truyền cho đoàn viên,
thanh niên về giá trị của cây gai lấy sợi.
Thêm cây trồng mới
Đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng bộ xã Thượng Giáp đã tích cực nêu gương trong phát triển kinh tế. Ngoài tiên phong mở rộng diện tích cây trồng, vật nuôi đặc trưng của địa phương như bí thơm, lạc vụ xuân, cá chép ruộng, cán bộ, đảng viên của xã còn mạnh dạn trồng mới cây gai lấy sợi.
Dẫn chúng tôi đi thăm diện tích cây gai vừa mới trồng từ tháng 7, đồng chí Nguyễn Xuân Huế, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã cho biết, bánh gai làm từ cây gai xanh từ lâu nay đã rất quen thuộc với đồng bào Dao, Tày. Nhưng trồng cây gai xanh lấy sợi thì chỉ mới triển khai tại địa phương. Từ đầu năm 2022, ngay sau khi làm việc với đại diện Tập đoàn An Phước (Thanh Hóa), cán bộ xã nhận thấy việc trồng gai lấy sợi không những cho hiệu quả kinh tế cao mà còn có nhiều lợi ích về mặt môi trường. Bên cạnh đó, đặc điểm của cây gai xanh là không chịu được ngập úng và thích hợp với đồi núi cao, nhu cầu nước tưới không nhiều như một số loại cây trồng khác. Đây là lợi thế của địa phương nên cán bộ chủ chốt của xã bắt tay vào thực hiện ngay. Ban đầu toàn xã có 6 hộ là cán bộ chủ chốt và đảng viên của xã đăng ký trồng 6 ha cây gai lấy sợi.
Triển khai trồng từ tháng 7 đến nay, toàn xã đã trồng được 12 ha cây gai lấy sợi. Trong đó, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nguyễn Xuân Huế trồng 1 ha; Nguyễn Văn Hằng, Chủ tịch UBND xã trồng 1,7 ha; Nguyễn Ngọc Tú, Phó Chủ tịch UBND xã trồng 0,6 ha; Hoàng Thị Huynh, đảng viên Chi bộ thôn Nà Thài trồng 1,2 ha. Sự tiên phong của cán bộ, đảng viên trong chuyển đổi cây trồng đã giúp người dân trong xã noi theo.
Anh Nguyễn Văn Thái, người dân thôn Bản Muông vừa trồng 1,4 ha cây gai xanh trên đất rừng sản xuất và màu đồi. Anh Thái cho biết, được cán bộ tuyên truyền, vận động, anh đã tìm hiểu về hiệu quả kinh tế của cây gai xanh và đăng ký trồng ngay từ đầu năm. Mặc dù trên địa bàn chưa ai trồng cây gai, song anh có niềm tin vào đội ngũ cán bộ, đảng viên xã nên thôi thúc anh chuyển đổi cơ cấu cây trồng. anh kỳ vọng, cây gai lấy sợi sẽ là cây trồng chủ lực, là cây xóa nghèo của địa phương.
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Hằng cho biết, hiện tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chiếm trên 80%. Để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, nâng thu nhập bình quân đầu người đạt 27,5 triệu đồng/người/năm, thời gian tới, Đảng ủy xã lãnh đạo đảng viên, nhân dân phát huy tiềm năng, thế mạnh trồng rừng, chăn nuôi đại gia súc; mở rộng diện tích cây trồng, vật nuôi theo định hướng sản phẩm OCOP. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nâng cấp các công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng đảm bảo thuận tiện cho việc cơ giới hóa sản xuất, thúc đẩy nông nghiệp hàng hóa phát triển.
Gửi phản hồi
In bài viết