Thượng tá Đỗ Mạnh Phú, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh cho biết, tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng “đen” trên địa bàn tỉnh tuy chưa đến mức nổi cộm, nhức nhối gây mất trật tự, an toàn xã hội nhưng có chiều hướng gia tăng, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Do đó, hoạt động tín dụng “đen” vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu không làm tốt công tác đấu tranh, phòng ngừa. Sở dĩ hoạt động tín dụng “đen” vẫn có “đất sống” vì đây là hình thức huy động vốn thuận tiện, diễn ra ngầm, thủ tục gọn nhẹ nhưng với lãi suất huy động cao. Người cho vay chỉ giữ lại các giấy tờ như Căn cước công dân, sổ đỏ, giấy tờ xe... của người vay. Điều đáng nói, đa số người đi vay (bị hại) liên quan tín dụng “đen” sử dụng số tiền vay vào những mục đích vi phạm pháp luật. Có trường hợp vì sợ mất uy tín danh dự của bản thân, đơn vị nên không đi trình báo, không hợp tác phối hợp với cơ quan Công an. Nhiều trường hợp bị hại đam mê lô đề, cờ bạc nên bất chấp hậu quả khi nhắm mắt vay tiền với lãi suất cao.
Công an xã Hùng Lợi (Yên Sơn) tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, tố giác tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng “đen”.
Trong năm 2023, Công an toàn tỉnh đã tiếp nhận, phát hiện, xử lý 39 vụ, với 49 đối tượng liên quan đến hoạt động tín dụng “đen”. Trong đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố 22 vụ với 27 bị can đều về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (tăng 9 vụ/13 bị can so với năm 2022); xử phạt hành chính 9 vụ với 10 đối tượng; các vụ còn lại đang giải quyết. Từ đầu năm 2024 đến nay, Công an toàn tỉnh đã triệt phá 15 vụ/15 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Các đối tượng cho vay với lãi suất từ 3 nghìn đến 6 nghìn đồng/1 triệu đồng/1 ngày, tương ứng với mức lãi suất từ 109,5% đến 219%/năm. Tổng số tiền các đối tượng thu lời bất chính từ hoạt động tín dụng “đen” lên đến hàng tỷ đồng.
Ngày 20-2-2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Bàn Văn Trọng, trú tại xã Tú Thịnh (Sơn Dương) về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Qua đấu tranh, cơ quan Cảnh sát điều tra xác định từ tháng 11-2021 đến tháng 2-2024, đối tượng Trọng đã cho nhiều người vay tiền với mức lãi từ 121,65% đến 182,5%/năm. Đối tượng đã thu lời bất chính hơn 50 triệu đồng từ việc cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Thực tế, hoạt động tín dụng “đen” thường núp bóng dưới vỏ bọc cơ sở kinh doanh cầm đồ, hỗ trợ tài chính. Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 100 cơ sở kinh doanh cầm đồ, hỗ trợ tài chính. Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Công an toàn tỉnh tập trung làm tốt công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn; kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh cầm đồ vi phạm. Đồng thời, gọi hỏi, răn đe những đối tượng có biểu hiện nghi vấn, kiên quyết không để hình thành đường dây, băng nhóm tội phạm hoạt động tín dụng “đen” ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự. Cùng với đó, lực lượng Công an kết hợp phối hợp tuyên truyền, vận động Nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác, tích cực tham gia tố giác loại tội phạm này.
Thượng tá Đỗ Mạnh Phú, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh khuyến cáo, mỗi người dân hãy tỉnh táo, tìm hiểu rõ bản chất, hậu quả, không nên tham gia hoạt động tín dụng “đen” tránh những hệ lụy xấu cho bản thân, gia đình, xã hội. Đồng thời, nâng cao cảnh giác đối với các gói vay tiền trực tuyến trái phép thông qua các ứng dụng (App). Khi có nhu cầu vay vốn, người dân cần tìm đến các ngân hàng, tổ chức tín dụng uy tín để được tư vấn, hưởng lãi suất thấp, góp phần đẩy lùi tội phạm hoạt động liên quan đến tín dụng “đen”.
Gửi phản hồi
In bài viết