Thủ tướng thăm một số mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đặt tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, Trung tâm đã đạt được một số kết quả đáng kể.
Trung tâm đã cơ bản hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với 3 trụ cột chính Nhà nước-Viện trường-Doanh nghiệp và các chủ thể liên quan bao gồm: các trung tâm hỗ trợ, ươm tạo, đổi mới sáng tạo; các mạng lưới chuyên gia, trí thức, cố vấn; các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính.
Những đối tác lớn và quan trọng của Trung tâm như các tập đoàn công nghệ Google, Meta, Amazon, Siemens, Hitachi, Viettel, FPT, CMC; các viện nghiên cứu, trường đại học lớn trong nước, quốc tế; các trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo tại các nước như: Station F (Pháp), Brainport (Hà Lan), IMEC, Hub.brussels (Bỉ), Adlershof (Đức),...cùng gần 200 quỹ đầu tư trong nước và quốc tế đã tham gia hệ sinh thái.
Trung tâm cũng đã hình thành và phát triển Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam với gần 1.600 chuyên gia, trí thức người Việt đang làm việc tại các tập đoàn công nghệ, các viện-trường hàng đầu trên thế giới.
Trung tâm cũng đã hình thành và phát triển Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam với gần 1.600 chuyên gia, trí thức người Việt đang làm việc tại các tập đoàn công nghệ, các viện-trường hàng đầu trên thế giới.
Mạng lưới hiện nay đã phát triển 8 Mạng lưới thành phần tại Đức, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), châu Âu và 2 mạng lưới tại Mỹ. Đây là nguồn lực trí thức rất lớn, sẵn sàng tham gia, đóng góp vào các hoạt động, dự án công nghệ, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Trung tâm đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, bao gồm các hỗ trợ về cơ sở vật chất, hỗ trợ ươm tạo, nâng cao năng lực, hỗ trợ về tiếp cận vốn, hỗ trợ về cố vấn, tư vấn các giải pháp.
Một số chương trình tiêu biểu gồm như: Phối hợp Quỹ đầu tư ADB Ventures hỗ trợ tài chính và đầu tư trực tiếp cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; phối hợp Google tập huấn cho các startups; phối hợp tổ chức chương trình VietChallenge tại Hoa Kỳ lựa chọn startup Việt tiềm năng để kết nối đầu tư; tổ chức các chương trình trao đổi startups; các chương trình, hội thảo tư vấn, cố vấn khởi nghiệp sáng tạo trong nhiều lĩnh vực...
Trung tâm đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực về đổi mới sáng tạo tại các viện-trường, địa phương, phối hợp liên kết các Đại học quốc tế lớn cung cấp các khóa đào tạo về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thương mại hóa nghiên cứu công nghệ; phối hợp đối tác Google tổ chức Chương trình Nhân tài số với hàng chục nghìn sinh viên Việt Nam tham gia; phối hợp USAID triển khai các hoạt động Phát triển nguồn nhân lực; phối hợp Tổ chức STEAM for Vietnam tổ chức đào tạo hơn 20.000 học sinh tiểu học, trung học cơ sở về lập trình máy tính và STEM, tổ chức cuộc thi Robotics cho sinh viên; xây dựng hệ thống quản trị đào tạo trực tuyến...
Như vậy, với những kết quả như trên, Trung tâm đã từng bước khẳng định vai trò, vị thế tiên phong để hình thành hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.
NIC trở thành hạt nhân liên kết, thúc đẩy sự phát triển đầy đủ của các thành tố hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong nước.
Cùng với đó, NIC cũng trở thành đầu mối quốc gia về kết nối các hoạt động đổi mới sáng tạo với nhiều đối tác lớn trên thế giới.
Cuối cùng, NIC còn trở thành đơn vị tiên phong nghiên cứu, đề xuất các cơ chế hợp tác, các mô hình ươm tạo, hỗ trợ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.
Phát biểu ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta có thuận lợi là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng nêu rõ, phát triển đất nước bền vững dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Vấn đề là cần thể chế hóa, cụ thể hoá đường lối này. Chúng ta đang đi đúng hướng, đúng đường, do đó có thể yên tâm, mạnh dạn mà đi, mà làm để tổ chức thực hiện thành công.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia.
Thủ tướng cho rằng Trung tâm cần hội tụ trí tuệ người Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài để làm ra của cải vật chất, nguồn lực, rồi lan toả ra để tiếp tục phát triển.
Theo Thủ tướng, những cái đã và đang hình thành thì rất cần các văn bản pháp lý. "Chúng ta có Nghị định 94 rồi thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại Nghị định để sửa theo hình thức rút gọn, nếu sửa lâu thì ban hành ngay Nghị quyết để thực hiện rồi hoàn thiện tiếp" - Thủ tướng nói.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư hình thành một quỹ để phát triển việc này nhanh như khi hình thành Quỹ Vaccine.
"Chúng ta phải có chính sách để hội tụ trí tuệ, tiếp tục sản sinh ra nguồn lực; muốn vậy phải có vốn mồi; có cơ chế ưu tiên nguồn lực để sinh ra nguồn lực. Nhà nước sẽ dành nguồn lực cho trung tâm này bởi đầu tư cho việc này là đầu tư cho phát triển, miễn là đừng có tham nhũng, lãng phí" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu nguồn lực con người là quan trọng, do đó phải kêu gọi tập hợp trí tuệ con người không phân biệt biên giới.
Thủ tướng nêu rõ, cơ sở dữ liệu là rất quan trọng, muốn có Trí tuệ nhân tạo (AI) phải có cơ sở dữ liệu lớn (Big Data); Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phối hợp với Bộ Công an khai thác tốt cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc phối hợp các nhà khoa học, các tổ chức khoa học, các trung tâm nghiên cứu sẽ tạo ra hệ sinh thái; phải có chính sách hỗ trợ các startups bởi họ có trí tuệ, quyết tâm, do đó phải có hỗ trợ ban đầu.
Thủ tướng đề nghị phải hoàn thiện các khung khổ pháp lý phù hợp tình hình, hoàn cảnh Việt Nam, trước hết là Nghị định, cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực, phải có cơ sở vật chất, trang thiết bị; có quỹ để thực hiện; phối hợp của các bộ, ngành tạo ra hệ sinh thái khai thác những cái chúng ta có, thế giới có.
*Tiếp đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lên thăm Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia đang được xây dựng tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Tại công trường, sau khi nghe các đơn vị báo cáo tiến độ xây dựng, Thủ tướng chỉ đạo yêu cầu quan trọng nhất là phải bảo đảm tiến độ, chất lượng, các yếu tố kỹ mỹ thuật; quy hoạch phải tổng thể, bài bản, tầm nhìn xa, tư duy đổi mới, bảo đảm công năng phù hợp.
Gửi phản hồi
In bài viết