Hình ảnh so sánh ngọn lửa trên trạm vũ trụ và trên mặt đất. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Truyền thông Trung Quốc dẫn thông tin từ Trung tâm Công trình và Kỹ thuật ứng dụng vũ trụ thuộc Viện Khoa học Trung Quốc cho biết, đây là lần đầu thí nghiệm thắp lửa được thực hiện thành công tại tủ thí nghiệm khoa học đốt cháy trong mô-đun thí nghiệm Mộng Thiên của trạm vũ trụ Thiên Cung.
Ông Trịnh Hội Long, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu vật lý nhiệt, thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, nhà thiết kế trưởng của hệ thống khoa học đốt cháy cho biết, lần thí nghiệm này sử dụng khí mê-tan làm nhiên liệu đốt, tiến hành 2 lần thắp lửa, kéo dài khoảng 30 giây.
Trước khi làm thí nghiệm, với sự phối hợp của các nhà khoa học trên mặt đất, các phi hành gia đã cài đầu đánh lửa vào bộ thí nghiệm khí, sau đó đưa vào phòng đốt trong tủ thí nghiệm khoa học đốt cháy.
Tủ khoa học đốt cháy tự động hoàn thành hàng loạt thao tác như phân phối khí trong môi trường đốt, phun khí đốt, tăng nhiệt và làm cháy đầu đánh lửa, thu thập các tham số và chẩn đoán quang học, lọc tuần hoàn và xử lý khí thải.
Ông Lưu Hữu Thịnh, Phó Giáo sư Đại học Thanh Hoa, nhà khoa học phụ trách thí nghiệm khoa học đốt cháy cho biết, kết quả thí nghiệm cho thấy sự khác biệt giữa ngọn lửa được đốt ở mặt đất và ngọn lửa trên không gian.
Ngọn lửa trên không gian sẽ ngắn và tròn hơn, do không chịu tác động của lực nổi. Các thí nghiệm đốt cháy vi trọng lực có thể góp phần phát triển lý luận và mô hình về đốt cháy.
Hiện nay, Trung Quốc đang quy hoạch 10 chương trình nghiên cứu với 79 thí nghiệm trong lĩnh vực khoa học đốt cháy vi trọng lực, dự kiến sẽ hoàn thành hơn 40 thí nghiệm đốt cháy trên không gian vũ trụ trong năm 2023.
Kể từ khi mô-đun thí nghiệm Mộng Thiên được phóng vào vũ trụ (tháng 11/2022), các tủ thí nghiệm khoa học của mô-đun này đã triển khai hơn 50 nhiệm vụ như kiểm tra cấp điện, kiểm tra công năng cơ bản, kiểm tra và điều chỉnh các tham số...
Gửi phản hồi
In bài viết