Người bị mắc bệnh dại do bị lây truyền vi rút dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại là chó, mèo lên da bị tổn thương. Ở nước ta, chó là nguồn truyền bệnh dại cho người nhiều nhất (chiếm 95 - 97%) sau đó là mèo. Bệnh dại là căn bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vắc xin kịp thời, đúng và đầy đủ. Tính đến tháng 3-2022, số người bị chó, mèo cắn đã tiêm phòng trên địa bàn tỉnh có gần 1.000 người. Bà Hà Thị Bảo, thôn Pá Tao, xã Hòa An (Chiêm Hóa) cho biết, vừa qua, bà bị chó nhà hàng xóm cắn. Để phòng ngừa, bà đã rửa vết cắn bằng xà phòng và đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại.
Cùng với công tác phòng, chống bệnh dại ở người thì việc phòng chống bệnh dại ở động vật cũng đã được triển khai đồng bộ ở các địa phương, với hơn 20.000 liều vắc xin. Bà Hà Thị Hân, nhân viên thú y xã Trung Môn (Yên Sơn) cho biết, những năm gần đây xảy ra nhiều trường hợp chó dại cắn người, có trường hợp gây chết người nên bà con bắt đầu ý thức hơn và mỗi đợt tiêm phòng dại được triển khai tại xã thì người dân đều chấp hành tốt. Đến nay, địa phương đã tiêm được hơn 200 liều vắc xin dại, phấn đấu đến hết tháng 4-2022 tỷ lệ tiêm đạt trên 70%. Để bảo đảm công tác tiêm phòng đúng tiến độ, cán bộ thú y cơ sở phải đi tiêm từ sáng sớm hoặc tối muộn khi có người dân ở nhà.
Người dân tiêm vắc xin phòng bệnh dại tại Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc (TP Tuyên Quang).
Mặc dù có nhiều nỗ lực, nhưng công tác phòng, chống bệnh dại trên đàn chó, mèo còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tỷ lệ tiêm phòng vẫn thấp hơn nhiều so tổng đàn hiện có, mới đạt trên 20%. Nguyên nhân chủ yếu là do số lượng lớn chó nuôi với mục đích trông coi nhà nên rất khó bắt giữ để tiêm phòng dại; chi phí vắc xin và công tiêm phòng tương đối cao, trong khi kinh phí Nhà nước không hỗ trợ cho loại vắc xin này; một bộ phận không nhỏ các hộ nuôi chó, mèo vẫn chưa nhận thức được sự nguy hiểm, tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo…
Để tháo gỡ những khó khăn trên, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022 - 2030 trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu kiểm soát được bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi trên địa bàn tỉnh và phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân và cộng đồng. Việc UBND tỉnh ban hành kế hoạch này sẽ mang lại nhiều thuận lợi, trước hết là các địa phương buộc phải quan tâm và xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh dại trên đàn chó, mèo. Đồng thời, tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ mua vắc xin dại tiêm phòng cho đàn chó, mèo nhằm bảo đảm mục tiêu chung là đạt trên 70% tổng đàn trong giai đoạn 2022 - 2025 và trên 80% tổng đàn được tiêm phòng trong giai đoạn 2026 – 2030. Tỉnh hỗ trợ mua vắc xin dại tiêm phòng khẩn cấp miễn phí cho đàn chó, mèo thuộc đối tượng ưu tiên là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, 7/7 huyện, thành phố có điểm tiêm vắc xin dại và huyết thanh kháng dại cho người …
Ông Lưu Thanh Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, để tiến tới loại bỏ bệnh dại cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các ngành liên quan để mỗi người dân biết cách phòng bệnh cho đàn chó, mèo và bảo vệ bản thân đối với bệnh dại. Đồng thời, giảm bớt số người dân bị chó, mèo cắn bằng cách hạn chế nuôi chó, mèo; khi nuôi phải tuân thủ các quy định như xích chó và đeo rọ mõm khi ra đường, tiêm phòng bệnh dại đầy đủ. Người dân khi bị chó, mèo cắn phải tiêm phòng đầy đủ, đúng phác đồ và nên tiêm càng sớm càng tốt. Các trường hợp nặng, ngoài tiêm vắc xin cần được tiêm huyết thanh.
Với các giải pháp đồng bộ tiêm phòng cho chó, mèo và tăng cường nhận thức về xử lý vết thương, tiêm phòng sau khi bị chó nghi dại cắn... tỉnh ta sẽ loại bỏ được bệnh dại khỏi đời sống cộng đồng.
Gửi phản hồi
In bài viết